Quân sự thế giới hôm nay (23-1): Vì sao máy bay chiến đấu Su-30 được nhiều nước chọn mua?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:21, 23/01/2024
* Vì sao máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 được nhiều nước chọn mua hơn Rafale
Điều rất đáng ngạc nhiên đã xảy ra khi nhiều nước thời gian qua đã chọn mua máy bay chiến đấu Su-30 của Nga thay vì mẫu máy bay Rafale của Pháp trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine còn đang chưa có điểm dừng. Mới đây nhất, Nga đã bán được 6 chiếc Su-30 cho Ethiopia, đưa Ethiopia gia nhập nhóm 15 quốc gia sở hữu loại máy bay chiến đấu cỡ lớn này của Nga. Con số chính xác về số lượng máy bay Su-30 Ethiopia mua của Nga đến nay vẫn còn chưa được tiết lộ.
Nhiều nước chọn mua máy bay chiến đấu Su-30 thay vì Rafale. Ảnh: Wallhere |
Trước đó, Ethiopia từng cân nhắc mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, nhưng điều này đã không xảy ra, nhất là sau nhiều lần Rafale được chào hàng nhưng thất bại ở các nước châu Phi như Morocco, Algeria và Libya. Đáng nói hơn nữa là việc Ethiopia lựa chọn Su-30 thay vì Rafale cũng tương tự như việc Bộ Quốc phòng Kazakhstan chọn Su-30SM vào ngày 30-11-2023 vừa qua. Theo Phó tư lệnh Phòng không và là người đứng đầu bộ phận vũ khí - khí tài chủ lực, với cùng một khoản chi phí như nhau, Su-30 đem lại nhiều giá trị hơn so với lựa chọn từ Pháp.
Algeria và Libya đều là những quốc gia đã từng cân nhắc mua Rafale và Su-30, nhưng cuối cùng cả hai đều chọn Su-30. Ngoài ra, dù Không quân Ấn Độ đã mua tổng cộng 36 chiếc Rafale nhưng hiện vẫn chưa đặt mua thêm bất cứ chiếc nào. Thay vào đó, Ấn Độ lại tăng cường đội máy bay Su-30. Theo Bulgarian Military, hiện Ấn Độ đang sở hữu khoảng 270 máy bay chiến đấu loại này.
Nhìn từ góc độ bảo trì, Rafale có lợi thế hơn Su-30, chủ yếu là do động cơ M88 là động cơ nhẹ nhất được chế tạo cho máy bay chiến đấu, giúp Rafale không cần bảo trì nhiều. Tuy nhiên, Su-30 có độ bền gần gấp đôi, radar mạnh gấp đôi, có thể giúp phi công nhận biết tình huống tốt và có phạm vi phát hiện mục tiêu lên tới 400km. Thêm vào đó, Su-30 có trần bay cao hơn, vận tốc nhanh hơn và linh hoạt hơn. Nhiều người cũng cho rằng có thể Ethiopia đã chọn Su-30 của Nga còn do việc giao hàng nhanh chóng, thường chỉ trong vòng một năm sau khi ký hợp đồng.
* Israel cũng lắp lồng sắt cho xe tăng Merkava Mk3
Dẫu ban đầu được coi là không mấy hiệu quả, “giáp lồng sắt” cho xe tăng hiện được lắp đặt cả trên xe bọc thép. Xuất hiện từ khi bắt đầu xảy ra xung đột Nga-Ukraine, những chiếc xe tăng đầu tiên “đội” lồng sắt của Nga nhằm bảo vệ xe tăng khỏi sự tấn công của máy bay không người lái (UAV) được phát hiện đầu tiên ở bán đảo Crimea.
Israel cũng trang bị lồng sắt cho xe tăng. Ảnh: Bulgarian Military |
Cho đến nay, “xu hướng thời trang” cho xe tăng này đã lan sang Israel, nơi đang có xung đột với lực lượng Hamas. Những chiếc lồng sắt như vậy đã được trang bị cho phiên bản mới nhất của xe tăng Merkava Mk3. Bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) cho thấy có vẻ như những chiếc lồng sắt chống UAV cho xe tăng Merkava Mk3 được sản xuất từ nhà máy chứ không phải kiểu thiết kế ngẫu hứng tự chế như ở Ukraine.
Lồng sắt trang bị cho Merkava Mk3 được neo giữ bởi giá treo kim loại tạo thành hình chữ V, nhô cao khoảng một mét bên trên tháp pháo của xe tăng. Mái lồng sắt không trang bị lưới hoặc thanh ngang mà gồm 4 tấm kim loại hơi dốc về 4 hướng. Một số dây cáp bằng thép mỏng nối mái lồng sắt vào tháp pháo xe tăng. Phía trước lồng sắt được gắn một camera quan sát và trên mái có gắn ăng-ten.
* Ba Lan đặt mua 12 xe chỉ huy mới hỗ trợ xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams
Theo Military Leak, Ba Lan gần đây đã đặt mua 12 xe chỉ huy phát triển từ mẫu xe bọc thép đa năng bánh lốp KTO Rosomak của Công ty sản xuất vũ khí Ba Lan Rosomak SA thuộc Tập đoàn Vũ khí Ba Lan. Số xe chỉ huy mới đặt này có nhiệm vụ hỗ trợ tác chiến cho đội xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams SEPv3 gồm 250 chiếc của Ba Lan. Theo Cơ quan mua sắm vũ khí Ba Lan, hợp đồng này trị giá 268 triệu Zloty (tương đương 67,1 triệu USD). 12 xe chỉ huy này dự kiến sẽ được bàn giao từ năm 2025 đến năm 2026.
Ba Lan đặt mua 12 xe chỉ huy mới hỗ trợ xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams. Ảnh: Military Leak |
KTO Rosomak, còn được gọi là “Người Sói”, là loại xe bọc thép đa năng 8x8 được sản xuất bởi Rosomak SA, có thiết kế mô-đun giúp tích hợp nhiều loại tháp pháo, vũ khí, cảm biến và hệ thống liên lạc khác nhau trên cùng một khung gầm. Có khả năng thích ứng và tính linh hoạt cao, KTO Rosomak đã trở thành nền tảng chiến đấu cơ bản trong quá trình hiện đại hóa đội xe bọc thép của Quân đội Ba Lan. Trên thực tế, KTO Rosomak đã dần thay thế xe bọc thép chở quân SKOT 8x8 và xe chiến đấu bộ binh bánh xích BWP-1 đã cũ từ năm 2002 và KTO Rosomak đã chứng minh được tính hiệu quả trong nhiều năm qua.
Đến nay, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã đặt mua tổng cộng 690 xe KTO Rosomak. 12 xe chỉ huy mới đặt hàng khi đưa vào biên chế sẽ hoạt động ở cấp tiểu đoàn và sẽ được trang bị các hệ thống liên lạc nội bộ tiên tiến và các thiết bị thiết yếu khác, đảm bảo an toàn khi trao đổi thông tin, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng trong xử lý các kịch bản diễn ra trong chiến tranh hiện đại. Một tính năng đáng chú ý khác của KTO Rosomak là có khả năng chịu được mìn nổ tương đương với 10kg thuốc nổ TNT.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)