Những con khỉ cấy chip Neuralink của Elon Musk: Sưng não, tê liệt và chết

Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:44, 31/01/2024

Neuralink – startup thần kinh của Elon Musk – vừa cấy chip vào não người lần đầu tiên. Tuy nhiên, người ta có quyền lo ngại khi nhìn lại số phận những con khỉ từng bị Neuralink thí nghiệm.

Hôm 29/1, tỷ phú Elon Musk thông báo trên X rằng Neuralink đã cấy chip vào não người lần đầu tiên và bệnh nhân đang “hồi phục tốt” với kết quả ban đầu “cho thấy khả năng phát hiện gai tế bào thần kinh đầy hứa hẹn".

Tuy nhiên, ông không nhắc đến những tranh cãi gay gắt xoay quanh công ty giao diện não máy tính (BCI) của mình, bao gồm cả cách Neuralink xử lý các con khỉ thí nghiệm.

huzzqwoq.png
Neuralink được cho là đã che giấu các sự cố liên quan đến khỉ thí nghiệm cấy chip não với nhà đầu tư và công chúng. (Ảnh: Futurism)

Tháng 5/2023, Neuralink cho biết được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép để tiến hành nghiên cứu trên người. Vài tháng sau, công ty bắt đầu tuyển bệnh nhân tham gia thí nghiệm.

Chỉ một ngày sau, tạp chí Wired đưa tin khoảng một tá con khỉ Rhesus mà Neuralink thử nghiệm phải trải qua tất cả các triệu chứng kỳ lạ, bao gồm sưng não, tê liệt một phần và hành vi tự làm hại bản thân. Cuối cùng, nhiều con khỉ đã ngã gục.

Trong một tai nạn năm 2019, con chip cấy vào một trong những con khỉ đột nhiên bị hỏng. Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật thất bại, con khỉ đã gãi ở vị trí cấy ghép, làm chảy máu. Hóa ra vết mổ bị nhiễm trùng nhưng do cấy ghép, nó không thể nhận được bất kỳ điều trị y tế nào. Vì thế, cuối cùng nó đã chết.

Một con khỉ thử nghiệm khác năm 2019 đã đập đầu xuống đất và cào vào vị trí phẫu thuật cho đến khi chảy máu, cuối cùng mất kiểm soát. Con khỉ này cũng không thoát khỏi cái chết.

Theo Wired, khoảng 21% khỉ mà Neuralink thí nghiệm được báo cáo đã tử vong vì các vấn đề cấy ghép chip lên não. Hầu hết thí nghiệm được đề cập diễn ra trong năm 2019 và 2020, giai đoạn ban đầu của công ty.

Dù vậy, dường như thông tin chi tiết về các thí nghiệm ban đầu đó không được chia sẻ với nhà đầu tư của Neuralink. Do đó, Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) đã bị gây áp lực để điều tra xem liệu công ty và ông chủ của nó có lừa dối các nhà đầu tư bằng cách che giấu các sự cố hay không.

Chưa rõ SEC đã mở cuộc điều tra Neuralink chưa, nhưng cuối năm 2022, hãng tin Reuters tiết lộ Bộ Nông nghiệp Mỹ đã điều tra về khả năng startup này vi phạm Đạo luật Phúc lợi Động vật. Đến tháng 7/2023, cuộc điều tra kết thúc và không tìm thấy bằng chứng nào về vi phạm quy tắc nghiên cứu động vật, ngoại trừ một sự cố năm 2019 mà chính Neuralink đã báo cáo.

Theo Futurism, trong quá trình nghiên cứu các phương pháp điều trị, việc thử nghiệm trên động vật thường không may dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, điều khiến Neuralink bị chỉ trích là không tiết lộ tất cả những điều đó cho công chúng trước khi kêu gọi huy động vốn và trước khi tuyển người tham gia thử nghiệm lâm sàng, thực hiện các ca phẫu thuật não đầy rủi ro.

(Theo Futurism)