Ngày 31/1 năm xưa: Lần đầu tiên phát hành tiền giấy
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 31/01/2024
-Lần đầu tiên phát hành tiền giấy
Ngày 31/1/1946, tiền giấy đã được Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên phát hành. Tờ bạc Việt Nam sử dụng ở các địa phương từ vĩ tuyên 16 trở vào. Tiền này thay thế đồng bạc Đông Dương với giá trị tương đương 1:1.
Tiền Việt Nam được phát hành có nhiều mệnh giá. Các loại giấy bạc này có ký tên Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng hoặc Giám đốc Ngân khố Trung ương Lê Văn Hiến, do đó ngoài tên gọi là giấy bạc Cụ Hồ, còn gọi là "đồng bạc tài chính".
Cuối tháng 11/1946, Quốc hội họp và tuyên bố công khai quyết định phát hành đồng bạc Việt Nam trên toàn quốc.
Năm 1951, Ngân hàng quốc gia Việt Nam được thành lập, quá trình in và phát hành đồng tiền Tài chính - giấy bạc cụ Hồ kết thúc vai trò lịch sử.
-Thành lập Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á - AFF
Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á được thành lập vào ngày 31/1/1984 trong cuộc họp tại Jakarta của 6 thành viên sáng lập là Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan. Ý tưởng thành lập liên đoàn xuất phát từ cuộc họp ban đầu thành lập liên đoàn bóng đá tiểu lục địa ở Bangkok năm 1982.
Các quốc gia khác đã gia nhập liên đoàn kể từ đó là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (cùng vào năm 1996), Đông Timor vào năm 2004 và Australia vào năm 2013.
- Cửa hàng McDonald's đầu tiên xuất hiện ở Moscow
Cửa hàng McDonald's đầu tiên ở Nga khai trương hoành tráng tại Quảng trường Pushkin ở Moscow vào ngày 31/1/1990 với khoảng 38.000 khách hàng xếp hàng chờ đợi hàng giờ đồng hồ, phá vỡ kỷ lục của công ty này vào thời điểm đó.
Việc thương hiệu mang tính biểu tượng của Mỹ vào nước này được coi là biểu tượng của những cải cách kinh tế và chính trị đang diễn ra. ở Liên Xô.
Đến năm 1997, có 21 địa điểm của chuỗi McDonald's ở Nga.
-Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit)
Ngày 31/1/2020, Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là ‘Brexit’.
Anh gia nhập EU vào năm 1973. Đến năm 1975, Anh đã có cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EU, tuy nhiên, có 67,2% số người bỏ phiếu đã không ủng hộ.
Sau hơn 40 năm, nhiều người dân Anh cho rằng, mối quan hệ giữa Anh và EU không mang lại lợi ích, thậm chí nước Anh còn phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng nợ công tại Eurozone; sự suy giảm khả năng cạnh tranh của EU; sự khác biệt về nhận thức dân chủ giữa Anh và các nước khác trong EU và khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu.
Tháng 01/2013, Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra ý kiến về việc tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2016.
Ngày 23/6/2016, cuộc trưng cầu dân ý ở Anh được chính thức tiến hành, thu hút được 71,8% cử tri, với hơn 30 triệu người đi bỏ phiếu. Kết quả cho thấy, có 51,9% phiếu đồng ý, trong khi đó chỉ có 48,1% phản đối Brexit. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 hoặc 2019 Anh mới có thể chính thức rời EU do Chính phủ Anh phải mất khoảng 2 năm để đàm phán về các điều khoản rút ra khỏi EU, theo điều 50 của Hiệp định châu Âu.
Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) được cho là mở ra hướng đi mới cho cả Anh và EU, tuy nhiên cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với tình hình kinh tế, chính trị của hai bên.
Quyết định rời EU của Anh không chỉ khiến châu Âu mất đi một thành viên quan trọng mà còn khiến nội bộ nước Anh chia rẽ sâu sắc. Một số vùng như Scotland và London vẫn muốn ở lại EU vì cho rằng quyết định này có thể làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư của Anh, cũng như vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của London.
-Nhà soạn nhạc Franz Schubert chào đời
Ngày 31/1/1797, Franz Schubert tại Himmelpfortgrund (Áo). Ông được xếp hạng là một trong số những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của những năm cuối thời kỳ cổ điển, đầu thời kỳ lãng mạn, và các tác phẩm của ông thường xuyên được trình diễn nhiều trong những năm đầu thế kỷ 19.
Sự huy hoàng của âm nhạc lãng mạn lan toả suốt thế kỷ XIX với rất nhiều nhà soạn nhạc ưu tú như Mendelssohn, Schumann, Chopin, Liszt hay Tchaikovsky nhưng trong đó người khai phá và là "nhân vật vĩ đại" đầu tiên chính là Franz Schubert.
Schubert sáng tác đủ các thể loại âm nhạc: giao hưởng, Sonat, nhạc thính phòng, bài hát. Schubert là người đầu tiên đưa bài hát đến tầm khái quát cao, đồng thời giữ được vẻ tự nhiên ban đầu của nó. Schubert trở nên bất tử qua 600 bài hát mà ông sáng tác (nên giao hưởng và opera của ông bị khuất lấp, bị rơi vào lãng quên lúc sinh thời).
Sau khi Schubert qua đời, các tác phẩm của ông mới khẳng định được tên tuổi của mình, một phần nhờ công lao phổ biến của các nhạc sĩ cùng thời như Franz Liszt, Robert Schumann, Felix Mendelssohn. Schubert được coi là ánh bình minh của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc Ông được xếp vào hàng các nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của nhân loại.