Thực hư 'Thầy phong thủy online' không cho cúng Giao thừa năm 2024

Dòng chảy - Ngày đăng : 14:10, 31/01/2024

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội (MXH) đang xuất hiện luồng ý kiến cho rằng “Tết 2024 không nên cúng Giao thừa vì ngày xấu”, quan điểm này ngay lập tức đã tạo nên một làn sóng tranh cãi dữ dội cho cộng đồng mạng.

 "Tết 2024 không nên cúng Giao thừa vì ngày xấu" đến từ đâu?

Những ngày gần đây, mạng xã hội (MXH) bỗng xuất hiện những video chia sẻ về vấn đề “Tết 2024 không nên cúng giao thừa vì ngày xấu” hoặc “do cổng năng lượng không tốt”.  

Tết 2024 không nên cúng Giao thừa vì ngày xấu có đúng không?
Nguồn: internet

Cụ thể, một tài khoản Tiktok tên C.N đăng tải video chia sẻ nội dung như sau: "Năm 2024 này các bạn không nên cúng Giao thừa nha, bởi vì năm nay là năm chuyển giao chuyển vận, chuyển từ vận 8 qua vận 9, là năm KHÔNG VONG. Cái vòng năng lượng của những ngày cuối năm trong vận cuối này rất là xấu, vì vậy chúng ta không nên cúng Giao thừa. Vì vậy có rất nhiều chuyện chúng ta không ngờ sẽ xảy ra, những tai ương và kinh tế suy thoái. Bởi vậy chúng ta không nên cúng Giao thừa, không nên đón năng lượng xấu trong năm nay. Hơn nữa, ngày Giao thừa năm nay rơi vào ngày Giáp Thìn, Thìn Thìn Giáp Giáp, Thìn Thìn cũng là KHÔNG VONG trong đêm Giao thừa cho nên chúng ta không nên cúng Giao thừa".

Một tài khoản khác cũng đăng tải nội dung tương tự như sau: "Năm nay nghênh Thái Tuế hay chào năm mới thì chị B. cũng sẽ bỏ qua công đoạn Giao thừa. Năm nay chị B. không cúng Giao thừa, còn tùy mọi người nhé [...] Ngày mùng 1, mùng 2 gọi là ngày Thập ác, không được việc gì cả. Các bạn nhớ lại năm 2021 không, chị B. cũng nói tới ngày 14 là ngày tốt, những người mở hàng trong năm ấy là bị Covid liểng xiểng hết".

Chuyên gia vào cuộc

Theo TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho rằng quan điểm Tết Giáp Thìn không nên cúng giao thừa vào đêm giao thừa mà nên cúng vào 25 hoặc 27 tháng chạp là vô căn cứ.

Theo TS Dương Hoàng Lộc, lễ giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ tịch, được cử hành vào đúng thời khắc kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở cả trong nhà và ngoài trời.

"Cúng giao thừa là tập tục văn hóa của người Việt vào đêm 30 tháng chạp hoặc 29 tháng chạp đối với tháng thiếu. Đây là thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Không thể nào cúng giao thừa mà lại làm vào ngày 25 hay 27 tháng chạp", TS Dương Hoàng Lộc nói.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương cũng cho rằng đêm giao thừa hay còn gọi là đêm Trừ tịch. Việc chuẩn bị mâm cúng trong đêm giao thừa, cùng với bữa cơm tất niên là điều vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng của người Việt.

Có nên kiêng kị cúng giao thừa hay không?

Cúng Giao thừa vào ngày xấu thì có sao không? Không bàn nên bàn luận về vấn đề đúng sai vì nó còn phụ thuộc vào niềm tin và quan điểm của mỗi người.

Tết 2024 không nên cúng Giao thừa vì ngày xấu
Nguồn: internet

Ý nghĩa thiêng liêng của lễ cúng Giao thừa không nằm ở việc đó là ngày tốt hay xấu, mâm cúng to hay nhỏ, gia đình có điều kiện kinh tế hay không… mà nó đến từ khoảnh khắc cả gia đình quây quần bên mâm cỗ cúng, dâng hương kính cẩn cầu khấn bên cạnh cành mai cành đào, cây quất để xin cho gia đạo bình an, một năm mới dồi dào sức khỏe, tài lộc may mắn. 

Việc cúng kiếng mang nhiều ý nghĩa tâm linh cầu mong sự bình an, nhiều may mắn, sức khỏe và tài lộc. Vậy nên nếu bạn đang thắc mắc: “kiêng kị cúng Giao thừa vào ngày xấu có sao không”, hay thậm chí “không cúng Giao thừa có sao không”? Thì câu trả lời là KHÔNG. Nếu trong dịp Giao thừa quý gia chủ bận việc đột xuất hay không thể cúng Giao thừa thì vẫn không sao.

Tổng hợp