Ngân hàng được kinh doanh bất động sản trong trường hợp nào theo quy định mới?

Bất động sản - Ngày đăng : 16:56, 22/01/2024

Điều 139 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua quy định, tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp. Dưới đây là các trường hợp ngân hàng được phép kinh doanh bất động sản.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, trong đó quy định chi tiết về các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo đó, Điều 139 Luật này quy định, tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng.

Thứ hai, cho thuê một phần trụ sở kinh doanh thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng chưa sử dụng hết.

Thứ ba, nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này. Trường hợp mua lại bất động sản phải bảo đảm mục đích sử dụng quy định tại khoản 1 Điều này và tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định quy định tại khoản 3 Điều 144 của Luật này.

Ngân hàng được kinh doanh bất động sản trong trường hợp nào theo quy định mới? ảnh 1
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định rõ các trường hợp ngân hàng kinh doanh bất động sản. Ảnh minh họa.

Khoản 3, Điều 144 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, bảo đảm tỷ lệ giá trị còn lại của tài sản cố định như sau:

Không được vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô;

Không được vượt quá 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với quỹ tín dụng nhân dân;

Không được vượt quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp ghi trên sổ sách kế toán đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, Điều 142 quy định về việc góp vốn, mua cổ phần giữa các công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát.

Theo đó, công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng đó.

Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát, công ty con, công ty liên kết khác của công ty kiểm soát đó, trừ trường hợp thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.