Bác sĩ nói về việc lạnh dưới 10 độ C nên cho trẻ đi học hay ở nhà
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:35, 25/01/2024
Chạy sấp ngửa vì 2 con nhỏ ở nhà
Chị Hải Linh (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho biết, chị có một con 6 tuổi, một trẻ 4 tuổi, đều học trường công nên trong đợt lạnh này, cả 2 trường đều thông báo trẻ được nghỉ học.
"Đọc thông báo không thấy mừng, mà lo sốt vó, vì vợ chồng tôi đều làm kinh doanh, cuối năm bận sấp ngửa. Đêm hôm, vợ chồng chị Linh cũng phải gọi ngay cho ông bà ở Nghệ An xin cứu trợ. May mắn, tầm 13h chiều hôm sau, bà cũng có mặt tiếp quản con cho mình đi làm", chị Linh chia sẻ.
Trong khi đó, ngay sát nhà chị là cặp vợ chồng có 2 con sinh đôi 4 tuổi, học trường tư, sáng nào cũng theo bố mẹ đến trường. Tối về 2 trẻ sang nhà chơi vẫn khỏe khắn, vui vẻ, bố mẹ thì không bị áp lực không có người trông con.
Chị Linh vẫn thấy mình may mắn khi nhờ được bà nội ra trông cháu. Đồng nghiệp của chị, có người còn phải chở con đến cơ quan; đèo sang nhà người quen... để bố mẹ đi làm.
Lạnh dưới 10 độ C có cần cho trẻ nghỉ học?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ quan điểm, cho rằng không nên cứng nhắc việc cứ dưới 10 độ C là cho trẻ nghỉ học.
Theo PGS Dũng, không có bất cứ một căn cứ khoa học nào về việc lạnh đến bao nhiêu độ C cần phải cho trẻ nghỉ học, mà cần căn cứ vào hoàn cảnh, tình hình thực tế.
Theo ông, điều quan trọng nhất là khi ra khỏi nhà và di chuyển trên đường đến trường, trong thời gian học ở trường trẻ có đảm bảo đủ ấm hay không.
"Hơn nữa việc nghỉ học khi trời giá rét cũng nên linh hoạt. Nếu gia đình đảm bảo đủ ấm cho trẻ trên đường đi (đi ô tô, đi xe bus, hay xe máy nhưng áo mũ đủ ấm, khẩu trang kín)... trẻ vẫn có thể đến trường. Nhưng nếu gia đình khác việc di chuyển xa xôi, khó khăn, có thể cho trẻ nghỉ.
Một lớp học có 30 học sinh, có 28 em đủ điều kiện vẫn có thể tới lớp, còn 2 em không đủ điều kiện thì có thể nghỉ. Không thể vì 2 em mà bắt 28 em phải nghỉ học, và ngược lại", PGS Dũng chia sẻ.
Theo ông, đó là sự ứng xử linh hoạt của cả gia đình và nhà trường, làm sao hợp với điều kiện của gia đình mình.
Chị Phương Vi cho biết, ngay từ hôm đầu Hà Nội dự báo thời tiết có thể xuống dưới 10 độ C, theo quy định học sinh được nghỉ học, chị đã nhận được tin nhắn của trường mầm non nơi con theo học và chị vẫn quyết định đưa con nhỏ tới trường mỗi ngày.
"Cô chào bố mẹ ạ. Thời tiết bây giờ cho tới ngày mai đều dao động từ 7 - 8 độ, nhưng cuối năm phụ huynh bận nhiều việc và do vị trí của trường cũng thuận lợi nên các con vẫn đi học bình thường nhé ạ. Nhà trường đều bật điều hòa ấm ở phòng và dọc hành lang, đảm bảo giữ ấm cho trẻ".
Về quan điểm không vội cứ lạnh là nhốt trẻ trong nhà, mà cần cho trẻ ra ngoài để rèn luyện sức đề kháng, PGS Dũng đánh giá không phải hoàn cảnh nào cũng đúng, mà phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của đứa trẻ.
Cùng quan điểm này, TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở nước ta, thời tiết lạnh trẻ em và người già rất dễ ốm, bởi đặc trưng thời tiết là lạnh ẩm.
Vì vậy, nếu cho trẻ ra ngoài trời khi trời quá lạnh, có băng giá, nền ẩm cao, cần đặc biệt lưu ý giữ ấm toàn diện cho trẻ. Trẻ cần mặc nhiều lớp quần áo để giữ ấm, đội mũ, quàng khăn, đeo găng tay, mặc quần tất ấm, đeo khẩu trang cho trẻ và thường xuyên cho trẻ uống nước ấm.
Để giảm nguy cơ trẻ bị ốm khi trời trở lạnh, TS Nam lưu ý các bậc phụ huynh cần lưu ý không để trẻ lạnh đột ngột, không để nóng đột ngột nhất là sự chênh lệch nhiệt độ trong nhà, ngoài trời lớn, đặc biệt là sự chênh lệch nhiệt độ trên ô tô khi đưa trẻ đến trường.
Đêm ngủ phải để ý trẻ, trời lạnh, trẻ đạp chăn ra có thể bị nhiễm lạnh, đổ bệnh. Điều kiện tốt nhất là cho trẻ ở trong phòng điều hòa ấm, vì dù giữ ấm nhưng không khí lạnh, trẻ hít thở qua đường mũi cũng có thể gây bệnh với những trẻ "nhạy cảm" với thời tiết như các bệnh nhân viêm tiểu phế quản, hen…