9 thông điệp sai lầm về tiền bạc cha mẹ truyền tải cho con mà lại tưởng đúng
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 16:18, 31/01/2024
1. Đề cao giá trị đồng tiền
Đồng tiền rất quan trọng nhưng chỉ là vật chất, là phương tiện để sống, không phải là tất cả. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ vì nghèo nên chặt chẽ với con từng đồng, cấm ngặt con những nhu cầu tối thiểu, khiến đứa trẻ sợ hãi sự khó nghèo, dần hình thành tâm lý tôn thờ tiền bạc. Khi trưởng thành, trẻ trọng vật chất, trở nên toan tính, thậm chí đánh đổi cả danh dự vì tiền.
Do đó, khi thấy trẻ keo kiệt thái quá, cha mẹ nên chỉ cho con thấy vấn đề một cách khách quan, toàn diện, không giới hạn trong lợi ích vụn vặt. Ví dụ, nếu trẻ giấu kẹo ăn một mình mà không cho bạn, nên chỉ ra cho bé thấy rằng điều đó có thể khiến con mất đi một người bạn tốt.
Đồng tiền rất quan trọng nhưng chỉ là vật chất, là phương tiện để sống, không phải là tất cả. Ảnh minh họa
2. Lấy người thành công làm hình mẫu
Mỗi người trẻ đều có những hình mẫu của riêng mình để học hỏi theo. Những câu chuyện về cá nhân thành công, giàu có và có tầm ảnh hưởng đã dần trở nên phổ biến.
Nhiều cha mẹ luôn muốn hướng con đi theo con đường mà những người thành đạt, giỏi giang từng đi, nhưng thực tế, mọi thứ lại không diễn ra như vậy. Điều này dễ lý giải, bởi nếu không, tất cả những người đọc sách về các tấm gương đó có thể giải quyết nhanh chóng các vấn đề tài chính của họ.
Ví dụ, Alex là cậu bé yêu thích máy tính từ nhỏ. Một lần, cha đọc cho anh nghe câu chuyện về Steve Jobs. Từ đó, chàng trai trẻ tuổi này bắt đầu thu thập tất cả thông tin về Apple. Khi đến tuổi học đại học, Alex quyết định không cần đi học, bởi vì Steve Jobs không cần tấm bằng đại học mà vẫn có thể thành công.
Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, Alex vẫn buộc phải đi học nếu muốn được thăng chức. Anh thường nói đùa rằng: "Những gì tốt cho Steve Jobs thì với tôi – một người bình thường, đó chỉ là một sự lãng phí thời gian".
3. Tiền là chủ đề cấm kỵ
Chuyên gia ngân sách Mỹ Andrea Woroch nhận định nhiều gia đình khó khăn, mắc nợ thường ngại nói về vấn đề tiền bạc vì sợ con cái lo lắng. Thậm chí, nhiều cha mẹ cho rằng đây không phải vấn đề cho trẻ tham gia.
"Bạn dạy con không nói về tiền, chính bạn đang hạn chế cơ hội để con học những điều quý giá về tiền bạc", chuyên gia nói. Tim Sheehan, nhà sáng lập công ty công nghệ Greenlight cũng nêu quan điểm tương tự.
Ông tin rằng những đứa trẻ không được cùng cha mẹ thảo luận về tiền sẽ không hiểu giá trị, ý nghĩa của đồng tiền và không biết cách quản lý tài chính hợp lý. "Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc giải thích tại sao người lớn chọn mua nguyên liệu nấu ăn thay vì đồ ăn nhanh", ông Sheehan khuyên.
Nhiều gia đình khó khăn, mắc nợ thường ngại nói về vấn đề tiền bạc vì sợ con cái lo lắng. Ảnh minh họa
4. Chỉ chăm chăm tận dụng
Tiết kiệm thái quá sẽ có thể dẫn đến sự đánh đổi, hy sinh phẩm chất đạo đức và giá trị bản thân. Ví dụ, trẻ có được món đồ mới như cục tẩy, cây bút sẽ không dám dùng mà cất kín, sau đó mượn của bạn khác để sử dụng. Thậm chí, trẻ có thể lấy cắp của bạn khác.
Hành vi này, về lâu dài, khiến trẻ trở thành người thiển cận, chỉ ham lợi ích nhỏ, không biết quan tâm và chia sẻ với người khác. Khi trưởng thành, trẻ khó có được sự giúp đỡ của tập thể bởi chỉ biết nhờ vả mà không biết hỗ trợ trở lại. Trong môi trường xã hội, họ khó có được bạn tốt, đồng nghiệp tốt.
5. Chỉ chọn việc lương cao
Quan điểm về việc một người nên có một nghề nghiệp ổn định trong suốt cuộc đời dường như không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Một số nghề nghiệp hiện tại thịnh hành thậm chí chưa từng tồn tại từ 10 năm trước, trong khi nhiều nghề khác đã biến mất.
Do đó, việc bố mẹ định hướng cho con lựa chọn một ngành kiếm được nhiều tiền thay vì xuất phát từ đam mê là một sai lầm.
Ví dụ, Max từ nhỏ đã thích mày mò máy tính. Tuy nhiên, cha mẹ cậu lại cho rằng sở thích này là có hại. Một ngày, Max phát hiện ra một khóa học online về kiểm thử phần mềm. Giờ đây, Max đã phát triển sự nghiệp thành công trong lĩnh vực này.
Một ví dụ khác là Laura, 37 tuổi, làm việc với tư cách là một nhà xã hội học. Tuy nhiên, sau khi sinh con trai, cô không thể dành nhiều thời gian cho công việc như trước đây.
Laura từng yêu thích nhiếp ảnh và cô thực hiện nó trong suốt thời gian nghỉ thai sản. Cô bắt đầu bằng cách chụp những bức ảnh thường ngày của con trai, sau đó là chụp cho người thân, bạn bè. Một vài năm sau, Laura đã mở được studio ảnh của riêng mình. Mức lương hiện tại của cô kiếm được đã ngang bằng với chồng bây giờ.
Việc bố mẹ định hướng cho con lựa chọn một ngành kiếm được nhiều tiền thay vì xuất phát từ đam mê là một sai lầm. Ảnh minh họa
6. Tài chính chỉ dành cho người lớn
Ngoài đề cập đến tiền bạc, nhiều cha mẹ không cho con quản lý tiền bạc, khiến trẻ thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chuyên gia tài chính Kim Kiyosaki gợi ý một số cách phù hợp để giúp trẻ có thêm kiến thức.
Ví dụ, cha mẹ có thể cho trẻ thực hành qua những "phi vụ" kinh doanh nhỏ trong phạm vi gia đình, hàng xóm như bán nước, quét dọn thuê. "Nếu con bạn muốn mua một món đồ mới, hãy để con tự tìm cách kiếm tiền mua chúng", bà Kiyosaki nêu.
7. Không tiêu tiền cho những thứ phù phiếm
Ngoài các bài học trong sách vở, nhiều cha mẹ không cho trẻ có cơ hội học hỏi những điều mới mẻ từ những môi trường khác như tham quan bảo tàng, nhà hát hay phòng trưng bày nghệ thuật vì cho rằng điều đó là tiêu tốn vào những thứ phù phiếm.
Nhưng thực tế, những hoạt động này có thể sẽ giúp trẻ mở rộng vốn hiểu biết, tiếp nhận thêm được những kiến thức giá trị vốn không có trong sách vở.
8. Tiết kiệm là tất cả
Tiết kiệm tiền là điều quan trọng, nhưng cha mẹ không nên xem đó là điều duy nhất cần làm. "Thay vì tiết kiệm, tại sao bạn không dạy con cách phát triển số tiền chúng kiếm được?", bà Kiyosaki đặt câu hỏi. Chuyên gia tài chính khuyên các gia đình nên dạy trẻ hiểu về các kiến thức tài chính như quỹ tương hỗ hoặc cách phát triển một doanh nghiệp nhỏ.
Tiết kiệm tiền là điều quan trọng, nhưng cha mẹ không nên xem đó là điều duy nhất cần làm. Ảnh minh họa
9. Lấy tiền làm phần thưởng
Vẫn còn nhiều tranh cãi trong vấn đề lấy tiền làm phần thưởng, ví dụ như dùng tiền để tặng cho trẻ khi chúng đạt điểm cao trong bài kiểm tra hay phụ giúp mẹ làm xong việc nhà. Nhưng theo các chuyện gia, điều này không hẳn tốt.
Cha mẹ của Alexandra luôn khuyến khích con học tốt bằng cách sử dụng tiền như phần thưởng tạo động lực khi cô bé đạt điểm cao. Mọi việc diễn ra tốt đẹp cho đến một ngày, cha mẹ Alexandra phát hiện ra rằng con gái đã dựng lên một câu chuyện thương tâm ở trường khiến giáo viên thương cảm và cho cô bé điểm cao.
Cô bé thậm chí còn nói dối giáo viên rằng cha mẹ luôn chỉ trích khi bản thân đạt điểm kém. Biết chuyện, cha mẹ Alexandra tham khảo ý kiến của các nhà tâm lý học và quyết định ngừng việc thưởng tiền cho con.
Theo GĐXH