Người Bắc cúng ông Táo khác miền Trung và miền Nam ra sao?

Dòng chảy - Ngày đăng : 11:50, 01/02/2024

Người miền Bắc thường cúng ông Công ông Táo sớm. Lễ tiễn Táo Quân về trời của người Trung thường có một con ngựa bằng giấy có đủ bộ yên cương. Người miền Nam quan niệm lễ cúng ông Táo chỉ được thực hiện vào cuối ngày.

Theo quan niệm dân gian, Ông Táo gồm bộ ba là: Táo quân, Táo bà và Táo tướng. Lễ cúng ông táo hàng năm nhằm đưa tiễn Ông Táo về trời sau một năm phù hộ độ trì cho sự bình an và ghi chép công tội của gia chủ để báo cáo với Ngọc Hoàng.

15+ Hình ảnh ông Táo về trời, ảnh ông Công ông Táo đẹp nhất - META.vn
Ông Công ông Táo trong văn hóa Việt Nam.

Ông Công (còn gọi là Thổ Công hoặc ông Táo, Táo Quân) là thuật ngữ chỉ các vị thần linh dân gian. Theo sách Nếp cũ của Toan Ánh, Thổ Công là vị thần trông coi gia cư, định phúc họa cho gia đình tín chủ và ngăn chặn các hồn ma quỷ quấy rối. Thổ Công không chỉ là một vị thần, mà bao gồm ba vị thần khác nhau: Thổ công (trông coi việc bếp núc, còn gọi là Táo quân), Thổ địa (trông coi việc nhà), và Thổ kỳ (trông coi việc chợ búa cho phụ nữ và việc sinh sôi màu vật của vườn đất).

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, ba vị Thổ Công/Táo quân thường được miêu tả dưới hình ảnh có 2 ông và 1 bà. Do đó, người Việt thường mua ba bộ mũ, áo, hia bằng giấy (không có quần) theo từng năm và tuân thủ theo quy luật Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, bộ trang phục này sẽ được hóa và thay thế bằng bộ mới, duy trì theo truyền thống.

Người miền Bắc thường cúng ông Công ông Táo sớm, chuẩn bị mâm cỗ từ ngày 20 tháng Chạp, trễ nhất là trưa 23 tháng Chạp.

Lễ cúng của người miền Bắc thường bao gồm ba bộ mã, trong đó có 2 bộ dành cho hai Táo ông và 1 bộ dành cho Táo bà. Mũ của Táo ông có hai cánh chuồn, trong khi mũ của Táo bà không có. Các vật phẩm cúng bao gồm vàng mã, hương, hoa, oản, quả, cau, trầu, sẽ được hóa sau khi lễ kết thúc.

Mâm cơm cúng ông Công, ông Táo thường chứa đựng các món ăn truyền thống như xôi, gà, giò, chả, canh măng, nem và thậm chí còn có xôi chè như chè bà cốt, nấu từ nếp cái, xôi vò, đường nâu và gừng tại một số địa phương.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Mâm cúng ông Táo miền Bắc.

Trong truyền thống văn hóa miền Bắc, việc sử dụng cá chép để làm đồ cúng lễ ông Công, ông Táo là một đặc điểm độc đáo. Cá chép sống sau lễ cúng thường được thả phóng sinh ở ao hồ, sông suối gần nhà, biểu tượng cho sự hoá rồng và làm phương tiện đưa các Táo trở về thiên đình. Hành động này cũng thể hiện lòng nhân hậu và đức độ của gia chủ.

Phong tục cúng ông Công ông Táo ở miền Trung được cho là cầu kỳ nhất trong 3 miền.
Lễ tiễn Táo Quân về trời thường được cúng vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Trước đó, gia chủ sẽ thay cát mới trong bát hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ.

Mâm cúng ông Táo miền Trung.


Thay vì cúng cá chép như miền Bắc, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy có đủ bộ yên cương. Ngoài ra, trong mâm cỗ cúng còn phải có cá thu hoặc cá ngừ, hoa tươi, trái cây và đặc biệt là bộ tượng Táo quân cũ cùng bộ tượng Táo quân mới đặt cạnh nhau.

Ở một số vùng như Huế và Hội An, truyền thống là dựng cây nêu trước nhà hoặc sân đình vào sáng ngày 23 tháng Chạp để xua đuổi ma quỷ trong khi các ông Táo "đi vắng". Sau lễ cúng, gia chủ hạ tượng ba ông Táo cũ, được làm bằng đất nung, từ bàn thờ bếp xuống. Rồi họ rước tượng ba ông Táo mới lên bàn thờ, đánh dấu sự khép lại của một năm và bắt đầu một năm làm việc mới. Tượng ba ông Táo cũ thường được đặt ở các am miếu đầu xóm hoặc dưới gốc cây cổ thụ tại ngã ba đường.

Theo phong tục của người miền Nam xưa thì có nhiều điều khác biệt so với cách cúng ngày nay. Các gia đình thường cúng Táo quân vào buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20 giờ đến 23 giờ ngày 23 tháng Chạp.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo 2024 đặc trưng miền Nam sẽ có kẹo.
Mâm cúng ông Công ông Táo miền Nam.

Người miền Nam quan niệm rằng lễ cúng ông Táo chỉ được thực hiện vào cuối ngày, khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, lúc này không phải dùng đến bếp núc để nấu nướng, không phiền đến các Táo thì mới là lúc thực hiện nghi lễ tiễn Táo quân lên chầu trời.

Thực phẩm cúng ông táo không bó buộc, nhưng theo tín ngưỡng ông bà xưa truyền lại, lễ cúng ông táo phải có bộ trang phục mới, có giấy vàng bạc làm lệ phí.

Lễ cúng ông Táo thường diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Sau cúng, gia chủ lau dọn lư hương, giữ lại 3 cây nhang cho đến ngày 30 tết khi đón ông bà về ăn tết và đón ông Táo.

Trước sự thay đổi trong cuộc sống, bếp củi dần nhường chỗ cho bếp gas và bếp điện, nhưng nét đẹp văn hóa dân gian này vẫn được nhiều gia đình giữ gìn.