Quân sự thế giới hôm nay (21-1): Iran nâng cấp máy bay Su-22, Nga thay động cơ máy bay huấn luyện Yak-152

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:18, 21/01/2024

Quân sự thế giới hôm nay (21-1-2024) có những thông tin chính sau: Iran nâng cấp máy bay Su-22, Mỹ chấp thuận bán tàu tuần tra Swiftships cho Ai Cập, Nga tìm hướng thay thế động cơ cho máy bay huấn luyện Yak-152.

* Iran nâng cấp máy bay Su-22

Theo Bulgarian Militayr, truyền thông Iran gần đây đăng tải những thông tin cho biết Không quân nước này hiện đang hiện đại hóa đội máy bay Su-22. Việc nâng cấp bao gồm việc lắp đặt các hệ thống khí tài mới lên Su-22, trong đó có bom dẫn đường Yasin và tên lửa đạn đạo Arman.

Bom dẫn đường Yasin nặng khoảng 320kg, kèm theo đầu đạn nặng 215kg, được thiết kế có cánh lượn có thể thu vào và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Các nguồn thạo tin cho rằng bom Yasin có thể vươn tới các mục tiêu cách xa máy bay tới 40km khi được phóng đi từ độ cao hơn 8km, bất kể bằng máy bay không người lái hay máy bay chiến đấu có người lái.

Iran nâng cấp máy bay Su-22. Ảnh: Bulgarian Military

Tên lửa đạn đạo Arman lần đầu tiên ra mắt vào năm 2023 tại một triển lãm hàng không vũ trụ do Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran tổ chức. Arman được cho là phiên bản phát triển từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn Ababil (al-Fatah). Theo các nguồn tin, Iran phát triển tên lửa Arman là nhằm tạo ra một loại vũ khí siêu vượt âm phóng từ trên không có thể sánh ngang với tên lửa Kinzhal của Nga.

Năm 1991, Iran mua lại 40 chiếc Su-20/22 từ Iraq. Tuy nhiên, những chiến đấu cơ này không được đưa vào hoạt động cho đến năm 2013 khi Iran thực hiện chương trình tăng cường tiềm lực quân sự toàn diện. Hiện tại, đang có 30 chiến đấu cơ Su-22 hoạt động trong Không quân Iran. Đáng chú ý, tính đến tháng 7-2018, Iran đã hiện đại hóa thành công 10 chiếc Su-22, trang bị cho máy bay những công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm khả năng mang bom thông minh, đạn dẫn đường chính xác, truyền-phát thông tin với UAV và các công nghệ thiết yếu để sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên không với tầm bắn lên tới 1.500km.

* Mỹ chấp thuận bán tàu tuần tra Swiftships cho Ai Cập

Military Africa đưa tin Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) đã chấp thuận thương vụ bán tàu tuần tra dài 28m cùng các thiết bị liên quan cho Ai Cập. Ước tính thương vụ mua sắm khí tài quân sự này có giá trị là 129 triệu USD, bao gồm tàu tuần tra, xuồng bơm hơi vỏ cứng, các hệ thống hồng ngoại phía trước, máy tính, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật - hậu cần, vận chuyển, phụ tùng thay thế và các bộ phận khác.

DSCA cho biết thương vụ mua sắm này sẽ giúp Ai Cập tăng cường khả năng đảm bảo an ninh hàng hải, chống lại các mối đe dọa ở khu vực Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Thương vụ cũng giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và duy trì ổn định, thắt chặt an ninh giữa các đối tác quan trọng.

Mỹ chấp thuận bán tàu tuần tra Swiftships cho Ai Cập. Ảnh: Military Africa

Nhà thầu chính của thương vụ này là Swiftships, một công ty có trụ sở tại Mỹ. Đây là nhà thầu đã cung cấp các tàu tuần tra ven bờ cho Hải quân Ai Cập trong nhiều thập kỷ qua. Tuần tra ven bờ đòi hỏi các lớp tàu cơ động nhanh và linh hoạt, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tuần tra, giám sát, ngăn chặn, tìm kiếm cứu nạn và chống khủng bố. Tàu tuần tra Swiftships dài 28m, được thiết kế đa nhiệm, có thể sử dụng trong nhiệm vụ phòng thủ bờ biển, tác chiến chống tàu mặt nước, đảm bảo an ninh hàng hải, giám sát và thu thập thông tin tình báo, tìm kiếm và cứu nạn...

* Nga tìm cách thay thế động cơ cho máy bay huấn luyện hạng nhẹ Yak-152

Tập đoàn Ykovlev của Nga đã hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước cho máy bay huấn luyện hạng nhẹ Yak-152, thiết kế đặc biệt cho huấn luyện cơ bản cho phi công trong Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga. Máy bay Yak-152 được xác nhận đã thử nghiệm thành công với các thông số kỹ thuật và chiến thuật theo bản thiết kế. Tuy nhiên, nhóm thiết kế Yak-152 vẫn đang tiếp tục tiến hành các nhiệm vụ liên quan, tập trung vào “thay thế các bộ phận nhập khẩu” như động cơ, cánh quạt và các bộ phận quan trọng khác của máy bay trong thời gian ngắn nhất có thể.

Mặc dù đã được coi là khí tài bổ sung cho đội máy bay huấn luyện chiến đấu đang hoạt động, Yak-152 sẽ chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt cho đến khi hoàn thành việc “thay thế các bộ phận nhập khẩu”. Như vậy, theo truyền thông nhà nước Nga, máy bay Yak-152 đang trong giai đoạn chờ tích hợp vào hệ thống khí tài của không quân Nga.

Nga đang tìm cách thay thế động cơ cho máy bay huấn luyện hạng nhẹ Yak-152. Ảnh: Bulgarian Military

Trước đây, Yak-152 được trang bị động cơ piston diesel RED A03T của Đức, sản xuất bởi RED Aircraft, một công ty do Vladimir Reichlin, một người Đức gốc Nga, làm chủ. Tuy nhiên, Đức đã tạm dừng cung cấp động cơ này cho Nga và Reichlin đã bị chính phủ Đức kết án 5 năm tù vào tháng 8-2023.

Hiện tại, các kỹ sư tại Ykovlev phải lựa chọn giữa việc sao chép động cơ RED A03T với “các thành phần trong nước” hoặc điều chỉnh để động cơ trực thăng VK-650B của Nga phù hợp với Yak-152. Một quyết định như vậy sẽ đòi hỏi phải được kiểm tra và phát triển thiết kế một cách độc lập.

Theo dữ liệu hiện có, Yak-152 có chiều dài 7,2m, sải cánh 8,8m, trọng lượng cất cánh tối đa 1,48 tấn, tốc độ tối đa 550km/giờ và phạm vi hoạt động 1.500km.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)