Đại gia bất động sản Evergrande sụp đổ: Đầu tư liều lĩnh, nhiều người vỡ mộng giàu
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 12:18, 30/01/2024
Bom nợ Evergrande chính thức sụp đổ
Hôm 29/1, Tòa án tại Hong Kong ra phán quyết buộc ông lớn bất động sản Trung Quốc China Evergrande buộc phải thanh lý tài sản để giải quyết khối nợ 300 tỷ USD do không thể đưa ra kế hoạch tái cấu trúc hợp lý.
Quyết định được đưa ra sau khi phiên tòa trì hoãn nhiều tháng, gia hạn 7 lần trong hơn một năm rưỡi qua.
Tài sản của Evergrande được đánh giá còn 240 tỷ USD, nhưng khối nợ là hơn 300 tỷ USD. Đây cũng là công ty có gánh nợ nặng nề nhất thế giới.
Evergrande đã vỡ nợ trên thị trường tài chính quốc tế từ cuối năm 2021. Hai năm qua, tập đoàn này vẫn nỗ lực thuyết phục các chủ nợ đồng ý với kế hoạch tái cấu trúc của mình, tuy nhiên họ đã gặp khó khi các lãnh đạo và chi nhánh chính của họ tại Trung Quốc bị điều tra.
Với quyết định này, các cổ đông Evergrande có thể mất trắng. Tài sản của người từng giàu nhất Trung Quốc - Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập China Evergrande Group, có thể về con số 0 tròn trĩnh.
Trước đó, theo số liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, từ tháng 10/2023 giá trị tài sản ròng của Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) - đã xuống dưới 1 tỷ USD. Đại gia bất động sản đổ tiền làm ôtô, bóng đá và bị vợ bỏ sẽ trắng tay.
Ông Hứa Gia Ấn từng là người giàu thứ hai châu Á với khối tài sản 42 tỷ USD. Trước khi Evergrande được chỉ định giải thể, ông Ấn đã mất 99% tài sản. Từ khi được giao dịch trở lại tại Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HSE) cuối tháng 8/2023 tới nay, giá cổ phiếu này đã giảm 90% còn 0,02 USD/cp.
Quyết định giải thể, thanh lý tài sản với Evergrande có thể khiến thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Hiện bất động sản Trung Quốc xuống đáy 9 năm, trong khi thị trường chứng khoán cũng xuống thấp nhất 5 năm.
Điều mà nhiều chuyên gia lo ngại là cú sụp đổ của Evergrande có thể phá vỡ giấc mơ làm giàu của nhiều người Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng tới niềm tin đầu tư, tiêu dùng. Nó kéo kinh tế Trung Quốc xuống sâu hơn nữa. Trong lịch sử, Nhật Bản đã cần tới một thập kỷ để vực dậy nền kinh tế sau những cú sốc lớn như vậy. Ở Trung Quốc, sự hồi phục có thể nhanh hơn nhờ nỗ lực chính trị, nhưng cũng dễ kéo dài.
Quyết định cho Evergrande sụp đổ cũng cho thấy định hướng của Bắc Kinh là chấp nhận khai tử các tập đoàn "zombie" do không còn gồng gánh nổi.
Trên Reuters, Andrew Collier, Giám đốc công ty nghiên cứu Orient Capital Research, cho rằng, việc để Evergrande phá sản là tín hiệu Trung Quốc sẵn sàng làm đến cùng để chấm dứt bong bóng bất động sản. Điều này có thể tác động tích cực với nền kinh tế trong dài hạn, nhưng sẽ gây ra khó khăn trong ngắn hạn.
Hiện, cổ phiếu Evergrande bị tạm dừng giao dịch. Quá trình thanh lý tài sản của Evergrande được đánh giá là phức tạp.
'Ngã ngựa' vì tham vọng ô tô, ham bóng đá
Evergrande được thành lập từ năm 1996 bởi tỷ phú Hứa Gia Ấn, là một trong những DN bất động sản lớn nhất Trung Quốc, với những con số khiến giới đầu tư phải giật mình vì tốc độ tăng trưởng quá nhanh: 1.300 dự án tại 280 thành phố, 20 vạn lao động và gián tiếp duy trì 3,8 triệu việc làm mỗi năm.
Không chỉ phát triển bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản, Evergrande còn lấn sân sang các lĩnh vực khác như xe điện, du lịch, thể thao, công viên giải trí, thực phẩm đồ uống... Năm 2020, Evergrande mua một đội bóng đá và xây trường dạy bóng đá lớn nhất thế giới, với chi phí 185 triệu USD và có kế hoạch xây dựng sân vận động bóng đá cũng lớn nhất thế giới với tổng đầu tư 1,7 tỷ USD, có sức chứa 100.000 khán giả.
Với uy tín của một gã khổng lồ, Evergrande huy động được hàng chục tỷ USD khi tuyên bố nhảy vào lĩnh xe điện cho dù chưa có kinh nghiệm gì về công nghệ ô tô. Evergrande tuyên bố Evergrande NEV sẽ vượt xa hãng xe điện số 1 thế giới là Tesla dù đến nay doanh thu vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Công ty xe điện này có lúc được định giá lên tới 120 tỷ USD, gấp đôi so với công ty mẹ, cao hơn các hãng ô tô truyền thống lớn như Ford và General Motors.
Trong nhiều năm, Evergrande đã đầu tư dàn trải và rời xa khỏi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Ở vào thời kỳ đỉnh cao năm 2017, ông Hứa Gia Ấn sở hữu khối tài sản ròng 42 tỷ USD, không chỉ giàu nhất ở Trung Quốc mà còn giàu thứ hai ở châu Á. Ông Hứa trở nên giàu có nhờ một thập kỷ phát triển bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản trong nhiều năm qua khiến Evergrande liên tiếp gặp rắc rối, trở thành hãng bất động sản nặng nợ nhất thế giới và đứng bên bờ vực thẳm. CEO và CFO mới của Evergrande hồi tháng 9/2023 đã bị bắt, trong khi doanh nghiệp liên tiếp thông báo không thể thanh toán trái phiếu tới hạn.
Evergrande rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021 giống như rất nhiều doanh nghiệp bất động sản khác tại nước này.
Chính sách siết chặt hoạt động cho vay của chính quyền Bắc Kinh nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và tránh bong bóng bất động sản đã khiến các doanh nghiệp địa ốc gặp khó. Đó chính là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Evergrande được biết đến là tập đoàn sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn để phát triển dự án và kinh doanh đa ngành. Tổng nợ của tập đoàn này khoảng 340 tỷ USD, tương đương 2% GDP Trung Quốc.
Hiện chính quyền Bắc Kinh vẫn duy trì chính sách thịnh vượng chung, kiềm chế giá bất động sản leo thang nhằm tạo ra giá nhà rẻ hơn cho người dân. Tuy nhiên, chính sách này cũng tạo ra một cuộc khủng hoảng hiếm có tại nền kinh tế số hai thế giới.