Cận cảnh hai khuôn in tín phiếu ở Quảng Ngãi được công nhận bảo vật quốc gia

Dòng chảy - Ngày đăng : 12:33, 23/01/2024

Hai khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và 50 đồng có niên đại từ năm 1947 ở Quảng Ngãi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
khuon-in-tin-phieu-bao-vat-quoc-gia-thu-tuong-chinh-phu-quang-ngai-tran-mai-2-1705921068466406771064.jpg
Hai khuôn in tín phiếu được công nhận bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi

Trong số 29 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia đợt này, tỉnh Quảng Ngãi có bảo vật là khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá năm mươi đồng, niên đại từ năm 1947; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

khuon-in-tin-phieu-bao-vat-quoc-gia-thu-tuong-chinh-phu-quang-ngai-tran-mai-3-17059210128521243823156.jpg
 Khuôn in tính phiếu mệnh giá 1 đồng

Khuôn in tín phiếu 01 đồng, gồm có 2 khuôn dùng để in mặt trước và mặt sau của tờ tín phiếu.

20240119125421.473.jpg
Mặt trước và hoa văn khuôn in tính phiếu mệnh giá 1 đồng

Khuôn in mặt trước của tờ Tín phiếu có hình chữ nhật, chính giữa khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên phải phía trên có hàng chữ quốc ngữ: TÍN PHIẾU MỘT ĐỒNG; phía dưới là hàng chữ “Đại diện Chính phủ Trung ương”, dưới là chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng. Bên trái phía trên góc khuôn có hàng chữ Hán 元 壹 (nhất nguyên) nghĩa là một đồng, phía dưới là hàng chữ “Đại diện Ủy ban Hành chính Trung Bộ” dưới là chữ ký của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Phía dưới mặt khuôn hình chữ nhật ở góc bên phải, bên trái có mệnh giá bằng chữ số 1 nằm trong vòng tròn, thể hiện mệnh giá 1 đồng. Đường viền khuôn có trang trí hồi văn. Mặt lưng của khuôn có xuyên 3 lỗ tròn nhỏ dùng để bắt ốc vít cố định khuôn in trong quá trình in tín phiếu.

tai-xuong-1-.png
Mặt sau và hoa văn khuôn in tính phiếu mệnh giá 1 đồng

Khuôn in mặt sau của tờ tín phiếu 1 đồng có hình ảnh người nông dân đang điều khiển 1 con trâu cày ruộng là biểu tượng người cày có ruộng; góc trên bên phải có hàng chữ một đồng, phía dưới là hàng chữ Hán 元 壹 (nhất nguyên). Bên trái khuôn có in hình bông hoa tròn cách điệu, bên trong có mệnh giá là chữ số “1” và ký hiệu đồng. Đường viền khuôn có trang trí hồi văn. Mặt lưng của khuôn có đục xuyên 3 lỗ tròn nhỏ dùng để bắt ốc vít cố định khuôn in trong quá trình in tín phiếu.

khuon-in-tin-phieu-bao-vat-quoc-gia-thu-tuong-chinh-phu-quang-ngai-tran-mai-1-1705920954195329454185(1).jpg
 Khuôn in tính phiếu mệnh giá 5 đồng

Khuôn in tín phiếu 50 đồng: Khuôn in có mặt trước hình chữ nhật, chính giữa khắc hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cạnh trên có hàng chữ “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA”, phía dưới có hàng chữ năm mươi đồng là mệnh giá tín phiếu. Bên phải, phía trên là chữ Hán 信 票 nghĩa là tín phiếu, phía dưới có hàng chữ “Đại diện Chính phủ Trung ương” dưới là chữ ký của đồng chí Phạm Văn Đồng. Bên trái, phía trên ghi chữ Hán 伍 拾 元 (ngũ thập nguyên) nghĩa là 50 đồng; phía dưới có hàng chữ “Đại diện Ủy ban Hành chính Trung Bộ”, dưới là chữ ký của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Đường viền khuôn có trang trí hồi văn và hình tượng: công - nông – binh với ý nghĩa kháng chiến kiến quốc. Hai đầu khuôn có hàn thêm gờ nhô ra, trên đó có đục xuyên 2 lỗ tròn nhỏ dùng để bắt ốc vít cố định khuôn in trong quá trình in tín phiếu.

Trong năm 2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia địa điểm in tín phiếu Liên khu V (1947 - 1950) tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, huyên Sơn Hà, Quảng Ngãi.

Trong lịch sử, xưởng in tín phiếu tại xóm Xà Nay được xây dựng vào tháng 9-1947, có diện tích 2ha, gồm hai khu nhà chính: khu nhà xưởng, khu nhà ở và nhà làm việc.

Khu nhà ở là nơi ăn ở sinh hoạt của 50 cán bộ, công nhân của cơ quan; khu nhà xưởng gồm có phân xưởng in, phân xưởng đánh số, phân xưởng sửa chữa máy và thiết bị vật tư phục vụ sản xuất cùng nhà kho.

Các loại tín phiếu được in và phát hành lúc bấy giờ là tín phiếu: 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng.

khuon-in-tin-phieu-1705899077.jpg
Hai khuôn đều khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khung hình tròn ở giữa

Sau thời gian hoạt động, xưởng in tín phiếu tại xóm Xà Nay bị địch phát hiện nên chuyển đến thôn Bình Trung, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, cách Xà Nay khoảng 32km về phía đông bắc và tiếp tục hoạt động. Việc lập xưởng in tín phiếu trong thời chiến là việc làm sáng tạo, linh hoạt. Đảm bảo việc lưu thông tại vùng tự do. Trong đó có lưu thông tiền tệ và hàng hóa.

Năm 1950, chiến dịch biên giới thắng lợi, để phù hợp với tình hình mới, ngày 6-5-1951, Chính phủ có sắc lệnh số 15/SL để thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, quyết định thay giấy bạc tài chính bằng bạc ngân hàng. Xưởng in tín phiếu của Liên khu V đặt tại Xà Nay sau này di chuyển đến thôn Bình Trung, kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình vào tháng 6-1951.

Trong thời gian tồn tại, xưởng in tín phiếu Liên khu V đã in được một khối lượng lớn tín phiếu lưu hành không chỉ ở vùng tự do (bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) mà còn đưa vào buôn bán ở một số vùng địch kiểm soát như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Xưởng in tín phiếu góp phần vào phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng nền kinh tế tự túc tại Liên khu V, tự cung cấp đủ nhu cầu cho chiến trường miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia.