Quân sự thế giới hôm nay (19-1): Pháp tăng cường viện trợ Ukraine, thêm một quốc gia châu Phi biên chế Su-30K
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:53, 19/01/2024
* Pháp viện trợ thêm bom và tên lửa cho Ukraine
AFP dẫn lời Tổng thống Emmanuel Macron cho biết nước này sẽ chuyển 40 tên lửa hành trình tầm xa SCALP-EG và hàng trăm quả bom chưa rõ chủng loại cho Ukraine.
Cùng với đó, người đứng đầu Điện Elysee sẽ thăm Ukraine trong tháng 2, đồng thời chính quyền Paris còn đang xây dựng thỏa thuận an ninh song phương mới với Kiev và dự kiến công bố nội dung cụ thể trong chuyến thăm này.
Quân đội Pháp sử dụng tên lửa SCALP-EG. Nguồn: L'armée française |
Giới chức Nga và Ukraine chưa bình luận về thông tin. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Pháp chuẩn chi viện trợ tên lửa cho Ukraine. Paris lần đầu cung cấp tên lửa SCALP-EG cho Kiev vào tháng 7-2023, hai tháng sau khi Anh tiến hành động thái tương tự, nhưng không công bố số lượng cụ thể.
Lâu nay, các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định việc Ukraine có được tên lửa SCALP-EG sẽ nắm trong tay “vũ khí thay đổi cuộc chơi”, mang lại năng lực mà Kiev đã yêu cầu từ khi chiến sự bùng phát.
Quân đội Pháp sử dụng tiêm kích phóng tên lửa SCALP-EG. Nguồn: L'armée française |
Còn được biết đến với tên gọi Storm Shadow, tên lửa SCALP-EG do Anh và Pháp hợp tác phát triển, có tốc độ tối đa 1.000km/giờ và có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 250-560km tùy biến thể.
* UAE và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác sản xuất bom cho UAV vũ trang
Defense News đưa tin, nhà thầu quân sự Edge Group có trụ sở tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã hoàn tất việc tích hợp bom dẫn đường Desert Sting 16 vào máy bay không người lái (UAV) vũ trang Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, báo hiệu một chương hợp tác quốc phòng mới giữa hai nước.
Hình ảnh UAV Bayraktar TB2 mang bom Desert Sting 16 được công bố. Ảnh: Turdef |
Trong bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Edge Group công bố một video cho thấy chuyến bay thử nghiệm của Bayraktar TB2 khi trang bị Desert Sting 16. Trong đó, UAV này cất cánh từ cơ sở của nhà sản xuất Baykar, thả một trong các quả đạn khi đang bay trên Vịnh Saros, ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ và hạ cánh vào ban đêm.
Động thái này là một phần của thỏa thuận chiến lược mà Edge và Baykar đã ký kết, nhằm tìm cách tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Hai công ty cũng có kế hoạch tích hợp các loại vũ khí khác trên những mẫu UAV khác nhau của Baykar trong tương lai, trong đó nhiều khả năng bao gồm UAV Bayraktar TB3 sắp được sản xuất hàng loạt.
Theo những công bố chính thức, Desert Sting 16 là một dòng bom lượn thông minh hạng nhẹ với khối lượng 23kg, mang theo đầu đạn 12kg, phạm vi chiến đấu khoảng 15km khi được thả từ độ cao 9km. Bom sử dụng đầu dò laser bán chủ động (SAL) kết hợp với hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS).
* Ethiopia đưa chiến đấu cơ Su-30K vào biên chế
Defense Web cho biết không quân Ethiopia đã chính thức đưa vào trực chiến UAV vũ trang Akinci của Thổ Nhĩ Kỳ và máy bay chiến đấu Su-30K.
Trong lễ ra mắt và biên chế, Tổng tham mưu trưởng quân đội nước này Birhanu Jula cho rằng Su-30 và UAV Akinci sẽ đóng vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào Ethiopia. Đồng thời, quân đội Ethiopia sẽ tiếp tục xây dựng một lực lượng không quân đủ năng lực tác chiến đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay.
Chiếc tiêm kích Su-30K mang số hiệu 2401 của không quân Ethiopia. Ảnh: Defense Web |
Đáng chú ý, tại buổi lễ xuất hiện hai chiếc Su-30K (số hiệu 2401 và 2402). Giới phân tích quân sự cho rằng đây là một phần trong lô 18 chiếc Su-30K từng được sản xuất cho không quân Ấn Độ. Những chiếc Su-30K này sau đó được New Delhi trả lại cho Nga vào năm 2007 và được thay thế bằng biến thể hiện đại hơn là Su-30MKI.
Năm 2011, 18 chiếc Su-30K được vận chuyển đến nhà máy sửa chữa máy bay số 558 tại Baranovichi, Belarus để lưu kho trong khi chờ khách hàng mới. Năm 2013, Angola mua 12 chiếc trong số này và đợt giao hàng diễn ra từ năm 2017 đến 2019. Loạt chiến đấu cơ này được nâng cấp lên tiêu chuẩn Su-30SM cho khách hàng, giúp máy bay có khả năng bắn tên lửa chống hạm và tên lửa không đối không. 6 chiếc Su-30K còn lại cuối cùng đã tìm được chủ nhân mới là không quân Ethiopia.
Su-30K được phát triển trên cơ sở biến thể Su-27PU của không quân Nga. Đây là phiên bản tiêm kích phòng không, được trang bị radar Doppler N001V với phạm vi trinh sát tối đa 240km và theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu từ cự ly 100km, nhưng chỉ có thể tấn công một mục tiêu duy nhất bằng tên lửa. Máy bay sử dụng được bom và tên lửa dẫn đường. Tiêm kích Su-30K sau đó được hiện đại hóa lên chuẩn Su-30KN nhằm tích hợp các loại tên lửa không đối không và không đối đất thế hệ mới, đi kèm radar cải tiến để xác định và theo dõi mục tiêu với độ chính xác cao hơn.
MINH ANH (tổng hợp)