Đi chùa đầu năm: Đừng cầu xin đủ thứ, bẻ cành ngắt bông, chen lấn chụp hình
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:00, 25/01/2024
Đừng cầu xin quá nhiều!
Dù thời nào cũng vậy, ngôi chùa là chốn linh thiêng, nơi gửi gắm nhiều nỗi niềm sâu kín của con người. Tôi vẫn thường nghe quý thầy, quý sư cô chia sẻ rằng, thường người ta sẽ tìm đến chùa khi gặp bất trắc, khổ đau. Đức Phật và người tu lúc nào cũng mở lòng đón lấy nỗi thống khổ của nhân sinh, giúp lòng người bình hòa lại.
Một tiếng chuông chùa, một mùi hương trầm thoảng trong gió hay một lời kinh tụng… khiến lòng người có lao xao cỡ nào cũng lắng dịu một chút. Nhà thiền gọi đó là sự định tâm. Nhờ đó, con người ta có thể nhìn sâu vào thực tại, quán chiếu để thấy con đường rồi bước đi đúng đắn hơn.
Có nhiều bài báo nói về việc “cải tà quy chính” của những anh chị giang hồ khi có duyên ngồi lại trước hiên chùa, nghe một tiếng chuông, thấy dáng nhà sư thảnh thơi lên chánh điện trong giờ thiền tọa. Cuộc sống bon chen, mỏi mệt, phiền não, nhiều lắng lo, về chùa là để nghỉ ngơi cả thân lẫn tâm.
Đi lễ chùa vì thế không chỉ đầu năm mới đến một lần. Nếu hiểu đúng ý nghĩa của việc tìm về chốn thiền môn như một cách phủi bay bụi trần (phiền não) để tiếp xúc với năng lượng tỉnh thức, thanh cao của các bậc Giác ngộ, Giải thoát thì về chùa là cách ta lấp đầy lòng mình lại, cho bớt chông chênh. Đó như một sự sạc pin cho tâm hồn, thắp sáng suy nghĩ để bước vào đời một cách vững chãi hơn.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam dạy, nếu con người xem cả đại địa này là một ngôi chùa thì hẳn người ta sẽ luôn khép mình lại vì lúc nào cũng thấy Phật, thấy như đang ở trong chùa.
Nhiều người không hiểu nên đầu năm tới chùa đã “dâng” Phật quá nhiều lòng tham, gửi gắm thông qua những lời cầu nguyện. Cho con được này, được kia, thậm chí hơn người này, vùi người kia xuống để đạt được. Đối với nhà Phật, không có chuyện cầu xin mà được. Tất cả đều phải theo quy luật nhân-duyên-quả. Gieo hạt gì gặt quả nấy. Nếu đã tạo những việc lành chắc chắn sẽ an vui, gặt hái quả lành. Giáo lý nhân-quả là giáo lý cơ bản giúp con người tỉnh thức, biến mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình trở nên thiện lành nếu muốn có một cuộc đời tốt đẹp.
“Đừng cầu xin quá nhiều”, thực ra, nếu có thì đó là cầu cho con luôn đủ vững chãi, giữ mình thanh sạch trong khăn khó lẫn cám dỗ cuộc đời. Có cầu cũng là cầu được sống lành, sống thiện với chính mình và tha nhân. Ở góc nào cũng được, chỉ cần khởi tâm thiện, ý lành, làm việc tốt thì Phật trời đều “nhìn thấy”, đều chứng giám và có quả lành cả.
Người xưa nói “lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt” chính ở chỗ nhân-quả này, quy luật của đất trời ấy không ai có thể chi phối được.
Thật buồn cười nếu mỗi ngày thường nghĩ điều xấu, nói điều không hay không đẹp, làm điều ác mà lại muốn mong an lành, hạnh phúc. Càng khó chấp nhận khi kiếm tiền bằng cách hại người hại vật, tổn hại môi trường sống rồi đem vào chùa cúng Phật. Điều đó có khác nào báng bổ Tam bảo, cũng chẳng khác gì việc Phật dạy đừng sát sanh mà mình tỏ lòng kính Phật bằng cách giết con này con kia dâng lên Ngài.
Báng bổ lời Phật chính là làm trái điều Phật dạy và nhân danh đó là tôn kính, phụng sự Tam bảo.
Cần tìm hiểu văn hóa đi chùa
Trở lại nét đẹp đi chùa đầu năm. Ngoài việc gửi gắm niệm lành, xem đó là dịp để trở về với tự tâm sáng đẹp thông qua hình thức lễ Phật, thắp nhang dâng Tam bảo cũng cần tìm hiểu văn hóa đi chùa.
Có nhiều thiếu nữ khá vô ý khi mặc đồ hở hang hoặc quá ngắn đi vào chốn tôn nghiêm. Cũng thật khó coi khi đến chùa giờ giao thừa rồi vặt sạch cây lá, bông hoa mà nhà chùa tôn tạo, trang trí. Chen lấn chụp hình trước tượng Phật, rồi vì đông người đến cùng một lúc khiến không gian chật hẹp, khó thỏa được nhu cầu hình ảnh, check-in cửa thiền đầu năm, sanh ra khó chịu, bực mình. Đến chùa như thế là quá hại, chẳng có ích chi.
Trong thế giới văn minh, người ta đề cao sự trật tự, xếp hàng trước sau, đi nhẹ nói khẽ, ăn mặc phù hợp với từng điểm đến, từng sự kiện. Vì vậy, không có lý gì mình lại làm trái khiến cảnh chùa mất tôn nghiêm.
Tất nhiên, ở chùa luôn phát huy tinh thần tự giác. Mỗi chùa đều có “nhắc nhẹ” bằng thông điệp riêng, nhưng chỉ tiếc là có không ít người phớt lờ, thắp cả bó nhang nghi ngút khói trong khi được thầy trụ trì dặn “mỗi Phật tử một cây” trên tấm bảng lưu ý trước lư hương. Nhiều người khác khổ sở chỉ vì không có một tấm hình đẹp đầu xuân, hoặc không khéo bị mất dép khi vào lễ Phật.
Thực sự, có rất nhiều “trái ngang” trong câu chuyện đi chùa đầu năm mà mỗi người cần lưu ý, giữ gìn để có một ngày đầu năm thanh tịnh, nhẹ nhàng, hoan hỷ.