Hơn 2.000 người đảm bảo an ninh Lễ hội Khai ấn đền Trần
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:52, 26/01/2024
Chiều 26/1, UBND thành phố Nam Định đã tổ chức họp báo công bố về việc tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2024.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Khai ấn đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường xưa).
Lễ hội có ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong quốc thái dân an; thiên hạ thái bình, thịnh trị; mọi nhà chung hưởng lộc ấn của đền Trần "Tích phúc vô cương"; mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.
Ngày nay, việc làm này không chỉ mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, yếu tố tâm linh mà còn mang tính giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Các tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều Trần đã có công dựng nước, giữ nước và khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi...
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng ban quản lý Di tích đền Trần, chùa Tháp, đã thông tin về việc tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định năm 2024.
Cụ thể, thời gian quản lý lễ hội từ ngày 10/2 đến 9/3 (tức từ mồng 1 đến 29 tháng Giêng); thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 20 đến 25/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng).
Vào sáng ngày 11 tháng Giêng âm lịch, đền Trần sẽ tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Đây là nghi lễ rước kiệu đặt bát hương thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Phổ Minh sang đền Thiên Trường. Nghi thức này của Vương triều Trần đã bị mai một từ rất lâu, mới được phục dựng vào năm 2015. Qua ngày 12 tháng Giêng, Ban Tổ chức sẽ làm lễ rước nước, tế cá.
Lễ hội Khai ấn đền Trần diễn ra vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch. Thời gian phát ấn cho nhân dân, du khách thập phương bắt đầu từ 5h ngày 15 tháng Giêng âm lịch.
Thông tin tại buổi họp báo, Ban Tổ chức lễ hội cho biết, theo phương án, sẽ có 2.000 cán bộ, chiến sỹ dân phòng, tổ dân phố được huy động để đảm bảo an ninh trật tự. Huy động tối đa lực lượng này làm nhiệm vụ từ 18h ngày 14 tháng Giêng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc Lễ hội Khai ấn đền Trần 2023 vẫn còn tình trạng du khách bị phiền lòng khi bị chèo kéo đổi tiền lẻ sau ngày khai ấn, bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, cho biết: "Do không gian lễ hội rộng, các đối tượng liên tục trốn tránh lực lượng chức năng nên vẫn có thể còn tình trạng này. Tuy nhiên, Ban tổ chức đã xử lý rất quyết liệt những vấn đề như khất thực, bán hàng rong, đổi tiền lẻ…".
Ban Tổ chức cũng thành lập 2 đoàn liên ngành để thực hiện việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về giá dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm; bán hàng rong, đổi tiền lẻ… Nếu phát hiện lần đầu sẽ bị nhắc nhở, lần 2 bị phát hiện sẽ bị xử lý hành chính.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Trần - Chùa Tháp cho biết: "Lễ khai ấn năm nay phần hội sẽ có thêm nhiều phần đặc sắc, tại quảng trường Đông A sẽ tổ chức nhiều hoạt động như đánh trống cà rùng với hơn 100 người biểu diễn; hát văn, hát xẩm, múa rối nước…".