Quân sự thế giới hôm nay (26-1): Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực nội địa hóa vũ khí hải quân

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:16, 26/01/2024

Quân sự thế giới hôm nay (26-1-2024) có những nội dung sau: Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực nội địa hóa kho vũ khí hải quân, Italy chi mạnh vào chế tạo xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới, Hàn Quốc sản xuất UAV đa năng.

* Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực nội địa hóa kho vũ khí hải quân

Navy Times dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chính phủ nước này đã ký các hợp đồng để thay thế một số vũ khí có xuất xứ nước ngoài bằng những sản phẩm nội địa tương đương.

Tên lửa Atmaca được phóng từ tàu TCG Kınalıada của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Naval News

Theo đó, nhà thầu quốc phòng Roketsan cùng các tổ chức liên quan sẽ đảm nhiệm việc sản xuất hàng loạt ngư lôi Akya, tên lửa hành trình Atmaca và tên lửa phòng không Sapan để biên chế cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Chi tiết hợp đồng không được công bố.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yaşar Güler khẳng định, với cơ sở hạ tầng công nghệ, năng lực sản xuất và năng lực kỹ thuật, nước này đã trở thành cơ sở sản xuất các công nghệ quan trọng. Đồng thời nhấn mạnh, tầm quan trọng của những dự án này đối với ngành công nghiệp quốc phòng trong nước trong bối cảnh xuất hiện những diễn biến nhạy cảm trong khu vực và trên thế giới.

Được biết, tên lửa Atmaca là tên lửa hành trình chống hạm tầm xa do Roketsan phát triển nhằm mục đích thay thế dần kho tên lửa Harpoon mà hãng Boeing của Mỹ sản xuất cho Ankara.

Ngư lôi hạng nặng Akya đã trải qua thử nghiệm bắn đạn thật thành công trên tàu ngầm TCG Preveze và dự kiến sẽ thay thế ngư lôi DM2A4 do hãng Atlas Elektronik của Đức và ngư lôi MK-48 do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất.

Một vụ phóng thử tên lửa Atmaca của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: TRT World Now

Trong khi đó, tên lửa phòng không Sapan sẽ từng bước đảm nhiệm vị trí vốn có của tên lửa RIM-162 Evolved SeaSparrow của nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon.

* Italy đầu tư mạnh vào chế tạo xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới

Theo Defense News, chính phủ Italy sẽ chọn các đối tác công nghiệp để bắt đầu thực hiện chương trình phát triển xe chiến đấu bộ binh bánh xích mới trong vòng vài tháng tới đây.

Binh sĩ Italy tham gia tập trận Noble Blueprint 23 của NATO tại Bulgaria vào tháng 9-2023. Ảnh: Getty Images

Các nhà thầu sẽ cần đưa ra những phương án khả thi cho chương trình mua sắm của quân đội đất nước hình chiếc ủng, trong đó dự kiến sẽ biên chế tới 1.000 phương tiện nhằm thay thế các xe chiến đấu bộ binh Dardo đã cũ.

Đặc biệt, chính quyền Rome được cho là sẽ ưu tiên các doanh nghiệp châu Âu nhằm thúc đẩy hội nhập về công nghiệp quốc phòng của “lục địa già”. Một số đối tác tiềm năng cho chương trình có thể kể tên là hãng Leonardo và Iveco của Italy, KNDS của liên doanh Pháp-Đức và Rheinmetall của Đức.

Trước đây được gọi là Hệ thống chiến đấu bộ binh bọc thép (AICS) và hiện được đổi tên thành Hệ thống chiến đấu bọc thép lục quân (A2CS), chương trình này sẽ đặt nền móng cho một phương tiện mới có thể đóng vai trò của nhiều nền tảng, có khả năng sử dụng nhiều loại đạn, bao gồm đạn nổ trên không.

Bên cạnh đó, phương tiện phải có giao thức kết nối với máy bay không người lái (UAV) và phương tiện mặt đất không người lái (UGV) nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại. Đồng thời, phương tiện cũng phải có khả năng đối phó với các thiết bị nổ tự chế, tên lửa chống tăng hay chiến thuật “UAV bầy đàn”.

Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Italy đề cập tới mức chi tiêu khoảng 5,2 tỷ Euro cho chương trình này trong vòng 14 năm, và dự kiến con số cuối cùng khi hoàn thành sẽ chạm mốc 15 tỷ Euro.

* Hàn Quốc sản xuất hàng loạt UAV đa năng mới

Defence Blog đưa tin, Hàn Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt UAV đa năng tầm trung, hoạt động ở độ cao trung bình mới có tên là Korea Reaper để tăng cường năng lực trên không trước các mối đe dọa tiềm ẩn tương lai.

Nguyên mẫu UAV Korea Reaper được trưng bày tại một triển lãm tại Hàn Quốc. Ảnh: Defence Blog

Theo đó, hãng hàng không quốc gia Korean Air đã liên doanh với hai công ty quốc phòng là LIG Nex1 và Hanwha Systems để ký một hợp đồng trị giá 471,7 tỷ won (tương đương hơn 352 triệu USD) với Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA).

Thực chất, Korea Reaper là một biến thể của dòng UAV vũ trang MQ-9 Reaper của Mỹ nhưng có sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của quân đội Hàn Quốc.

Về thông số kỹ thuật, Korea Reaper dài 13m, sải cánh 26m, trang bị các hệ thống quang-điện tử có thể thu được hình ảnh độ phân giải cao của mục tiêu cách xa 100km khi bay ở độ cao từ 6km đến 13km.

Ngoài hoạt động giám sát và trinh sát, UAV này cũng có khả năng tấn công khi được trang bị các loại vũ khí khác nhau, trong đó có tên lửa chống tăng nội địa Cheongeom.

So với “người tiền nhiệm” thì Korea Reaper còn được cho là sở hữu nhiều điểm nhỉnh hơn, bao gồm động cơ turbine cánh quạt mới có công suất 1.200 mã lực và thời gian hoạt động liên tục trên không là 24 giờ so với động cơ 900 mã lực và thời gian hoạt động 14 giờ của MQ-9 Reaper.

MINH ANH(tổng hợp)