Lấy chồng tỉnh lẻ, 15 năm tôi chưa được ăn Tết nhà mẹ đẻ
Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 21:46, 28/01/2024
Tôi lấy chồng đã 17 năm. Ngoại trừ năm đầu tiên có bầu, chờ vỡ đê đúng dịp Tết, còn lại suốt 15 năm nay, gia đình tôi đều khăn gói về ăn Tết quê nội.
Nhà chồng tôi cách Hà Nội chưa đầy 100km. Chúng tôi gặp nhau khi anh ra Hà Nội học đại học, rồi yêu nhau, lấy nhau. Cưới nhau xong, chúng tôi được bố mẹ hai bên dồn góp đỡ đần cho nên cũng có nhà riêng, ở cách nhà mẹ đẻ tôi 2km.
Hai vợ chồng tôi cưới nhau đầu năm, vì thế, đến gần Tết tôi ôm bụng bầu 9 tháng, chờ ngày đẻ. Năm đó, chồng tôi tạt về chúc Tết ông bà nội rồi quay ra Thủ đô, hai vợ chồng ăn Tết đơn giản ở nhà riêng, chạy qua chạy lại ông bà ngoại, rồi Mùng 3 Tết tôi sinh con, ăn Tết tiếp tại viện.
Suốt 15 năm nay, gia đình tôi đều về ăn Tết quê nội. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Online)
Từ năm thứ 2 sau khi cưới, cứ cơ quan bắt đầu nghỉ là chúng tôi đùm to đùm nhỏ về quê chồng. Năm nghỉ 7 ngày thì về 7 ngày, năm nghỉ 9 ngày thì về 9 ngày, bao giờ cũng đến buổi chiều nghỉ cuối cùng mới lục tục rời quê đi. Nhà cửa ở Hà Nội cũng đóng kín, đưa chìa khóa nhờ ông ngoại thắp hương giùm Đêm 30, sáng Mùng 1; còn lại đến khi ở quê lên chúng tôi mới làm lễ hóa vàng.
Một, hai năm đầu tiên, tôi thấy việc này rất bình thường (vì tôi nghĩ năm trước làm dâu đã không về). Nhưng đến năm thứ ba, thứ tư, khi tôi ngỏ ý muốn chia thời gian ăn Tết ở quê và Hà Nội thì chồng tôi vận động "bình thường đã ở gần ông bà ngoại rồi, có cái Tết dành cho ông bà nội ".
Chồng tôi cũng ý tứ ở quê Tết nhất rườm rà, thăm hỏi nhiều, mình đi xa phải về qua lại đủ chỗ cho chu toàn; còn ông bà ờ Hà Nội thì qua biếu quà sớm, sau Tết lên lại sang vui vầy, ông bà đơn giản không nghĩ ngợi gì đâu.
Tôi xuôi tai cũng nghe theo chồng. Cứ thế, chúng tôi lại qua cái Tết thứ năm rồi thứ sáu, rồi đến cả thứ mười thì mẹ tôi ốm. Năm đó, tôi lại một lần nữa bày tỏ nguyện vọng được ra Hà Nội sớm từ Mùng 2. Lần này, không phải chồng tôi mà cả gia đình chồng có ý kiến, vẫn lý do rằng tôi quanh năm ở gần nhà ngoại rồi, Tết phải ở nhà nội là đúng lẽ. Mẹ chồng tôi thì lựa hơn, bảo để hóa vàng xong rồi đi (nhà chồng tôi hóa vàng chiều Mùng 3). Cuối cùng, vẫn là sáng Mùng 4 tôi mới về được nhà mình, qua thăm mẹ, trong khi hôm sau đã phải đi làm.
Sau lần đó, tôi đã cãi nhau với chồng một trận. Tôi cho rằng anh và gia đình anh ích kỷ, không nghĩ tới người khác. Ngày Tết, gia đình nào cũng có nhu cầu xum vầy, vậy mà anh mặc nhiên cho đó như quyền lợi chỉ của đàn ông, của nhà nội. Chúng tôi căng thẳng tới mức đã ly thân, tôi xách va ly về ngoại.
Nhưng mẹ tôi lại là kiểu phụ nữ chất phác, suy nghĩ rất giản đơn. Với mẹ, hạnh phúc của con cái mới là quan trọng nhất. Mẹ tôi mắng tôi không biết sống, không biết hy sinh. Mẹ bảo mẹ không cần gì ở mấy ngày Tết. Mẹ tự điện thoại xin lỗi ông bà nội, tự gọi chồng tôi qua trò chuyện rồi đuổi tôi về. Cuộc đấu tranh để được ăn Tết của tôi chấm dứt với chiến thắng thuộc về chồng tôi, khi không một ai đứng về phía tôi, với quan điểm công bằng tôi muốn cả.
Từ đó đến nay, lệ cũ vẫn duy trì. Tôi dù rất buồn nhưng không dám nói. Chồng tôi cũng mặc nhiên coi đó như một điều bình thường, không hề đả động ý kiến gì nữa.
Tôi có nên đấu tranh một lần, để bố mẹ tôi có được cái Tết con cái xum vầy? (Ảnh minh họa)
Xin được chia sẻ thêm, gia đình tôi chỉ có hai chị em. Em trai tôi cũng lấy vợ ở quê, tận miền Trung. Nhưng cách năm bố mẹ tôi lại giục vợ chồng em về ngoại ăn Tết. Những năm đó, bố mẹ tôi chỉ ăn Tết một mình.
Trước, còn khỏe, sau Mùng 1 thăm hỏi họ hàng là bố mẹ đi chơi, du lịch, thậm chí nhiều năm gọi xe về quê chơi với thông gia; nhưng mấy năm nay từ sau khi mẹ ốm, bố mẹ chỉ ở Hà Nội, loanh quanh trong nhà.
Ngày thường, tiếng là ở gần, nhưng tôi đi làm cả ngày, bọn trẻ học thêm suốt, lâu lắm cuối tuần mới qua bố mẹ. Các ngày lễ trong năm, hầu như chiều chồng, tôi và bọn trẻ cũng đều cùng anh về quê nội. Tính ra một năm, nhà ngoại tôi chẳng được mấy bữa cơm đoàn tụ đầy đủ cả chị em con cháu.
Năm nào Giao thừa, tôi gọi điện, mẹ tôi cũng kể chuyện tíu tít mẹ đang làm này, mẹ đang làm kia. Nhưng tôi biết mẹ nhớ con nhớ cháu rất nhiều, là nói vậy cho tôi yên tâm. Có năm khi tôi ở quê lên, rẽ qua nhà, đồ Tết vẫn gần như còn nguyên. Chỉ mâm cúng đêm giao thừa và sáng Mùng 1, bố mẹ cứ hâm nóng lên ăn lại mãi với nhau.
Tôi thương bố mẹ mình và cảm thấy tủi thân cho bố mẹ khi sinh ra một đứa con gái không biết cách sống để có được sự chia sẻ của chồng, không biết đấu tranh cho những điều bản thân nghĩ là hợp lý, đúng đắn, như tôi.
Giờ Tết lại sắp đến. Bố mẹ tôi đã yếu lắm rồi, qua tuổi 75. Con cái tôi đã có nhiều mối quan hệ thầy cô, bạn bè muốn đến thăm nhau. Tôi cũng có phần mệt mỏi mỗi kỳ nghỉ Tết quần quật cơm nước, cúng bái, khách khứa, chào hỏi. Nhưng chồng tôi chưa nói gì với vợ đã điện thoại về quê, vẫn bảo 29 sẽ về, vẫn tưng bừng hẹn hò hội bạn này, anh em kia bữa nào tất niên, bữa nào tân niên.
Liệu, tôi có nên đấu tranh một lần, có nên nói thẳng với chồng và gia đình chồng tôi, rằng tôi không muốn một ngày nào đó hối hận khi bố mẹ gần trăm tuổi chưa một lần được con gái, con rể và các cháu qua chúc Tết; rằng tôi không muốn duy trì cái nếp nghĩ, cái quy định ích kỷ này nữa không?
Xin các bạn cho tôi một lời khuyên.
Theo VTC News