Tin nhanh tối 28/1: Hai tàu cá ở Quảng Bình bị chìm; Không khí Tết ở các hẻm TPHCM
Nhịp sống - Ngày đăng : 19:05, 28/01/2024
Tìm thấy 1 thi thể trong vụ 2 tàu cá Quảng Bình bị chìm
Vào khoảng 3h30 ngày 26/1, trong lúc đánh bắt trên biển, tàu cá QB 91205TS có 7 ngư dân, do anh Đào Xuân Nhật (SN 1997), trú xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) làm thuyền trưởng bị phá nước và chìm trên vùng biển cách cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) khoảng 56 hải lý về hướng đông nam.
Một tàu cá khác cứu được 6 người, sức khỏe họ bình thường. Ngư dân còn lại Đào Văn Bá (SN 1999), trú thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh đang mất tích.
Cũng rạng sáng 26/1, anh Phạm Ngọc Lâm, trú xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cùng 3 ngư dân khác trên tàu dịch vụ hậu cần nghề cá gặp nạn vì tàu chìm.
Hai thuyền viên trên tàu là Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Xuân Hướng may mắn được tàu cá của tỉnh Thừa Thiên Huế cứu sống. Những người còn lại mất tích.
Đến sáng nay (28/1), thi thể ngư dân Phạm Ngọc Lâm được một tàu cá phát hiện trôi dạt trên biển và vớt lên tàu để đưa về bờ.
Như vậy, trong số 11 thuyền viên 2 tàu bị chìm trên biển, 8 người đã an toàn và đang được đưa về bờ, 1 người tử vong, lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm những ngư dân còn lại.
Sáng 28/1, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình Mừng Đảng - Mừng Xuân. Khoảng 8h30, đoàn rước với hàng trăm người mặc trang phục áo dài truyền thống xuất phát từ Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm) đi qua các tuyến phố cổ cũng như di sản Thủ đô về đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc.
Đoàn rước lễ đi qua phố các con phố Đào Duy Từ - Ô Quan Chưởng - phố Hàng Chiếu - phố Hàng Giầy - Đền Bạch Mã - phố Hàng Buồm - phố Tạ Hiện - Rạp Chuông Vàng và dừng lại ở Đình Kim Ngân (Hàng Bạc)suốt gần 3 tiếng đồng hồ.
Tại đình Kim Ngân diễn ra các hoạt động lễ dâng Thành Hoàng, lễ dựng cây nêu ngày Tết và diễn xướng dân gian mừng Xuân mới.
Vườn thú đốt lửa, bật nước nóng để sưởi ấm cho động vật trong cái rét Hà Nội
Để đối phó với rét hại, vườn thú Hà Nội đốt lửa 24/24h để sưởi ấm cho hươu, nai. Đối với Hà Mã, vườn thú còn sử dụng bình nóng lạnh 400-500 lít để duy trì nhiệt độ nước luôn trên 20 độ C.
Tại đây đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 700 cá thể với hơn 90 loài động vật khác nhau, trong đó có những loài thú đặc biệt quý hiếm.
Ông Lê Sĩ Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội, cho biết hàng năm đơn vị luôn có kế hoạch chống rét cho động vật. Với các loại động vật lớn như voi, hổ, báo, sư tử, gấu... công ty lắp đặt hệ thống máy sưởi.
"Các con thú đang sinh trưởng ổn định. Hàng ngày, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe các loại thú, nếu con nào sức khỏe yếu có dấu hiệu bị bệnh sẽ được chăm sóc riêng. Để phòng chống rét cho thú ngoài đốt lửa, máy sưởi, chúng tôi còn lắp đặt thêm kính cường lực tại các chuồng để tránh gió", nữ nhân viên chăm sóc thú chia sẻ.
Sân bay Tân Sơn Nhất chật ních người vì tình trạng ‘1 người về 10 người đón
Những ngày này, sảnh đến ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) luôn trong tình trạng đông đúc vì hàng nghìn người chờ đón thân nhân từ nước ngoài về Việt Nam đón năm mới Giáp Thìn 2024.
Đường lên sân bay kẹt cứng mọi thời gian trong ngày. Nhiều gia đình ở TPHCM và các tỉnh thành lân cận dẫn theo người nhà ra sân bay chờ đón người trở về Việt Nam đón năm mới.
Cao điểm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bắt đầu khoảng 1 tuần nay, kéo dài đến khoảng 25/2. Theo số liệu từ Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến mỗi ngày có khoảng 860 - 900 chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, trung bình khoảng 135.000 - 140.000 hành khách/ngày.
Tình trạng "1 người về 10 người đi đón" khiến khu vực sảnh đến ga quốc tế Tân Sơn Nhất đông nghẹt phía bên ngoài.
Các hẻm, đường TPHCM ngập sắc xuân ngày giáp Tết
Còn khoảng 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng nhiều hẻm nhỏ ở TPHCM đã ngập tràn sắc xuân bởi những "đường hoa mini", không gian Tết thống đầy màu sắc. Nhiều tiểu cảnh được các khu phố tự thiết kế, trang trí ở đầu hẻm.
Tại hẻm 100 Trần Hưng Đạo (quận 1), người dân chăm chút khá công phu. "Bà con trong hẻm lên ý tưởng và cùng trang trí trong nhiều ngày, vừa hoàn thiện được hơn 1 tuần nay. Năm nào cứ đến dịp này là cả xóm lại rục rịch chuẩn bị làm đường hoa, thấy con hẻm có không khí Tết hơn, sắc xuân tràn đầy từ ngoài ngõ vào tận trong nhà", ông Quang nói.
Tại hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), hẻm 174 đường Bàn Cờ (quận 3), một số hộ dân đã tự góp tiền để trang trí hẻm bằng những dây pháo đỏ, cổng chào...
"Không có nhiều kinh phí để chưng mai, đào thật, tôi dùng cây khô và các vật liệu đơn giản có sẵn để làm cây mai, gắn hoa giả và đèn nháy, vừa dễ làm mà lại ít tốn kém. Quan trọng là tạo thêm không khí cho bà con trong xóm đón Tết, cảm thấy ấm cúng khi về hẻm nhà mình", người dân ở đây nói.