Ngày 30/1 năm xưa: Thảm họa hàng hải lớn nhất lịch sử: Tàu Wilhelm Gustloff của Đức bị tàu ngầm Liên Xô bắn chìm

Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 30/01/2024

Ngày 30/1/1945, thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất lịch sử xảy ra trên biển Baltic khi chiếc tàu MV Wilhelm Gustloff chở những người tị nạn Đức bị trúng 3 quả ngư lôi của tàu ngầm Liên Xô, gần 9000 người chết.

-Văn hóa Hòa Bình được công nhận 

Từ đề xuất của nhà khảo cổ người Pháp Madeleine Colani, Văn hóa Hòa Bình được giới khảo cổ học chính thức công nhận từ ngày 30/1/1932, sau khi đã được Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội thông qua.

dt_21020171458_dt_3092017953_9000.jpg
Dụng cụ lao động thời văn hóa Hòa Bình được tìm thấy và hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hòa bình. Ảnh: BHB

Văn hóa Hòa Bình thuộc thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới (cách ngày nay 15.000 năm, kéo dài đến 2.000 năm trước Công Nguyên), trên vùng đất xen núi đá vôi, thuộc phía Tây châu thổ ba con sông lớn thuộc Bắc Bộ Việt Nam, tiêu biểu cho cả phía xứ vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Năm 1923, bà Madeleine Colani cùng những người hướng dẫn địa phương khám phá ra một số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá, trong một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình.

2016-05-18mot-goc-hang-xom-trai.jpg
Hang Xóm Trại tại Hòa Bình. Ảnh: BHB

Trong mấy năm liền sau đó, bà liên tục khám phá thêm mười hai hang động trong vùng Hòa Bình, khai quật được một số lượng di vật hiếm thấy. Sau khi phân tích và so sánh liên hệ với đồ đá tìm thấy trong vùng núi Bắc Sơn, bà đề nghị xem toàn thể những di vật đặc biệt bằng đá cuội, với đặc điểm là chỉ được đẽo ở lưỡi hay rìa, là của cùng một nền văn hóa: Văn hóa Hòa Bình hay Hoabinhien.

portrait_of_madeleine_colani_-1866-1943-_-cropped-.jpg
Nhà khảo cổ Madeleine Colani. Ảnh: Wiki

Khởi thủy, cụm từ này được dùng để nói đến nền văn hóa cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời kỳ đá cũ đến thời kỳ đá mới.

Thảm họa hàng hải lớn nhất lịch sử: Tàu Wilhelm Gustloff của Đức bị tàu ngầm Liên Xô bắn chìm

Ngày 30/1/1945, tàu MV Wilhelm Gustloff chở những người tị nạn Đức bị chìm trên biển Baltic sau khi trúng 3 quả ngư lôi của tàu ngầm Liên Xô, dẫn đến thảm họa hàng hải thảm khốc nhất từng được biệt đến, với gần 9000 người chết.

adolf-hitler-launch-mv-wilhelm-gustloff-hamburg-germany-may-5-1937_11zon-1-.jpg
Con tàu được hạ thủy trước sự chứng kiến của Adolf Hitler vào năm 1937. Ảnh: Britannica

MV Gustloff là con tàu đầu tiên được chế tạo đặc biệt cho chương trình Kraft durch Freude (“Sức mạnh thông qua niềm vui”) của Mặt trận Lao động Đức, nhằm hỗ trợ các hoạt động giải trí cho công nhân Đức. Tàu dài 208,5 m và nặng hơn 25.000 tấn. Sức chứa khoảng 1.900 người, trong đó có khoảng 400 thành viên thủy thủ đoàn.

Con tàu được hạ thủy trước sự chứng kiến của Adolf Hitler vào năm 1937. Gustloff bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên vào ngày 24 tháng 3, năm 1938, và trong suốt 17 tháng, nó đã thực hiện khoảng 50 chuyến du ngoạn, vận chuyển khoảng 65.000 du khách.

mv-wilhelm-gustloff-german-hospital-ship-1940_11zon-1-.jpg
Tàu Wilhelm Gustloff có dài 208,5 m và nặng hơn 25.000 tấn, thủy thủ đoàn 400 người. Ảnh: Britannica

Khi Thế chiến thứ hai bắt đầu, Gustloff được hải quân Đức trưng dụng để phục vụ như một tàu bệnh viện ở Biển Baltic và Na Uy. Khi Hồng quân tiến vào Đông Phổ, Đô đốc Karl Dönitz bắt đầu chuẩn bị cho ‘Chiến dịch Hannibal’, cuộc di tản hàng loạt quân đội và dân thường Đức khỏi khu vực.

Tàu Gustloff được lệnh đưa các binh sĩ của Sư đoàn Huấn luyện Tàu ngầm số 2 đến miền Tây nước Đức. Con tàu bắt đầu tiếp nhận những người tị nạn khác lên tàu và đến chiều ngày 29/1, con số này đã lên tới 7.956 khi việc đăng ký bị dừng lại. Sau đó, ước tính có thêm khoảng 2.000 người khác đã lên tàu bằng nhiều cách khác nhau mà không bị phát hiện.

mv-wilhelm-gustloff-docked-tilbury-england-april-10-1938_11zon-1-.jpg

​Lúc 9h16 tối, Gustloff bị trúng ba quả ngư lôi và chìm trong vòng một giờ. Các xuồng cứu sinh và bè cao su được thả xuống nhưng không đủ cho lượng người quá đông, dẫn đến hỗn loạn, dẫm đạp dẫn đến chết người vì đuối nước và chen lấn.

Chín tàu cứu hộ đã đến hiện trường để cứu người suốt đêm nhưng ước tính chỉ có 1.239 sống sót. Đây là vụ chìm tàu có số người chết cao nhất trong lịch sử hàng hải.

c45e9c_11zon-1-.jpg
Thảm họa tàu Wilhelm Gustloff trở thành đề tài cho phim ảnh, văn học. Ảnh: Britannica

Câu chuyện bi thương của tàu Gustloff đã được ghi chép vào sách lịch sử và phim tài liệu, và là chủ đề của một số phim truyện, tác phẩm hư cấu, bao gồm cả tiểu thuyết ngắn Im Krebsgang (2002; Crabwalk) của nhà văn nổi tiếng Gunter Grass từng giành Nobel Văn học.

Lãnh tụ tinh thần Ấn Độ Mahatma Gandhi bị bắn chết

Ngày 30/1/1948, Mahatma Gandhi, lãnh tụ chính trị và tinh thần của phong trào độc lập Ấn Độ bị một kẻ cuồng tín theo đạo Hindu bắn chết tại New Delhi.

Vụ ám sát xảy ra khi Mahatma Gandhi đang trên đường tới buổi cầu nguyện thường nhật ở New Delhi. Ông qua đời lúc 5h45 chiều ở tuổi 78.

mahatma-gandhi-gettyimages-102701091-2048x2048-1.jpg
Mahatma Gandhi là lãnh tụ có ảnh hưởng lớn nhất tại Ấn Độ. Ảnh: India Times

Thông tin về vụ ám sát đã gây tác động sâu sắc khắp thế giới. Tổng thống và thủ tướng nhiều nước đã gửi điện chia buồn đến Ấn Độ trước sự ra đi của “một con người vĩ đại giữa bao người”, “một vị thánh” hay “một người không thể thay thế”.

Kẻ ám sát ông Mahatma Gandhi là Nathuram Godse, 36 tuổi, một kẻ cực đoan theo đạo Hindu, có mối quan hệ với cánh cực hữu của các tổ chức Ấn Độ giáo như Hindu Mahasabha. Tổ chức này cho Gandhi là người chịu trách nhiệm cho việc chính quyền suy yếu vì đã khăng khăng bắt buộc nộp một khoản tiền cho Pakistan. Nathuram Godse căm thù Mahatma Gandhi vì ông ủng hộ đoàn kết giữa những người Ấn Độ theo đạo Hindu và đạo Hồi.

ngay-nay-nam-xua-mahatma-gandhi-bi-am-sat-1.jpg
Mahatma Gandhi đến buổi cầu nguyện với sự trợ giúp của hai người cháu gái. Ảnh: India Times

Godse đã tiến gần Mahatma Gandhi và bắn vào ông trước khoảng 1.000 người. Vào thời điểm đó, ông Gandhi đã rất yếu do nhiều năm tuyệt thực. Ông đi tới buổi cầu nguyện với sự trợ giúp của hai cháu gái.

Godse đã bị những người có mặt ở đó dùng gậy đánh một trận nhừ tử trước khi cảnh sát đưa đi.

Thông tin về vụ ám sát đã gây tác động sâu sắc khắp thế giới. Tổng thống và thủ tướng nhiều nước đã gửi điện chia buồn đến Ấn Độ. Chủ đề của mọi lời chia buồn, dù là chính trị gia hay dân thường đều cùng chung một ý nghĩa “một con người vĩ đại giữa bao người”, “một vị thánh” hay “không thể thay thế”.

Khi thông tin về vụ ám sát được truyền tới Bombay (nay là Mumbai), các vụ bạo loạn ngay lập tức bùng nổ. Năm 1949, Ấn Độ tử hình Godse và các đồng phạm bằng hình thức treo cổ.

1650566901_new-project-52.jpg
Nathuram Godse bị tuyên tử hình và thi hành án năm 1949. Ảnh: India Times

Mahatma Gandhi là một vị anh hùng dân tộc Ấn Độ, người chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân Anh và giành độc lập cho Ấn Độ. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức tối cao.

Nguyên lý bất bạo lực (còn gọi là bất hại) được ông đề xướng với tên Satyagraha đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay.

Tổng hợp