Chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện - nỗi ám ảnh với người dân

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:08, 18/01/2024

Nhà vệ sinh bệnh viện vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân khi đến bệnh viện khám hoặc điều trị nội trú. Dù ngành y tế nhiều lần yêu cầu các bệnh viện cải thiện tình trạng này, thế nhưng chất lượng nhà vệ sinh vẫn bị đánh giá thấp.
Chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện - nỗi ám ảnh với người dân
Nhà vệ sinh Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

Choáng với nhà vệ sinh bệnh viện

Sở Y tế TPHCM vừa công bố kết quả khảo sát không hài lòng của người bệnh tại các khoa khám bệnh thuộc bệnh viện công lập trên địa bàn TP năm 2023.

Theo đó, số lượt không hài lòng của người bệnh tại các khoa khám bệnh thuộc bệnh viện công lập tại TPHCM tăng 18,46% so với năm 2022, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là khâu làm thủ tục đăng ký khám và nhà vệ sinh phục vụ người bệnh.

Các nội dung ở khâu làm thủ tục đăng ký khám (2.125 lượt không hài lòng) tăng 33,56%; khâu làm thủ tục khám bảo hiểm y tế (1.179 lượt) tăng 27,46%; nhà vệ sinh phục vụ người bệnh của bệnh viện (631 lượt) tăng 30,27%...

Loanh quanh chạy từ tầng 2 toà nhà Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TPHCM) xuống tầng trệt để đi vệ sinh, bà Nguyễn Như Loan (53 tuổi, tỉnh Đắk Lắk) vẫn phải lắc đầu sau khi đi vệ sinh ở đây.

“Bên trong lại tắc rồi, thật tình không đi cũng sợ mà đi cũng sợ” - bà Loan ngao ngán.

Liên quan đến việc khám chữa bệnh được đánh giá thấp do Sở Y tế TPHCM ghi nhận thực tế hiện nay một số bệnh viện có số lượng bệnh nhân đến khám đông như: Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Da liễu TPHCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM… đều có ứng dụng đặt lịch khám bệnh để được người dân chủ động đặt lịch sớm.

Tuy nhiên, một thực tế là tỉ lệ bệnh nhân hẹn lịch khám qua các ứng dụng còn hạn chế vì nhiều lý do như: Chưa quen tương tác qua ứng dụng, kết nối thanh toán qua ứng dụng không phổ biến nên người dân e ngại…

Ghi nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, do là bệnh viện tuyến cuối nên mỗi ngày có hàng nghìn bệnh nhân đến khám, điều trị, sử dụng các dịch vụ như: Siêu âm, xét nghiệm… thường mất nhiều thời gian để hoàn thành, không ít bệnh nhân phải chờ đợi sang ngày hôm sau.

Nhà vệ sinh Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly
Nhà vệ sinh Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

Cần bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế an toàn, có chất lượng

TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) - cho biết: Từ nhiều năm nay Bệnh viện E nhận thấy hoạt động quản lý chất lượng, đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí là rất cần thiết, giúp bệnh viện hạn chế phòng ngừa sự cố.

Đơn cử như tại Bệnh viện E dần chuyển mình thay đổi, từ những điều nhỏ nhất như nhà vệ sinh không mùi, đến lối đi có vạch kẻ hướng dẫn, mái che hành lang nối các tòa nhà… đến những cải tiến sâu hơn về hoạt động chuyên môn kỹ thuật, triển khai những biện pháp như giảm tải bệnh viện, tăng cường khám chữa bệnh từ xa…TS.BS Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, sau 10 năm áp dụng 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, diện mạo của nhiều bệnh viện thay đổi với mục tiêu an toàn cho người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; thể hiện bằng việc Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024 tại các Điều 49, Điều 57, Điều 58 quy định về việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện, hoạt động đánh giá, chứng nhận chất lượng.

Theo Bộ Y tế, thời gian tới, tiếp tục áp dụng đánh giá theo Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (83 tiêu chí) đến khi Bộ Y tế ban hành Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện để thay thế; Ban hành Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào quý I/2024; Ban hành Tiêu chuẩn chất lượng nâng cao đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào quý I/2025; Ban hành Tiêu chuẩn chất lượng đối với các chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật từ năm 2024.

Trong năm 2023, Bộ Y tế đã nhận và xử lý 964 đơn, trong đó có 135 đơn khiếu nại, 221 đơn tố cáo, 608 đơn kiến nghị, phản ánh của công dân về lĩnh vực liên quan đến y tế.

Lệ Hà - Nguyễn Ly