Người lái tàu đặc biệt ra Hoàng Sa
Chủ quyền - Ngày đăng : 09:55, 19/01/2024
Một người là kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Cúc (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) có mặt trên đảo vào thời điểm đó.
Người còn lại là ông Lê Đình Rê (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) - thuyền trưởng tàu quân vận QV 9708 thực hiện nhiệm vụ cứu hộ các tàu chiến. Ông Rê là người mang số phận lịch sử đặc biệt như chính dải đất hình chữ S.
"Nhủ rồi nhủ lại cầm tay"
Bước qua tuổi 80, ông Rê vẫn giữ thói quen ghi chép hồi ký vào những dịp kỷ niệm hay những lúc tâm trạng xúc động.
Là nhân chứng ngày hải chiến bi tráng ở Hoàng Sa 19-1-1974, hôm chúng tôi đến, ông lại bắt đầu kỷ niệm bằng những dòng thơ nổi tiếng trong bài Chinh phụ ngâm:
"Nhủ rồi nhủ lại cầm tay
Bước đi một bước giây giây lại dừng".
Trong khi người con rót nước mời khách, ông Rê vẫn tiếp tục với giấy mực. "Xin lỗi chú! Tôi xúc động quá. Từ hôm mấy cháu bên huyện Hoàng Sa sang thăm đến nay vợ tôi vào viện hẳn, chưa biết bao giờ ra...", ông Rê nhắc về "người chinh phụ" đang bệnh hiểm nghèo.
Đôi mắt mờ đục nhưng đầu óc minh mẫn của ông lần tìm về những ngày cận Tết cách đây đúng 50 năm.
Chiều tối 19-1-1974, đúng vào 27 tháng chạp, đôi vợ chồng trẻ đưa nhau đi sắm Tết trên đường Hùng Vương. Đang loay hoay lựa hoa thì có một sĩ quan tìm đến, giọng gấp gáp: "Anh Rê về gấp để đi Hoàng Sa. Đoàn trưởng đi tìm anh từ chiều đến giờ".
Nhận lệnh, lại nghe phong phanh nhiệm vụ đi lai dắt cứu hộ bốn chiến hạm hải quân trên biển nên ông không dám chậm trễ. Vợ chồng tức tốc trở về bến tàu trên sông Hàn.
Quà Tết có ít bánh kẹo và thực phẩm, ông Rê gói ghém mang cả lên tàu vì chưa kịp chuẩn bị gì cho hải trình sắp tới. Mải lo chuyện lên văn phòng lấy sự vụ lệnh đi Hoàng Sa nên lúc chia tay chưa nói được chuyện gì với vợ.
"Vội vàng ra biển cho đến khi tàu nổ máy chạy qua núi Tiên Sa, tôi mới nhớ mình thiếu sót với vợ nhiều lắm. Chuyến đi lành ít dữ nhiều trong vùng chiến sự khi vợ đang mang bầu đứa đầu" - ông Rê nhớ lại.
Lúc ấy, bà Lê Thị Thi vợ ông Rê mang trong mình con gái đầu lòng được 5 tháng. Rời đất liền trong đêm tối mịt, vợ chồng ông mang hai tâm tưởng khác nhau.
Người ở nhà lo người đi vào vùng chiến sự một đi không trở lại. Còn thuyền trưởng Rê ra đi chưa biết phía trước sẽ đối mặt với những điều gì, nỗi canh cánh vợ bụng mang dạ chửa vắng bóng trụ cột chực chờ trong suy nghĩ.
Tàu QV 9708 ra khơi trong hải trình chóng vánh. Hộ tống, lai dắt bốn tàu chiến vào bờ, ông nhớ giữa đêm khuya một người lính dưới tàu chạy lên phòng lái hỏi "mình mất Hoàng Sa rồi hở đại úy?".
Trong giờ phút ấy, phòng lái không ai nói với ai câu gì. Mọi người lặng lẽ rớm lệ, không khí đêm tĩnh mịch chỉ nghe tiếng sóng biển và vô tuyến trên tàu...
Cô con gái trong bụng mẹ ngày nào giờ sắp trở thành bà. Còn "người chinh phụ" những năm qua lại thêm gánh nặng tuổi tác và những cơn đau từ bệnh nan y.
Các đoàn đến nhà thăm gia đình ông Rê dịp 19-1 nhiều năm qua hay thắc mắc hỏi về bà Thi khi nghe kể về giờ phút chia tay chồng hồi ấy. Nhưng tính bà rụt rè nên chưa bao giờ ra gặp đoàn.
"Vừa qua mẹ thấy sức mình cũng yếu nên khi các anh chị bên huyện Hoàng Sa đến thăm, mẹ chủ động ra trò chuyện, chụp ảnh cùng với các anh chị. Mẹ nói cũng thỏa mãn một đời người rồi, còn góp được một câu chuyện, một ký ức trong dòng lịch sử, cho quê hương thì cố" - anh Lê Đình Quang, con út ông Rê, kể.
Cầu nối thương nhớ Hoàng Sa
Trong số những nhân chứng Hoàng Sa, có lẽ ông Lê Đình Rê là người có số phận rất đặc biệt. Như lời ông so sánh: "Hoàn cảnh gia đình tôi như chiều dài lịch sử Việt Nam".
Ông Rê sinh ra ở làng La Chữ (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Vùng đất bên núi nổi tiếng là cái nôi cách mạng, gia đình ông Rê cũng thuộc dòng "cách mạng nòi".
Cha ông Rê là ông Lê Đình Lóc, người được nhận Huân chương Kháng chiến chống Pháp. Mẹ ông Rê là bà Trần Thị A, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ông Lóc và bà A có với nhau bảy người con thì sáu người đi theo cách mạng. Hai anh trai ông Rê đều là liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (năm 1952) và kháng chiến chống Mỹ (năm 1969).
Nhưng số phận lịch sử đẩy đưa cậu con trai út khi đang là sinh viên ở Huế vào lực lượng hậu cần hải quân Việt Nam cộng hòa. "Nhiều lúc ngẫm lại tôi thấy gia đình mình như thu nhỏ của dân tộc.
Đó là số phận lịch sử mà tôi phải chấp nhận. Bởi nếu không bị đi lính ngày ấy thì chắc chắn tôi đã không thể có mặt ở Hoàng Sa ngày lịch sử không quên rồi" - ông Rê có chút trầm tư.
Ông Rê cũng là người chủ động tham gia khi nghe có cuộc vận động góp tư liệu vì Hoàng Sa. Năm 2009, khi báo Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài "Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau" trong đó có những chi tiết nhắc đến con tàu do ông điều khiển ngày ấy.
Đọc báo xong, ông đã cùng người con trai ngay lập tức tìm đến trụ sở UBND huyện Hoàng Sa trên đường Yên Bái để kể câu chuyện về hải trình đặc biệt của mình ngày ấy.
Những dòng tư liệu ngồn ngộn của ông Rê sau đó không những cung cấp thêm thông tin, góc nhìn trong sự kiện lịch sử đặc biệt mà còn giúp kết nối với những nhân chứng khác.
Từ đó góp phần mở ra bức tranh tổng thể cũng như củng cố tư liệu không thể tranh cãi của chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
"Từ tường trình 35 năm sau của Tuổi Trẻ ngày ấy đã khơi gợi thêm cho những người trong cuộc chúng tôi nhiều tư liệu và sự cởi mở hơn vì mục tiêu chung là bảo vệ chủ quyền với quần đảo thiêng liêng. Vẫn còn nhiều tư liệu, đặc biệt là hình ảnh được cất giữ ở nước ngoài mà nếu tiếp tục thuyết phục thì vẫn tìm kiếm được", ông Rê quả quyết.
Cầu nối thương nhớ Hoàng Sa càng đẩy lên cao khi ông Rê xuất hiện trên tạp chí Pháp ngữ Francophonie vào năm 2016. Nhiều người bạn cũ ở nước ngoài sau đó đã nhận ra ông Rê nên đã gửi nhiều hình ảnh, sách báo về Hoàng Sa để bổ sung tư liệu đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Những tư liệu tâm huyết ấy, ông Rê mang đóng thành tập mang tên Hải chiến Hoàng Sa. Mỗi khi có khách tới hỏi về sự kiện ngày ấy, ông lại mang ra tặng để mãi mãi nhắc nhớ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nửa thế kỷ không quên
Trong những ngày tháng 1-2024, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm viếng các nhân chứng Hoàng Sa ở miền Trung.
Ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho biết hoạt động thăm các nhân chứng còn sống và đến nhà thắp hương tri ân những nhân chứng Hoàng Sa đã mất được tổ chức thường xuyên trong dịp 19-1.
Đây là dịp để thế hệ hôm nay ghi nhớ, biết ơn các thế hệ trước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhất là những nhân chứng từng sống, làm việc và công tác tại quần đảo Hoàng Sa. "Hoàng Sa là lãnh thổ máu thịt không thể tách rời. Các chú, các bác là nhân chứng sống khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đảo thiêng liêng này", ông Đồng nói.