Công trường sân bay Long Thành lên đèn, thi công trong đêm
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:53, 19/01/2024
Những ngày đầu năm mới, liên danh các nhà thầu xây dựng Nhà ga hành khách sân bay Long Thành tăng cường thêm nhân lực, máy móc để đẩy nhanh thi công các hạng mục của gói thầu. Nhìn từ trên cao, toàn thể nhà ga hành khách sân bay hiện ra cánh hoa sen cách điệu.
Buổi tối tại công trường, các liên danh nhà thầu đang triển khai thi công 2 gói thầu quan trọng là gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1; gói thầu 4.6 thi công xây dựng lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác.
Tại công trường nhà ga hành khách, do trong giai đoạn đổ bê tông các trụ móng nhà ga nên các nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, trang thiết bị thi công vào ban đêm. Gói thầu này do liên danh VIETUR đảm nhận với nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ làm trưởng nhóm thi công.
Ngoài công trình nhà ga hành khách, vào ban đêm công trình thi công xây dựng lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay cũng hối hả thi công.
Đêm 18/1, công nhân tiến hành đổ bê tông đường băng sân bay Long Thành. Đường băng số 1 có thiết kế dài 4.000m, rộng 45m là gói thầu quan trọng cần đảm bảo đúng tiến độ thi công. Gói thầu này có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng, là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của đại công trình sân bay Long Thành. Đây là gói thầu có tính chất quan trọng của dự án, liên quan trực tiếp tới hoạt động an toàn bay.
"Gói thầu xây dựng đường băng cần đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cao nên công tác thi công đơn vị thường xuyên giám sát chặt chẽ, dù chỉ là một công đoạn nhỏ nhất", đại diện công ty Vinadic cho biết.
Tại công trường nhà ga hành khách sân bay Long Thành, công nhân, kỹ sư, giám sát công trình miệt mài làm việc trong đêm nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Theo ông Dương Quang Điện, Phó ban thường trực Ban quản lý dự án sân bay Long Thành, sau hơn 4 tháng kể từ ngày khởi công đồng loạt các hạng mục chính như nhà ga hành khách (gói thầu 5.10), đường cất hạ cánh, đường lăn, một phần sân đỗ (gói thầu 4.6) và hệ thống giao thông kết nối tuyến T1 và T2 (gói thầu 6.12), đến nay dự án về cơ bản đã đáp ứng tiến độ đề ra.
Hiện các nhà thầu đẩy nhanh thi công, hình thành đại công trường nhộn nhịp, không khí thi đua lao động sôi nổi của gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với gần 2.000 máy móc, trang thiết bị được tập kết, lắp đặt và vận hành triển khai thi công các gói thầu chính, các mũi thi công liên tục cả ngày lẫn đêm với mục tiêu cao nhất là đúng tiến độ.
Ông Evren Isit Bingol, Chỉ huy trưởng liên danh VIETUR, thi công gói thầu 5.10 nhà ga hành khách sân bay Long Thành, cho biết đến thời điểm hiện tại, tất cả các hoạt động xây dựng đều được triển khai và đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Liên danh nhà thầu đã và đang tích cực đẩy mạnh thi công với hơn 2.000 kỹ sư, công nhân cùng hàng trăm máy móc, trang thiết bị trên công trường làm việc ngày đêm.
Theo ông Evren Isit Bingol, công tác thi công đào đất, cắt đầu cọc, đổ bê tông đài móng cọc nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%. Trong thời gian vừa qua, theo chỉ đạo của chủ đầu tư (ACV), chúng tôi đã kiểm tra các nhà máy thép, mỏ đá, trạm trộn phục vụ công tác thí nghiệm vật liệu đầu vào, để đảm bảo kịp thời cung cấp vật tư, vật liệu cho dự án.
Với mục tiêu đẩy nhanh tối đa tiến độ trong điều kiện thời tiết thuận lợi khi miền Nam bước vào 6 tháng mùa khô, với mặt bằng công trường rộng rãi, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung toàn lực, tăng số lượng nhân lực, phương tiện máy móc, tăng ca thi công ngày và đêm, bắt đầu từ 7h và kết thúc vào 23h. Có nhiều đêm đổ bê tông, các nhà thầu thi công xuyên đêm.
Ông Lê Văn Hạnh (công nhân của nhà thầu Newtecons, quê Hà Tĩnh) cho biết: "Công ty cho công nhân đăng ký tăng ca vào ban đêm để đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ gói thầu nhà ga hành khách. Cả hai tháng nay tôi đều đăng ký tăng ca làm đêm để có thêm thu nhập về quê đón Tết".
Sân bay Long Thành sau khi hoàn thành sẽ đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của quốc gia.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm.
Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 (2021-2025); giai đoạn 2 (2025-2030); giai đoạn 3 (2035-2040). Chính phủ đặt mục tiêu chuyến bay đầu tiên cất cánh từ sân bay Long Thành vào năm 2026.