Quân sự thế giới hôm nay (24-1): Mỹ giảm tốc độ sản xuất máy bay B-21, Nga sử dụng tên lửa Kh-101 mới
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:54, 24/01/2024
* Lầu Năm Góc giảm tốc độ sản xuất máy bay ném bom B-21
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách mua sắm vũ khí trang bị William LaPlante, Lầu Năm Góc đã phê duyệt việc giảm tốc độ sản xuất máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider do Northrop Grumman phát triển. Kết luận này được đưa ra sau khi B-21 hoàn thành các cuộc thử nghiệm trên mặt đất trên không vào mùa thu năm ngoái.
Ông LaPlante cho biết: “Một trong những đặc điểm quan trọng của chương trình B-21 là được thiết kế để ngay lập tức có thể đưa máy bay vào sản xuất ở quy mô lớn nhằm mang lại khả năng răn đe đáng kể. Nếu không sản xuất và đưa vào biên chế trên quy mô lớn thì khả năng răn đe sẽ không thực sự cao”.
Mỹ sẽ giảm tốc độ sản xuất máy bay ném bom B-21 Raider. Ảnh: Không quân Mỹ |
Không quân Mỹ hiện đã có kế hoạch bắt đầu đưa vào biên chế đội máy bay ném bom B-21 Raider gồm ít nhất 100 chiếc và chiếc đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng vào khoảng năm 2025. B-21 Raider dự kiến sẽ thay thế hoàn toàn hai mẫu máy bay B-1B Lancer và B-2 Spirit đã già cỗi vào thập niên 2030. Đội máy bay B-21 mới sẽ kết hợp với 76 “pháo đài bay” B-52J đã được nâng cấp để hợp thành bộ đôi ném bom chiến lược.
B-21 Raider được coi là máy bay ném bom thế hệ thứ sáu có thiết kế với khả năng tàng hình vượt trội nhằm thực hiện các nhiệm vụ tấn công chiều sâu các đối thủ tiềm năng được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại. B-21 có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân.
Các cuộc thử nghiệm B-21 đã bắt đầu từ tháng 12-2022 tại Nhà máy Không quân 42 ở Palmdale, California. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Không quân Mỹ và Northrop Grumman đã tạo ra một “hệ sinh thái kỹ thuật số” hiện đại nhưng có giá cả phải chăng, chi phí vận hành và bảo trì thấp. Dự kiến chương trình B-21 Raider sẽ tiêu tốn 203 tỷ USD trong 30 năm và mỗi máy bay ném bom B-21 có giá trung bình khoảng 692 triệu USD.
* NATO chi 1,2 tỷ USD mua đạn pháo 155mm
Theo Interfax Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký hợp đồng mua sắm đạn pháo 155mm trị giá 1,2 tỷ USD. Hợp đồng mới nhất này đã được ký kết ngày 23-1 tại trụ sở NATO với sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm NATO Stacy Cummings.
NATO chi 1,2 tỷ USD mua đạn pháo 155mm. Ảnh: Lục quân Mỹ |
Ông Stoltenberg cho biết: “Chúng ta đã ký kết các hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD mua hàng trăm nghìn viên đạn pháo 155mm. Sự kiện ngày hôm nay chứng tỏ sự hiệu quả của cơ cấu thử nghiệm mua sắm chung của NATO. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã trở thành một cuộc chiến về đạn dược. Vì vậy, điều quan trọng bây giờ là các đồng minh phải nạp đầy kho đạn dược của mình trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine”.
Ông Stoltenberg lưu ý rằng các nước đồng minh trong khối tăng cường sản xuất đạn dược để bổ sung một phần vào kho dự trữ của mình và đảm bảo tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Ông nói: “Các nước đồng minh đang cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Việc tăng sản lượng trong tương lai sẽ cho phép chúng ta tiếp tục viện trợ và đó là lý do tại sao những hợp đồng như thế này là rất quan trọng”.
Theo ông Cummings, “các đơn đặt hàng ký kết ngày hôm nay sẽ được giao trong vòng 24 đến 36 tháng nữa”.
* Nga sử dụng tên lửa hành trình Kh-101 mới rời dây chuyền sản xuất
Defense Express ngày 23-1 đưa tin, đầu đạn tên lửa hành trình Kh-101 chưa nổ do Ukraine thu được từ cuộc tập kích bằng tên lửa của Nga vào Ukraine rạng sáng ngày 23-1 cho thấy tên lửa này vừa mới được sản xuất và đi thẳng ra chiến trường.
Defense Express xác định được thông tin này là từ một dòng chữ còn nguyên trên đầu đạn chưa nổ. Dòng chữ trên đầu đạn có ký hiệu “90/23”, có nghĩa là đầu đạn thuộc lô thứ 90 của năm 2023. Mặc dù chưa biết chính xác số lượng tên lửa được sản xuất mỗi năm, nhưng có thể suy luận từ con số này là tên lửa được sản xuất vào những tuần cuối năm 2023.
Đầu đạn tên lửa hành trình Kh-101 thu được trong cuộc tập kích ngày 23-1. Ảnh: Defense Express |
Điều đó có nghĩa là việc lắp ráp có thể chỉ diễn ra trong vòng một vài tháng hoặc một vài ngày trước. Việc vũ khí vừa rời xưởng sản xuất đã có mặt ở chiến trường cho thấy rất có thể nguồn dự trữ loại đạn này đang khan dần. Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-101 được Cục Thiết kế chế tạo máy Raduga của Nga nghiên cứu và sản xuất. Thông tin công khai từ phía Nga cho biết tên lửa Kh-101 có thể mang đầu đạn có trọng lượng lên tới 800kg khi tấn công ở cự ly gần.
Kh-101 đã trở thành vũ khí tấn công tầm xa phóng từ trên không chủ chốt của Nga. Mẫu tên lửa này đã trải qua nhiều lần hiện đại hóa kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vào tháng 2-2022, trong đó có những cải tiến về hệ thống định vị sử dụng công nghệ đối chiếu hình ảnh kỹ thuật số DSMAC.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)