Cái chết của những MV nhạc Việt tiền tỷ
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 14:06, 18/01/2024
Đầu tư sản xuất một MV tiền tỷ từng là đòn bẩy hiệu quả để giới ca sĩ thu hút sự chú ý của khán giả và mạng xã hội. Nhưng hiện tại, khi mà thị hiếu nghe nhạc, cách thưởng thức của số đông khán giả thay đổi, cùng sự phát triển vượt bậc của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, những MV, đặc biệt là các sản phẩm được đầu tư mạnh không còn “hô mưa gọi gió” như xưa.
Thay vào đó, một sản phẩm có sức hút, trước hết phải từ cốt lõi là âm nhạc đủ chất lượng.
MV "Heyyy" của Soobin và "Cân cả thế giới" (Dương Hoàng Yến) thất bại dù đầu tư mạnh.
Những cú ngã của dàn nghệ sĩ lớn
Soobin Hoàng Sơn vừa trở lại đường đua nhạc Việt bằng ca khúc Heyyy. MV của nam ca sĩ trực thuộc SpaceSpeakers được đầu tư kinh phí tiền tỷ, chưa kể kế hoạch quảng bá khá rầm rộ, đặc biệt trên nền tảng TikTok.
Dù vậy, sản phẩm mới của Soobin không thể chen chân vào nhóm cao ở top âm nhạc thịnh hành trên YouTube. Sau một tháng, Heyyy đã mất hút trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Soobin đã chơi lớn trong giai đoạn cuộc khủng hoảng kinh tế tác động mạnh đến thị trường nhạc Việt. MV Heyyy chỉ gây chú ý trong những ngày đầu tiên vì độ “chịu chơi”. Với một tên tuổi lớn như Soobin, sự đầu tư của Heyyy là đáng tiếc, nhưng cũng phản ánh thực tế cách thị trường nhạc Việt đang vận hành.
Ý trời (Đông Nhi ft Tlinh), Xoa đầu (Erik) và Cân cả thế giới (Dương Hoàng Yến) là những MV tiếp theo được đầu tư mạnh, song thất bại trong năm 2023. Ba nghệ sĩ Đông Nhi, Erik và Dương Hoàng Yến có điểm chung là nỗ lực làm dòng nhạc đột phá và bứt phá hình ảnh trong sản phẩm mới.
Song, màu sắc của Ý trời, Xoa đầu và Cân cả thế giới đều quá xa lạ so với những gì khán giả đã quen với Đông Nhi, Erik, Dương Hoàng Yến. Vậy nên cú đầu tư của 3 nghệ sĩ, có thể lên tới tiền tỷ cũng coi như tay trắng.
Năm 2023, thị trường sản xuất MV (Music Video) của làng nhạc Việt giảm nhiệt. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là sự tác động của khủng hoảng kinh tế.
Một nghệ sĩ (xin giấu tên) chia sẻ với Tiền Phong về việc các nhãn hàng cắt ít nhất 50% ngân sách đầu tư vào âm nhạc để quảng bá thương hiệu. Mặt khác, sự chuyển dịch của thị trường khiến số đông ca sĩ thay đổi tư duy, không còn lao vào cuộc chiến làm MV tiền tỷ bằng mọi giá.
Cụ thể, thị hiếu nghe nhạc, thưởng thức sản phẩm của khán giả, đặc biệt là gen Z đã thay đổi. Những MV có câu chuyện rõ ràng và sáng tạo, bối cảnh, góc máy đơn giản, hiệu quả giờ mới là xu hướng.
Ông Hoàng Lê, CEO của Techbeat Records nhận định với Tiền Phong về chuyện MV tiền tỷ: “Vài năm trước, ‘MV tiền tỷ’ là một cụm từ rất hot mỗi khi nghệ sĩ ra sản phẩm. Khán giả tò mò những MV kiểu như thế có gì, tại sao lại đắt tiền như vậy? Trong thời gian ngắn, cả thị trường lao vào cuộc chơi đắt đỏ, có lúc ngành âm nhạc như xảy ra tình trạng ‘điện ảnh hóa âm nhạc’. Nhưng hiện tại, xu hướng đó đã qua”.
“Với một MV có kinh phí rất lớn, chỗ đốt tiền nhiều nhất là ở các bối cảnh quay, di chuyển nhiều địa điểm khác nhau và đầu tư vào visual, mặt kỹ thuật. Hiện tại, tôi thấy các MV hướng về câu chuyện rõ ràng, mang lại cảm xúc mới được khán giả quan tâm và sẵn sàng xem lại. Do đó, dần dần các nghệ sĩ cũng tính toán nhiều hơn, làm sao để tạo ra sản phẩm hiệu quả”, ông Hoàng Lê phân tích thêm.
MV Bạn đời của Karik và GDucky là điểm sáng trong năm 2023. Một loạt sản phẩm dẫn đầu top âm nhạc thịnh hành như Cắt đôi nỗi sầu (Tăng Duy Tân), Nếu lúc đó (Tlinh), id 072019 (W/n) là sự đơn giản nhưng hiệu quả. Hay các MV của Quang Anh Rhyder, Wrxdie, Andree Right Hand, tập trung vào visual, vẫn thu hút khán giả.
"Bạn đời" của Karik và GDucky là MV ấn tượng trong năm 2023.
Không nhất thiết làm MV
Cho đến năm 2024, YouTube vẫn là nền tảng nghe nhạc phổ biến nhất với khán giả Việt. Tuy nhiên, cán cân giữa YouTube và DSP (các nền tảng nhạc số) dần cân bằng. Spotify và nhiều nền nghe nhạc khác đang trỗi dậy, khiến sự chi phối của YouTube với nhạc Việt phai dần. Chưa kể, cơn sốt TikTok đang đe dọa trực tiếp YouTube.
Trước đây, theo cách vận hành của thị trường nhạc Việt, các ca sĩ khi ra mắt sản phẩm phải đầu tư quay MV, hoặc một hình thức nào đó để đính kèm thước phim vào nhạc, đăng lên nền tảng này. Thậm chí, có nhiều sản phẩm mà âm nhạc chỉ làm nền cho hình ảnh. Đó là lý do YouTube có sức ảnh hưởng tuyệt đối với sự phát triển của nhạc Việt, dù nền tảng này sinh ra không chuyên để nghe nhạc.
Từ năm 2022, thị trường chuyển dịch rõ. Nhiều bản nhạc, đăng lên YouTube không có MV vẫn gây sốt, như Waiting For You của Mono. Đến năm 2023, một loạt bản hit, dẫn đầu top âm nhạc thịnh hành không cần MV, là À lôi (Double2T) và một loạt sản phẩm trong album của MCK, Obito. Thay vì bắt buộc có MV, đăng lên YouTube, khi ra mắt ca khúc như trước, nhiều nghệ sĩ giờ chọn cách đăng sản phẩm đơn giản hơn (Visualizer Video, Lyrics Video) và đo hiệu ứng từ khán giả, sau đó có thể bổ sung làm MV.
Các nghệ sĩ giờ không còn quá áp lực về chuyện phải đầu tư làm MV bằng mọi giá để cạnh tranh đường đua. Những ê-kíp sản xuất MV mới xuất hiện trên thị trường, với tư duy cấp tiến, mở ra nhiều lựa chọn cho nghệ sĩ. Những sản phẩm bên cạnh MV như Visualizer MV và Lyrics Video cũng thổi làn gió mới, mang lại trải nghiệm không tệ cho khán giả.
Nhạc Việt đang từng bước vận hành theo chuẩn thị trường quốc tế. Những nghệ sĩ như MCK, Tlinh, GreyD, Hoàng Thùy Linh, Sơn Tùng M-TP đạt hơn 100 triệu lượt streams (nghe nhạc trực tuyến) trên Spotify là điểm tích cực, cho thấy khán giả Việt giờ nghe nhạc trên DSP ngày càng nhiều. Từ chuyển biến này, nghệ sĩ lan tỏa âm nhạc trên nhiều nền tảng, đỡ áp lực hơn và kiếm tiền nhiều hơn.
Sự chuyển giao của nhạc Việt, từ thế hệ nghệ sĩ trước đến gen Z mở ra sự cạnh tranh sòng phẳng nhưng khắc nghiệt hơn. Những bản hit trong năm 2023 của nhạc Việt, trước hết phải đến từ âm nhạc chất lượng, có tính nghe lại cao để phát huy hiệu quả ở đa nền tảng.
Một bản nhạc hay, đi kèm MV chất lượng sẽ tạo được cơn sóng mạnh mẽ. Còn một MV “bóng bẩy”, có thể chất lượng nhưng âm nhạc không phù hợp, sẽ dẫn đến cái kết như nhiều tên tuổi lớn đã nếm trái đắng.
Theo Tiền Phong