Neuralink cấy chip lên não người: Đột phá hay nói quá?

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:45, 01/02/2024

Startup thần kinh Neuralink của Elon Musk gọi việc cấy ghép chip lên não bệnh nhân là một bước tiến lớn, nhưng các chuyên gia cho rằng nó chỉ là một phần của quá trình kéo dài hàng thập kỷ.

Việc cấy chip não dựa trên hàng thập kỷ nghiên cứu từ các phòng thí nghiệm học thuật và các công ty khác, kết nối bộ não con người với máy tính để giải quyết các căn bệnh và khuyết tật. Bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép giao diện não – máy tính (BCI) vào khoảng năm 2006 thông qua công ty Cyberkinetics. Một số nhà nghiên cứu tham gia trong nỗ lực này hiện đang làm cho Musk tại Neuralink.

Gần đây, BCI đã giúp những người bị liệt đi lại được, bắt đầu phục hồi tiếp xúc và giọng nói, hỗ trợ những người bị đột quỵ, Parkinson, ALS. Chúng còn được sử dụng để điều trị các rối loạn não, bao gồm trầm cảm, nghiện, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và chấn thương sọ não.

Cấy ghép Neuralink hoạt động như thế nào?

Thiết bị Neuralink ghi lại hoạt động từ các điện cực được đặt bên cạnh các tế bào não riêng lẻ, giúp đọc ra các chuyển động người đó dự định thực hiện.

Công ty cho biết họ đang tìm kiếm các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm lâm sàng, những người bị hạn chế chức năng ở cả bốn chi do ALS (xơ cứng teo cơ bên) hoặc đã bị chấn thương tủy sống ít nhất một năm trước nhưng chưa hồi phục đáng kể.

Các tình nguyện viên phải sẵn sàng cho phép Robot R1 phẫu thuật cấy ghép vào một vùng não kiểm soát chuyển động dự định của cơ thể. Họ cũng phải đồng ý tham gia 6 năm đào tạo và các buổi theo dõi.

Phát minh của Musk không giúp một người đi lại được. Để làm được điều đó, phải có sự can thiệp thứ hai.

qr0mpxto.png
Grégoire Courtine đang cầm trên tay thiết bị sẽ được cấy ghép vào bệnh nhân bị liệt. (Ảnh: USA Today)

Nhà thần kinh học Grégoire Courtine cho biết: Để khôi phục chuyển động cho một người tứ chi không vận động được, các vi điện cực "đọc" tín hiệu não phải được kết nối thông qua một "cây cầu kỹ thuật số" dẫn đến tủy sống, sau đó kích thích chuyển động. Công ty của ông đã liên kết nền tảng kích thích thần kinh của mình với thiết bị (giao diện não-máy tính) để phục hồi chuyển động sau khi bị liệt.

Các công nghệ não khác

Các công ty và nhà nghiên cứu khác đang nghiên cứu các thiết bị tương tự cũng như với các thiết bị đọc từ quần thể tế bào não lớn. Chúng có thể được sử dụng để để giải mã tiếng đọc bên trong đầu của mọi người (silent speech), theo Richard Andersen, một nhà thần kinh học tại Caltech. Điều này cho phép những người không nói được có thể nói rõ suy nghĩ của họ.

Andersen, Giáo sư Sinh học và Kỹ thuật Sinh học, cũng đang sử dụng công nghệ siêu âm để đọc hoạt động của não bằng công nghệ ít xâm lấn hơn. Với loại thiết bị này, một "cửa sổ" sẽ cần phải được cài đặt vào hộp sọ, cho phép sóng siêu âm đi vào não, nhưng các điện cực sẽ không cần phải được đặt chính xác sâu bên trong não như với các thiết bị khác.

Các thiết bị kích thích não sâu (deep brain stimulator) từ lâu đã điều trị các bệnh như Parkinson, động kinh và run vô căn, cung cấp những kích thích cụ thể. Gần đây, chúng đã lắng nghe bộ não để biết khi nào những kích thích đó là cần thiết, Tiến sĩ Brian Lee, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh chức năng tại Đại học Nam California chia sẻ.

Ngược lại, giao diện não - máy tính, như Neuralink của Musk, có thể thu thập tín hiệu và có tiềm năng rộng lớn hơn nhiều, ông nói. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để nói về tiềm năng đầy đủ của Neuralink.

"Cho đến nay Musk vẫn chưa cho chúng tôi thấy bất cứ điều gì", Lee nói. "Có lẽ, ông ấy sẽ có thể sử dụng những tín hiệu đó như các phòng thí nghiệm khác, để điều khiển con trỏ trên màn hình, giải mã giọng nói, di chuyển xe lăn xung quanh”.

Andersen cho biết nhóm của ông và những người khác hiện đang sử dụng các thiết bị tương tự như Neuralink, nhưng với các điện cực kích thích nhỏ hơn nhiều, để khôi phục cảm giác xúc giác cho những người bị tê liệt và mất cảm giác xúc giác.

Cùng một thiết bị dùng để giúp đọc ý định của một người bị liệt có khả năng giúp người đó cảm nhận được một vật thể. Vì vậy, họ có thể nhặt một lon soda lên mà không nghiền nát nó và uống một ngụm. Anderson hi vọng các sản phẩm như vậy sẽ có sẵn trên thị trường trong tương lai không xa.

"Đó sẽ là mục tiêu cho nhiều người trong chúng tôi trong lĩnh vực này", ông nói, với các ứng dụng y tế khác theo sau. "Công nghệ thần kinh nói chung đang là một lĩnh vực tăng tốc nhanh chóng".

(Theo USA Today)