Quân sự thế giới hôm nay (27-1): Nga chế tạo UAV MiS-35 với khả năng đặc biệt, Pháp bàn giao M270 cho Ukraine
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:56, 27/01/2024
* Nga chế tạo UAV MiS-35 với khả năng quay về khi mất liên lạc
Army Recognition dẫn thông tin từ Oreanda News cho biết, các kỹ sư tại phòng thiết kế “MiS” của Nga mới tiết lộ một loại máy bay không người lái (UAV) nhiều cánh quạt được trang bị một hệ thống cho phép nó quay trở lại điểm xuất phát ngay cả trong tình huống mất liên lạc hoàn toàn với người điều khiển.
UAV MiS-35 được thiết kế với hình dạng sáu cánh, có thể gấp lại được, cho phép vận chuyển dễ dàng. UAV mới này có tải trọng 4,5kg, tốc độ bay tối đa 63km/giờ và có thể bay tối đa 32 phút khi mang tải.
UAV MiS-35 được thiết kế với hình dạng 6 cánh. Ảnh minh họa: Free3D |
Nhà sản xuất cho biết thêm, MiS-35 được trang bị hệ thống giảm tải, 1 camera analog (loại camera quan sát với cảm biến CCD thu nhận hình ảnh thực địa) có khả năng phóng to, thu nhỏ gấp sáu lần, kênh liên lạc chống nhiễu và cũng có thể được trang bị hệ thống ảnh nhiệt.
Nói về khả năng quay trở lại điểm xuất phát khi mất liên lạc, MiS chia sẻ, UAV này sử dụng hệ thống 'Podvodyr', đảm bảo cho phương tiện quay trở lại điểm xuất phát trong trường hợp mất hoàn toàn liên lạc với người điều khiển. Hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc dẫn đường quán tính mà không cần sử dụng GPS và được thiết kế để cải thiện đáng kể khả năng hoạt động của máy bay trong môi trường tác chiến điện tử.
* Pháp “lặng lẽ” bàn giao phiên bản nâng cấp của M270 cho Ukraine
Bulgarian Military dẫn thông tin Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, nước này đã chuyển giao thêm 2 bệ phóng tên lửa phóng loạt M270 nâng cấp cho Ukraine, nâng tổng số hệ thống loại này mà Kiev nhận từ Paris lên 6.
Theo trang tin Air&Cosmos, việc chuyển giao được thực hiện “hoàn toàn bí mật” và Ukraine hiện đang nắm giữ 25 bệ phóng M270 do Anh, Na Uy, Đức, Italia, và Pháp cung cấp, trong đó Anh cung cấp với số lượng lớn nhất là 14 bệ.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt (gọi tắt là MLRS) M270 có tính cơ động cao của “ông lớn” Lockheed Martin được đánh giá là một trong những vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi.
Hình ảnh hệ thống tên lửa phóng loạt M270 của quân đội Pháp. Ảnh: Army Recognition |
MLRS M270 được lắp đặt trên một phương tiện bánh xích giúp nâng cao khả năng cơ động trên nhiều địa hình. M270 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, hệ thống dẫn đường quán tính và công nghệ GPS để mang lại độ chính xác tối đa trong thực hiện nhiệm vụ và có thể phóng được tới 12 quả tên lửa chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút.
Phạm vi hoạt động của MLRS M270 phần lớn phụ thuộc vào loại đạn tên lửa. Đối với tên lửa M26 truyền thống, tầm bắn là 32km, trong khi với M26A2, phạm vi này lên tới 45km. Một trong những điểm nổi bật của MLRS M270 là được thiết kế độc đáo để bắn tên lửa ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) với tầm bắn hơn 300km.
M270 có khả năng mang nhiều loại tên lửa để tấn công các mục tiêu ở nhiều khoảng cách khác nhau, tên lửa M26 với 644 đầu đạn con M77 để tấn công các mục tiêu mặt đất, tên lửa phóng loạt dẫn đường M30 và M31 để nhắm các mục tiêu chính xác. Ngoài ra, M270 còn sử dụng biến thể M39 của ATACMS để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu được ưu tiên cao.
Với tính cơ động cao, hỏa lực đáng gờm và độ chính xác, hệ thống này đang củng cố vị trí là một vũ khí không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại.
* Argentina khởi động chương trình hiện đại hóa lực lượng trên bộ
Trong một loạt sáng kiến đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, Argentina hiện đang tập trung vào các dự án nâng cấp các trang thiết bị hiện có và mua vật liệu mới nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng trên bộ.
Trong đó, dự án hiện đại hóa xe tăng hạng trung VC TAM 2C-A2 được đánh giá là dự án chủ chốt trong năm 2024. Ngoài tháp pháo, Argentina cũng tập trung nâng cấp thân xe và các bộ phận tự động với mục tiêu cuối cùng là sẽ có 74 chiếc được nâng cấp. Nước này cũng đã ký kết các thỏa thuận và bắt đầu các quy trình đấu thầu khác nhau để duy trì liên tục nguyên liệu cần thiết cho việc nâng cấp xe bọc thép.
Quân đội Argentina cũng đang xem xét mua dòng xe chiến đấu bọc thép bánh lốp cho một lữ đoàn cơ giới mới, bất chấp những khó khăn về tài chính. Hiện tại, có nhiều ý kiến cho rằng, nước này đang để mắt tới VBTP Guarani 6x6 do Công ty Iveco sản xuất.
Dự án hiện đại hóa VC TAM 2C-A2 được đánh giá là dự án chủ chốt trong năm 2024. Ảnh: zona-militar.com |
Cùng với đó, Quân đội Argentina cũng đặt mục tiêu tăng cường đội bay bằng cách thay thế mẫu trực thăng SA-330 Puma và SA-332 Super Puma bằng máy bay trực thăng đa dụng hạng trung. Một số mẫu đang được cân nhắc, bao gồm cả mẫu được sản xuất bởi Airbus Helicopters và PZL Mielec. Ngoài ra, việc mua máy bay DA-62 MPP cho các nhiệm vụ đặc biệt cũng đã được lên kế hoạch.
Về pháo binh, Argentina đang xem xét hiện đại hóa hệ thống pháo tự hành và phòng không. Nước này cũng nỗ lực sắm thêm các radar mới và cải tiến hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh dã chiến tự động.
Các dự án này thể hiện cam kết rõ ràng của Quân đội Argentina trong việc đổi mới và nâng cao năng lực của mình nhằm ứng phó với những thách thức hiện tại, bất chấp những hạn chế về ngân sách và hậu cần.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)