Vì sao côn trùng thích "đâm đầu" vào ánh sáng?
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 13:20, 01/02/2024
Một cảnh tượng mà ta thường xuyên bắt gặp là nhiều loại côn trùng như bướm đêm, muỗi, thiêu thân... bu lấy chiếc đèn ở ngoài hiên nhà khi trời tối. Ngoài ra, chúng cũng đâm đầu vào ánh sáng của lửa, của bóng đèn hay từ TV, điện thoại.
Theo Avalon Owens, một thành viên của Đại học Harvard, ánh sáng nhân tạo thậm chí còn có thể khiến côn trùng mất tập trung vào các mục tiêu như ăn uống, giao phối hay sinh sản... dẫn tới giảm quần thể giống loài.
Có rất nhiều giả thuyết liên quan tới vấn đề này. Một số cho rằng, các loài côn trùng sống về đêm thường sử dụng ánh sáng phát ra từ Mặt Trăng để định hướng. Thế nhưng, việc xuất hiện của ánh sáng nhân tạo làm chúng nhầm lẫn, khi cho rằng đây là ánh trăng.
Cũng có thể côn trùng chỉ đang cố gắng tìm kiếm bóng, nhưng chúng đã gặp phải một hiện tượng được gọi là "ảo ảnh quang học". Hiện tượng này xảy ra tại phần rìa của vùng sáng, khi chúng trông có vẻ tối hơn phần còn lại của màn đêm.
Năm 1965, một nhà nghiên cứu thậm chí đưa ra giả thuyết rằng ánh sáng nhân tạo có thể đã bắt chước pheromone giao phối của côn trùng, gây ra tình trạng kích thích tình dục, và khiến chúng bị thu hút.
Tuy nhiên, tất cả những giả thuyết đều đã bị bác bỏ bởi chúng không có bằng chứng xác đáng.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications đầu năm 2024, các tác giả tới từ Đại học Hoàng gia London đã phát hiện ra một hành vi bất ngờ của côn trùng. Đó là nhiều loài như bướm đêm hay chuồn chuồn luôn "quay lưng" về phía ánh sáng. Chúng thậm chí còn bay lộn ngược.
Dựa trên 477 video được ghi lại nhằm phân tích hành vi của côn trùng, các nhà nghiên cứu cho rằng một số loài côn trùng bay về phía ánh sáng như một cách để tự định hướng.
Tuy nhiên khi đặt ánh sáng ở sát mặt đất, một số loài côn trùng như đã đề cập, thậm chí đã bay lộn ngược và rơi xuống sàn. Điều này cho thấy chúng hoàn toàn bị mất phương hướng.
"Thông thường, ánh sáng có nghĩa là bay lên, và bóng tối nghĩa là đi xuống", tác giả Avalon Owens cho biết. "Với ánh sáng nhân tạo, quy tắc này bị đảo lộn, và nơi côn trùng đi tới thực ra không phải nơi chúng mong muốn".
Mặc dù thí nghiệm này đã hé lộ một phần rằng tại sao côn trùng thích ở gần ánh sáng, nhưng lại không giải thích được tại sao chúng tìm thấy ánh sáng ở khoảng cách xa, hay việc một số bị "mắc kẹt" trong ánh sáng này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, bí mật này sẽ sớm được hé lộ nhờ vào công nghệ camera và các kỹ thuật phân tích nhạy bén hơn. "Con người chưa có được công cụ cần thiết để khám phá những câu hỏi này", Owens nhấn mạnh.
Theo Live Science