Chuối có mặt trong mâm ngũ quả miền Bắc nhưng không được miền Nam yêu chuộng?

Dòng chảy - Ngày đăng : 22:10, 27/01/2024

Ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, quan điểm về mỗi loại hoa quả khác nhau nên ý nghĩa mâm ngũ quả có chút khác biệt trong ngày Tết Nguyên đán. Hãy đi tìm ý nghĩa từng loại quả.

Xem thêm: Ước nguyện gói trong mâm ngũ quả của người Việt dịp Tết Nguyên đán

Xem thêm: Cách trang trí mâm ngũ quả 3 miền cho ngày Tết Nguyên đán

Mâm ngũ quả, nghĩa là mâm bày 5 loại quả, tương ứng với 5 màu theo ngũ hành. Theo quan niệm của người phương Đông, các màu quả cần có là: đen, đỏ, xanh, trắng, vàng, lần lượt tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Thông thường, mâm ngũ quả không thể thiếu nải chuối, và nhất định là chuối còn xanh. Màu xanh của chuối được coi là Hành Mộc.

vf.jpeg
Mâm ngũ quả thông thường ở các miền. Ảnh tư liệu

Nải chuối có các quả bao lên như bàn tay, có ý che chở, sự sung túc, đùm bọc và gắn kết. Thực tế là trên mâm ngũ quả, nải chuối cũng bao bọc, nâng đỡ các loại quả khác.

Giữa nải chuối thường là quả bưởi màu vàng (ứng với Hành Thổ), ý nghĩa là cầu phúc lộc (nhiều người cũng dùng quả phật thủ hay quả lựu chín vàng).

Trên mâm, Hành Hỏa là các loại quả có màu đỏ (thường là dưa hấu) và Hành Kim là những loại quả có màu trắng sáng quả đào, quả roi ở miền Bắc; Hành Thủy được tượng trưng bằng quả có màu đen, sẫm như mận, hồng xiêm...

Ở Việt Nam, với sự đa dạng về vùng miền, mâm ngũ quả của mỗi vùng cũng khác nhau, nhưng đều có ý nghĩa cầu cho cuộc sống no đủ, bình an, phát đạt.

br.jpeg
Tuỳ thuộc vào từng vùng miền, các loại trái cây được thêm bớt. Ảnh tư liệu

Tùy theo từng vùng miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.

Từ Bắc vào Nam, các loại trái cây dùng để bày trên mâm ngũ quả đa dạng, với biểu tượng về điều ước của gia đình, mang những màu sắc chung như xanh lá (cân bằng, bình yên), đỏ, cam (may mắn), vàng (phát tài lộc).

Mâm ngũ quả truyền thống có các loại quả như chuối xanh - tượng trưng cho gia đình sum vầy, quây quần, đầm ấm, bao bọc và chở che; Phật thủ xanh - bàn tay phật che chở cho cả gia đình; Bưởi vàng - Cầu ước sự an khang, thịnh vượng; Thanh long đỏ - Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc; Đu đủ vàng- Thịnh vượng, đủ đầy.

Do điều kiện ở các khu vực sinh sống của người Việt có khác biệt nên có nhiều cách bày mâm ngũ quả khác nhau. Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hay chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, táo, lê, lê-ki-ma...

Chuối xanh cong lên ôm lấy bưởi mang ý nghĩa đùm bọc. Người miền Bắc có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả, đặc biệt phải có nhiều màu sắc.

Mâm ngũ quả người miền Nam gồm mãn cầu Xiêm, dừa (hay dưa), đu đủ, xoài, sung, với ngụ ý "cầu sung (túc) vừa đủ xài". Đôi khi thêm trái dứa (người Nam gọi là "thơm") và thường là phải có một cặp dưa hấu để riêng bên cạnh.

gb.jpg
Chuối không được miền Nam yêu chuộng do phát âm. Ảnh tư liệu

Khác với người Bắc là gia đình người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có chuối (vì âm chuối đọc như "chúi nhủi", ngụ ý thất bại), cam ("quýt làm cam chịu"), lê ("lê lết"), táo (người Nam gọi là "bom"), lựu ("lựu đạn") và không có cả sầu riêng, dù người Nam bình thường rất thích ăn sầu riêng, và không chọn trái có vị đắng, cay.

Mỗi loại quả trong mâm ngũ quả lại mang một ý nghĩa khác nhau, hãy cùng tìm hiểu:

Chuối:

Là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả. Chuối phải là nải chuối còn xanh, màu xanh được coi là hành Mộc. Nó mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.

Thực tế là trên mâm ngũ quả, nải chuối cũng bao bọc, nâng đỡ các loại quả khác.

Quả quất

Theo âm Hán của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

b.png
Quất gần như có mặt trên mọi mâm ngũ quả. Ảnh tư liệu

Quả phật thủ

Quả phật thủ thường được đặt ở trung tâm và nơi cao nhất trong mâm ngũ quả. Theo quan niệm xưa phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm quyến rũ, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ.

g.jpg
Phật thủ cũng là loại trái cây quen thuộc. Ảnh tư liệu

Quả bưởi

Tượng trưng cho phúc lộc, viên mãn.

Quả xoài

Cầu mong tiền tài không thiếu thốn.

Quả thanh long

Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ và biểu trưng cho sự cát tường, thịnh vượng.

Quả sung

Với mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, sung mãn về sức khỏe, hay tiền bạc.

Quả đu đủ

Là biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.

btb.jpeg
Quả sung mang ý nghĩa của sự sung túc, sung mãn. Ảnh tư liệu

Dưa hấu: Tốt đẹp, viên mãn, trung thực

Mãng cầu: Cầu chúc mọi điều như ý

Dứa (thơm): Thơm tho, đa phúc lộc

Hồng: Hồng hào, tươi tốt, tượng trưng cho sự thành đạt

Lựu: Đa phúc, đa lộc, con đàn cháu đống

Dừa: Viên mãn

Đào: Sự thăng tiến, danh lợi

Quả trứng gà: Lộc trời cho.

Xuân Thì (Tổng hợp)