'Tôi tin thể thao Việt Nam sẽ tốt lên sau chuyện của Phạm Như Phương'
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 06:37, 18/01/2024
Thời tôi cũng có chuyện nộp 10% tiền thưởng huy chương cho huấn luyện viên rồi, nhưng hồi đó tiền thưởng không cao như bây giờ nên số tiền không đáng là bao, mọi người đều vui vẻ. Hồi đó tiền thưởng nóng thì chúng tôi được nhận đủ, không phải chia cho ai cả.
Nhưng dù là thời nào thì tôi nghĩ liên quan đến tiền bạc luôn cần phải công khai, minh bạch.
Đọc câu chuyện vận động viên (VĐV) Thể dục dụng cụ (TDDC) Phạm Như Phương giải nghệ ở tuổi 20, những góc khuất, "vùng tối" thu chi giữa huấn luyện viên và vận động viên, cảm giác của tôi là chua xót.
Thậm chí tôi thấy thương cảm cho cả hai bên, thương cho người bất đắc dĩ phải lên tiếng tố cáo và thương cho cả người bị tố cáo.
Như Phương là thế hệ đàn em của chúng tôi, là một VĐV trẻ tài năng và nhiều triển vọng. Còn HLV Nguyễn Thùy Dương cùng thế hệ với tôi, thậm chí bằng tuổi tôi. Tôi không muốn bênh ai cả, bởi ai sai ở đâu cũng phải chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm với pháp luật, trách nhiệm với lương tâm của chính mình. Trong sự việc này, nếu nhìn cái trước mắt tôi thấy mất nhiều hơn được.
Rõ ràng, chúng ta đã để mất đi một tài năng trẻ, nhiều triển vọng ở tuổi 20 - độ tuổi chín muồi nhất để gặt hái vinh quang rực rỡ nhất. Như Phương tôi đánh giá là VĐV toàn diện, toàn năng nhất ở lứa tuổi của em. Những thành tích của em ở trong nước, quốc tế đã chứng minh điều đó.
Lẽ ra, cô ấy sẽ có cơ hội đóng góp, mang về thành tích cho thể thao nước nhà nếu như mọi chuyện ban đầu được xử lý tốt hơn. Lẽ ra Nhà nước đã không lãng phí đi một nhân tài nếu có cơ chế kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ tốt hơn.
Mọi người đều biết, để có được một nhân tài tỏa sáng trên khắp đấu trường trong nước, ngoài nước phải trải qua quá trình không dưới 10 năm khổ luyện cực kỳ gian khổ, tốn kém.
Chúng ta có chính sách thu hút nhân tài, tạo cơ chế cho nhân tài phát huy tài năng, nhưng trong vụ việc này tôi thấy chúng ta chưa làm tốt điều đó.
Chúng ta cũng mất đi hình ảnh tốt đẹp vốn có trước đó của bộ môn Thể dục dụng cụ nói chung và của những HLV ở bộ môn này nói riêng. Thể thao Việt Nam cũng vì chuyện này mà bị vạ lây, khi nhiều người sẽ bớt đi sự thiện cảm, yêu mến đã có trước đó.
Những HLV được đề cập trong câu chuyện, họ trước đó đều là những tài năng của TDDC Việt Nam. Thậm chí thế hệ bây giờ vẫn chưa vượt qua được những thành tích, những đóng góp to lớn của thế hệ trước.
Bao mồ hôi công sức, bao hi sinh thầm lặng của thế hệ này đến thế hệ khác, vì chuyện này mà đổ sông đổ bể quả thật sẽ rất đáng tiếc. Nhưng nếu mất nhiều ở hiện tại, thì tương lai tôi nghĩ sẽ được nhiều.
Sau chuyện này tôi kỳ vọng sẽ có những đổi mới về cơ chế quản lý, có giải pháp hiệu quả trong việc quản lý tài chính, minh bạch trong thu chi, đặc biệt tạo điều kiện cho các VĐV, HLV đảm bảo được đời sống để chuyên tâm cho việc tập luyện và thi đấu.
Nghề nào, ngành nào cũng vậy, đặc biệt là với thể thao thành tích cao, đừng để cơm áo gạo tiền cản trở họ phát huy tài năng.
Tôi nghĩ Phạm Như Phương đã quyết tâm giải nghệ, khép lại sự nghiệp thi đấu của mình. Nhưng cô ấy cũng đã mở ra một chương mới cho thể dục dụng cụ Việt Nam nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung tốt hơn trong tương lai.
Phạm Phước Hưng (SN 1988) là một trong những gương mặt thuộc Thế hệ vàng của Thể dục dụng cụ Việt Nam. Anh từng 2 lần dự Olympic và sở hữu hơn 60 huy chương các loại trong sự nghiệp, bao gồm 2 huy chương Vàng , 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng Cúp Thế giới, 6 huy chương Vàng SEA Games.
Phước Hưng còn sáng tạo 2 động tác mới với độ khó cấp D và E được Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) đưa vào hệ thống kỹ thuật thi đấu.
Phạm Phước Hưng