Điểm tin kinh doanh 19/1: Giá vàng: Vàng SJC tăng bất chấp thế giới giảm mạnh xuống sát mốc 2.000 USD
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 19/01/2024
- Giá vàng: Vàng SJC tăng bất chấp thế giới giảm mạnh xuống sát mốc 2.000 USD
Giá vàng thế giới hôm 18/1 lao dốc xuống 2.009 USD trong bối cảnh đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng nhẹ 300.000 đồng, giao dịch quanh 76,52 triệu đồng/lượng.
Tính đến 16 giờ ngày 18/1, giá vàng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 73,95 triệu đồng/lượng mua vào và 76,45 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng so kết phiên hôm 17/1. Chênh lệch mua vào-bán ra vẫn ở mức cao 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 74-76,52 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua-bán hơn 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC hiện mua vào 62,3 triệu đồng/lượng, bán ra 63,4 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ mua vào ở mức 62,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 63,5 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 250.000 đồng và 150.000 đồng so kết phiên hôm trước.
Những ngày qua, thị trường vàng trong nước khá “trầm lắng” khi các nhà đầu tư cũng như người dân đang thận trọng chờ đợi thêm thông tin từ ngân hàng Nhà nước. Nhiều người lo ngại giá vàng sẽ giảm nhanh khi cơ quan này có biện pháp can thiệp, tăng nguồn cung.
Dự kiến, ngân hàng Nhà nước sẽ công bố các sửa đổi Nghị định 24 (năm 2012) cũng như các biện pháp để ổn định thị trường vàng ngay trong tháng 1 này.
Tính đến 16 giờ ngày 18/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giảm mạnh 21 USD so cùng giờ hôm qua, hiện ở mức 2.009 USD/ounce, mức giá thấp nhất của vàng trong vòng gần 5 tuần qua.
Giá vàng thế giới giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh, dao động ở mức cao nhất trong 1 tháng, ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng gây áp lực lớn lên kim loại quý.
- Tiết lộ đầu tư 'khủng' của Samsung vào trung tâm sản xuất chip lớn nhất thế giới
Hàn Quốc sẽ xây dựng trung tâm bán dẫn lớn nhất thế giới tại tỉnh Gyeonggi từ nay đến năm 2047. Cơ sở mới giúp quốc gia này tăng cường khả năng tự chủ nguồn cung chip trong nước.
Các công ty công nghệ lớn tại Hàn Quốc như Samsung, SK hynix dự định đầu tư 471 tỷ USD nhằm cùng chính phủ thành lập trung tâm sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Dự kiến, trung tâm kể trên sẽ có 13 nhà máy chip mới và 3 cơ sở nghiên cứu, cùng với 21 nhà máy hiện có. Nối dài từ Pyeongtaek đến Yongin, khu vực này dự kiến sẽ lớn nhất thế giới, có khả năng sản xuất 7,7 triệu tấm wafer hằng tháng vào năm 2030.
Ngoài ra, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc còn công bố kế hoạch củng cố ngành công nghiệp chip của quốc gia bằng cách cung cấp hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng có liên quan và bồi dưỡng các chuyên gia trong lĩnh vực này. Chính phủ dự báo kế hoạch xây dựng trung tâm sẽ tạo cơ hội việc làm cho 3,46 triệu người.
Tại trung tâm sản xuất chip của Hàn Quốc, Samsung Electronics dự kiến xây dựng 6 nhà máy mới với khoản đầu tư 360.000 tỷ won. Ngoài ra, công ty có kế hoạch thành lập 3 nhà máy ở thành phố Pyeongtaek với vốn đầu tư 120.000 tỷ won và 3 nhà máy nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở quận Giheung với chi phí 20 nghìn tỷ won.
Đồng thời, doanh nghiệp SK Hynix sẽ chi 122.000 tỷ won để xây 4 nhà máy tại một khu công nghiệp khác ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi. Đáng chú ý, Samsung sẽ đặt cược lớn vào xưởng đúc và sản xuất chip cho công ty khác, còn SK Hynix tập trung chủ yếu đến chip nhớ.
Kế hoạch về trung tâm bán dẫn lớn nhất thế giới của Hàn Quốc được công bố trong bối cảnh các quốc gia sản xuất chip đang cạnh tranh toàn cầu gia tăng. Những khu vực như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đều dành khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực chip.
- Gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu đã được đưa lên sàn giao dịch nợ
Sau hơn 2 năm hoạt động, Sàn giao dịch nợ vẫn chưa thể trở thành một “chợ” giao dịch nợ xấu sôi động.
Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, luỹ kế từ khi thành lập đến 31/12/2023, Sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng ký thành viên và cấp user truy cập website cho 216 khách hàng; ký kết 21 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo.
Hơn hai năm qua, Sàn giao dịch đã đăng tải thông tin các khoản nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng giá trị là 59.831 tỷ đồng; đăng thông tin tài sản đảm bảo của các TCTD trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 1.829 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ còn khá khiêm tốn, đến nay, Sàn mới giúp các TCTD xử lý thành công 333 khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị 1.061 tỷ đồng.
VAMC cũng cho hay, năm 2023, kết quả mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC không đạt kế hoạch NHNN giao.
- VinFast công bố doanh số Quý 4/ 2023 và cả năm 2023
Công ty TNHH VinFast Auto (Công ty) đã công bố tổng số xe được giao trong quý 4 và cả năm 2023. Công ty đã giao 13.513 xe điện trong quý 4 năm 2023, tăng 35% so với quý trước. Tính cả năm, Công ty đã giao được 34.855 xe điện, nâng tổng số xe đã bàn giao trên toàn cầu lên 42.291 chiếc kể từ đợt bàn giao đầu tiên vào 2021.
Bà Trần Mai Hoa, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing VinFast cho biết: “Chúng tôi đã gia tăng được số lượng xe giao trong quý 4 so với các quý trước đó. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc, việc chuyển đổi qua xe điện ở một số khu vực vẫn chậm hơn dự kiến dẫn tới số xe giao thực tế bị ảnh hưởng.”
Công ty này cũng thông báo rằng họ sẽ công bố kết quả tài chính quý 4 năm 2023 trước khi thị trường mở cửa vào ngày 22/02/2024. Cùng ngày, ban lãnh đạo VinFast sẽ tổ chức buổi phát sóng trực tiếp trên web để thảo luận về chiến lược và hiệu quả kinh doanh của Công ty.
- MWG dự kiến bán 5-10% cổ phần Bách Hóa Xanh trong nửa đầu năm 2024
MWG dự kiến chào bán từ 5% đến tối đa 10% tổng số cổ phần của Bách Hóa Xanh, thay vì chào bán tối đa 20% cổ phần như kế hoạch công bố trước đó.
HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG) vừa thông qua một số nội dung liên quan đến kế hoạch huy động vốn của CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh (Đầu tư Bách Hóa Xanh) – chủ sở hữu chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Theo đó, MWG dự kiến chào bán từ 5% đến tối đa 10% tổng số cổ phần của Đầu tư Bách Hóa Xanh, tùy vào nhu cầu sử dụng vốn thực tế tại thời điểm huy động vốn. Thời gian huy động vốn dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2024.
MWG trước đó đã lên kế hoạch chào bán tối đa 20% cổ phần của chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh trong giai đoạn 2022-2023.
Tuy nhiên, theo nghị quyết mới nhất, HĐQT MWG cho biết: "Với kết quả kinh doanh tích cực và diễn biến dòng tiền trong năm 2023, Đầu tư Bách Hóa Xanh và công ty con không có nhu cầu huy động vốn tối đa lên đến 20% như kế hoạch ban đầu".
Hiện giá chào bán chưa được tiết lộ. Vào cuối tháng 9/2023, Reuters dẫn nguồn tin cho biết chuỗi Bách Hóa Xanh có thể được định giá khoảng 1,5 – 1,7 tỉ USD, nhưng phía MWG sau đó đã bác bỏ thông tin này.
- Sầu riêng Việt Nam xuất sang EU bị kiểm tra dư lượng ngay tại cửa khẩu
Theo quy định mới của EU, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng sầu riêng tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Theo quy định mới của EU về các biện pháp khẩn cấp và tạm thời đối với kiểm soát an toàn thực phẩm, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng sầu riêng tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU vừa cho biết, ngày 17/1/2024, EU đã đăng công báo Quy định thực hiện Quy chế (EU) 2024/286 ký ngày 16/1/2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào Liên minh một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu.
Theo đó, các mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ chịu giám sát tại cửa khẩu là: Ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%.
Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng sầu riêng tại cửa khẩu với tần suất 10%.