Quân sự thế giới hôm nay (25-1): Mỹ hiện đại hóa tên lửa FIM-92 Stinger, Trung Quốc ra mắt mẫu UAV mới

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:58, 25/01/2024

Quân sự thế giới hôm nay (25-1) có những nội dung sau: Lục quân Mỹ hiện đại hóa hàng nghìn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger, Trung Quốc trình làng mẫu UAV mới, Australia và Nhật Bản hợp tác phát triển công nghệ tác chiến dưới đáy biển.

* Lục quân Mỹ hiện đại hóa hàng nghìn tên lửa phòng không

Mới đây, Lục quân Mỹ tuyên bố đã hoàn thành một dự án quan trọng, hiện đại hóa gần 1.900 tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger.

Lục quân Mỹ hiện đại hóa gần 1.900 tổ hợp tên lửa vác vai Stinger FIM-92. Ảnh: US DoD 

Theo đó, quá trình hiện đại hóa bao gồm các cuộc thử nghiệm toàn diện quy mô lớn, tháo rời tên lửa, thay thế các bộ phận đã cũ và tích hợp các công nghệ mới. Những cải tiến này đã giúp tên lửa nâng cao tính hiệu quả trước các mối đe dọa hiện đại như hệ thống máy bay không người lái. Bên cạnh đó, tên lửa cũng được tân trang động cơ mới, đầu đạn, máy tạo khí và hộp hút ẩm. Những sửa đổi này giúp kéo dài tuổi thọ sử dụng của đạn tên lửa và tăng độ tin cậy của vũ khí.

Lục quân Mỹ cũng đang có kế hoạch tăng sản lượng tên lửa Stinger thêm 60 chiếc mỗi tháng vào năm 2025, tăng 50% so với tốc độ hiện tại. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Mỹ cung cấp khoảng 1.500 chiếc Stingers cho Ukraine.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Stinger đang được thiết kế lại Bộ dò tìm kép (DDA), một bộ phận quan trọng của hệ thống dẫn đường của tên lửa. Bộ DDA mới sẽ trải qua một loạt các bài kiểm tra chất lượng để đáp ứng các yêu cầu sản xuất mới. Đợt giao hàng đầu tiên tên lửa Stinger được trang bị DDA dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2026.

Tên lửa Stinger có tên đầy đủ là FIM-92 Stinger là tổ hợp tên lửa vác vai do Tập đoàn General Dynamics của Mỹ phát triển năm 1967, được sản xuất bởi Raytheon Missile Systems năm 1978, và được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ từ 1981. FIM-92 Stinger có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như tấn công các loại trực thăng, UAV, máy bay cánh bằng, tên lửa hành trình. Tổ hợp này sử dụng đạn tên lửa đất đối không dẫn đường hồng ngoại Stinger. Tên lửa này có chiều dài 1,52m, đường kính 70mm, và có trọng lượng phóng 15,2kg. Nó có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi 4,8km và ở độ cao 180-3.800m với vận tốc tối đa Mach 2.2 (tương đương 750m/giây).

* Trung Quốc trình làng mẫu UAV mới

Tại triển lãm UMEX 2024, Tập đoàn Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Quốc gia Trung Quốc (CATIC) đã giới thiệu một mẫu máy bay không người lái (UAV) có tên gọi AR-2000.

AR-2000 là nền tảng máy bay không người lái chạy bằng tua-bin, được thiết kế chủ yếu cho các hoạt động hàng hải. Ảnh: Army Certification 

AR-2000 là máy bay không người lái chạy bằng tua-bin, được thiết kế chủ yếu cho các hoạt động hàng hải. Nền tảng UAV tiên tiến này có khả năng mang cả cảm biến và vũ khí tấn công, thể hiện tính linh hoạt của nó trong nhiều nhiệm vụ quân sự khác nhau.

Điểm nổi bật của AR-2000 là UAV này có thiết kế cánh có thể gập lại, một tính năng được tối ưu hóa cho hoạt động trên tàu. Phương tiện này được trang bị vũ khí tích hợp công nghệ quang điện tử gắn bên dưới đầu máy bay, cũng như radar tìm kiếm và giám sát. Bên cạnh đó, AR-2000 còn được trang bị ăng-ten Satcom, hệ thống liên kết dữ liệu chiến thuật và các hệ thống liên lạc khác. Nền tảng này còn sở hữu tính linh hoạt nhờ khả năng tương thích với một số tên lửa không đối đất tầm ngắn. Tính năng này giúp tăng cường năng lực thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cả các nhiệm vụ trên biển và đất liền.

UAV AR-2000 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào đầu năm nay, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình phát triển của phương tiện. Nhà sản xuất CATIC phát triển mẫu UAV này nhằm mục đích hướng tới thị trường máy bay không người lái quốc tế, đặc biệt là đến các nước ở khu vực Trung Đông.

* Australia, Nhật Bản hợp tác phát triển công nghệ tác chiến dưới biển

Trang Naval News đưa tin Australia và Nhật Bản vừa ký một thỏa thuận triển khai dự án nghiên cứu nhằm tăng cường năng lực chiến lược liên quan đến robot và các hệ thống tự động phục vụ chiến tranh dưới đáy biển.

Phóng phương tiện tự hành dưới nước REMUS 600 sử dụng trong Cuộc tập trận AUKUS tại Pittwater, New South Wales. Ảnh: Naval News 

Đây là dự án nghiên cứu giữa Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Australia và Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đồng thời cũng là dự án đầu tiên trong khuôn khổ Thỏa thuận nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá song phương (RDT&E) được hai bên ký hồi tháng 6 năm ngoái.

Dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực chiến lược về liên lạc dưới biển và khả năng tương tác giữa hai nước.

Australia và Nhật Bản có mối quan hệ khoa học và công nghệ quốc phòng ngày càng bền chặt, được củng cố thông qua quan hệ Đối tác Chiến lược đặc biệt và Tuyên bố cập nhật chung về hợp tác an ninh song phương, do Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ký năm 2022.

QUỲNH OANH (tổng hợp)