“Mẹ ơi, con lên thiên đường rồi, ở đây mệt quá!”: Bà mẹ dũng cảm công khai "bê bối" của gia đình, hàng ngàn phụ huynh chết lặng

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 19:55, 17/01/2024

"Tôi công khai chuyện bê bối của gia đình chỉ vì muốn dùng mạng sống của con gái để đổi lấy lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ khác".

Mong muốn chung của các bậc cha mẹ là con cái thành đạt, nhưng liệu con đường bạn chọn cho con có khiến chúng hạnh phúc? Khi tuyệt vọng ôm đứa con gái đã lạnh giá trong tay, mẹ của Tố Tố - bà Lưu Dụ (Trung Quốc) có lẽ là người thấm thía nhất đáp án của câu hỏi này. Vừa suy sụp vì sự ra đi của đứa con, Lưu Dụ vừa hối hận không nguôi vì đã sai lầm khiến con chọn con đường tiêu cực.

Người mẹ đã bỏ bao nhiêu công sức để gửi đứa con gái "ngu ngốc" vào một trường đại học danh tiếng trong nước rồi cho cô làm việc tại công ty luật nổi tiếng ở Đại Liên. Nhưng con gái mới tốt nghiệp được một năm đã "đền đáp" tấm lòng sâu sắc của mẹ bằng cách không thể đau lòng hơn.

Mẹ ơi, con lên thiên đường rồi, ở đây mệt quá!”: Bà mẹ dũng cảm công khai bê bối của gia đình, hàng ngàn phụ huynh chết lặng-1
Ảnh minh họa

Bi kịch "cha mẹ tinh hoa" 

Lưu Dụ (50 tuổi) trước đây là một trong số ít sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của trường đại học danh tiếng. Sau đó, cô ở lại trường giảng dạy. Nhờ thành tích tốt nên được thăng chức Giáo sư ở tuổi 35. Cô từng là Phó Giám đốc Khoa Quản trị Kinh doanh của một trường đại học ở Đại Liên, đồng thời là Giáo sư và cán bộ cấp trung trẻ nhất của trường vào thời điểm đó. Chồng cô - Lương Quân là một công chức, giữ chức vụ cao. Thành tựu trong sự nghiệp của cặp đôi khiến nhiều người ghen tị.

Năm 1984, Lưu Dụ sinh một cô con gái đặt tên là Lương Tố Tố. Cô nói với chồng rằng con mình phải vượt trội hơn con cái ở gia đình khác. Tuy nhiên, quá trình trưởng thành của con gái khiến Lưu Dụ ngạc nhiên: Bé được 1 tuổi 7 tháng, trong khi con của người khác đã chạy khắp nơi thì Tố Tố vẫn chưa thể đi vững. Con của người khác đã có thể gọi "dì, mẹ, ba", nhưng Tố Tố thậm chí còn không thể gọi "mẹ".

Nỗi thất vọng thực sự của Lưu Dụ bắt đầu khi Tố Tố bước vào trường tiểu học. Mỗi lần làm bài kiểm tra, Tố Tố luôn không được điểm ở những câu hỏi đòi hỏi phải suy nghĩ một chút. Để giúp con gái thông minh hơn, bà mẹ mua rất nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe não bộ, buộc con phải uống nhiều loại mỗi ngày.

Tuy nhiên, thành tích học tập không được cải thiện mà con lại dậy thì sớm và có kinh nguyệt vào năm lớp 4. Cuối cùng, Lưu Dụ đã dừng "dự án tăng cường trí não" cho con gái sau lời đề nghị của người bạn bác sĩ.

Nhưng Lưu Dụ không ngừng xây dựng những "công trình xuất sắc" cho con gái. Cô lấp đầy thời gian rảnh rỗi của con và thuê gia sư ở nhiều môn học khác nhau để dạy kèm 1 - 1. Kết quả của việc này rất đáng ghi nhận. Học kỳ đầu tiên của lớp 5, Tố Tố lần đầu tiên đứng đầu lớp, được cô giáo chọn tham gia cuộc thi trí tuệ cấp huyện.

Trong suốt cuộc thi, Tố Tố thậm chí không bấm máy trả lời một lần vì các học sinh khác đã biết đáp án trước khi em hiểu câu hỏi. Trong nhật ký viết sau này, Tố Tố nhớ lại sự việc này với cảm xúc sâu sắc: "Tôi phản ứng chậm và luôn là người tụt hậu trong hoạt động tập thể. Tuy nhiên, mẹ tôi lại không muốn thừa nhận điều này, bà luôn cho rằng bà và bố tôi đều là bậc tinh anh, theo di truyền, tôi sao có thể không thông minh? Vì vậy, có được cha mẹ có năng lực chưa hẳn là điều tốt, tôi không hạnh phúc mà họ cũng đang phải sống trong khó khăn".

"Trừ khi tôi chết, còn không con nhất định phải vào đại học danh tiếng"

Vào mùa hè năm 1997, Lưu Dụ đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình để thuê một trong những gia sư giỏi nhất ở nhiều môn học ở thành phố Đại Liên. Cuối cùng, Tố Tố được rèn luyện và biết lời giải ngay khi nhìn thấy nửa đầu câu hỏi. Vì vậy, mỗi lần làm bài thi, Tố Tố đều đứng đầu lớp.

Năm 2000, Tố Tố được nhận vào trường Trung học cơ sở số 24 Đại Liên. Trong kỳ thi hàng tháng đầu tiên, Tố Tố đã trượt mọi môn. Thầy giáo và phụ huynh Tố Tố đã có một cuộc đối thoại nghiêm túc. Khi giáo viên thản nhiên nói có người nghi ngờ Tố Tố trúng tuyển vào trường do biết đề thi, Lưu Dụ tức giận: "Dựa vào câu này, tôi có thể kiện cậu tội vu khống!". Nói xong, cô kéo giáo viên lên phòng Hiệu trưởng, cãi vã nảy lửa, cuối cùng Hiệu trưởng đã xin lỗi.

Lưu Dụ nhân cơ hội đề nghị: "Một giáo viên chủ nhiệm có thành kiến với Tố Tố như vậy không thích hợp làm giáo viên cho con gái tôi. Chuyện này tôi không cần phải báo cáo với Ủy ban giáo dục, nhưng Tố Tố phải được chuyển đến lớp chọn của trường".

Đây là lớp đứng đầu nên Tố Tố không theo kịp tiến độ. Trong vòng một tuần, Tố Tố, người luôn vâng lời mẹ, đã nói với mẹ: "Con muốn nghỉ học".

Lưu Dụ nghe được lời này, suýt chút nữa trợn mắt. Tố Tố khá kiên quyết: "Con hoàn toàn không hiểu giáo viên nói gì. Những môn học cấp 3 thực sự rất khó khăn đối với con. Con muốn đến trường dạy nghề để học nghề Y tá và làm việc trong viện dưỡng lão". Lời nói của Tố Tố suýt khiến Lưu Dụ nghẹn chết. Lương Quân cố gắng thuyết phục vợ tôn trọng sự lựa chọn của đứa trẻ, nhưng phản ứng của bà vợ khá mạnh mẽ:

"Những đứa trẻ kém hơn gấp vạn lần có thể vào đại học, tại sao con lại không thể? Tôi nói cho anh biết Lương Quân, trừ khi ngày mai tôi chết, nếu không, tôi nhất định sẽ đưa con vào đại học danh tiếng".

Quả thật, năm 2003, Tố Tố được nhận vào Trường Luật Dân sự, Thương mại và Kinh tế của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc. Vào ngày nhận được giấy báo nhập học, Lưu Dụ đã bật khóc. Lương Quân càng cảm kích vợ: "Nếu không có em, con gái chúng ta cũng sẽ không làm được gì".

Đại học đã mở ra một cánh cửa khác cho Tố Tố, cô hy vọng có thể tận hưởng cuộc sống đại học một cách trọn vẹn nhất mà không cần sự sắp đặt của mẹ. Tuy nhiên, thực tế nhanh chóng dập tắt hy vọng. Cuối học kỳ thứ nhất, Tố Tố là người duy nhất trong lớp trượt môn Toán cao cấp. Kết quả đại học của Tố Tố vẫn giống như thời trung học.

Cô miêu tả bản thân và mẹ trong nhật ký: "Thật đáng thương cho người mẹ thông minh lại sinh ra đứa con không thông minh, không chịu chấp nhận hiện thực. Một đứa trẻ kém thông minh có một người mẹ thông minh nhưng buộc phải lớn lên thật đáng thương".

"16 năm học ấy trôi qua như vậy đó, tôi mệt đến mức nhiều lúc không muốn sống..."

Trong bữa tối của năm cuối cấp, Tố Tố đã uống rất nhiều rượu, khi đến lượt cô phát biểu tốt nghiệp, Tố Tố đã khiến nhiều bạn cùng lớp phải đỏ mắt.

"Sau khi tốt nghiệp, điều mà mọi người vui nhất là cuối cùng cũng có thể ra xã hội và tự lập. Điều tôi vui nhất là cuối cùng mình không phải đi học nữa. 16 năm học ấy trôi qua như vậy đó, mệt đến mức nhiều lúc không muốn sống...".

Lưu Dụ đã sử dụng nhiều mối quan hệ khác nhau để đưa Tố Tố vào một công ty luật ở Đại Liên chuyên về kiện tụng Hàng hải. Ông chủ của Tố Tố là một luật sư có tiếng trong ngành và có những yêu cầu rất khắt khe đối với cấp dưới. Vào ngày đầu tiên đi làm, người này giao cho Tố Tố một nhiệm vụ: Gửi email cho một khách hàng ở Canada để thông báo cho cô ấy về tiến trình của vụ kiện và yêu cầu bên kia cung cấp một thông tin mới.

Nhiệm vụ này đối với người khác có thể là chuyện nhỏ, nhưng đối với Tố Tố mà nói, thực sự có chút khó khăn. Vì trình độ ngoại ngữ của cô ở mức trung bình và "Luật Hàng hải" không phải là chuyên ngành ở trường đại học nên cô không chắc chắn về nhiều điều khoản trong email.

Thấy sếp rất bận, Tố Tố nhờ các đồng nghiệp khác giúp đỡ, nhưng câu trả lời cô nhận được là: "Tôi rất bận, bạn nên biết rằng bạn phải làm việc của riêng mình". Đến tối sếp trở về, Tố Tố đành phải nói ra sự thật, lúc đó ông có chút tức giận: "Không làm được, sao không nhờ người khác giúp đỡ? Công ty sẽ mất bao nhiêu tiền hoa hồng nếu trì hoãn một ngày?".

Khi Tố Tố nói với Sư phụ rằng đồng nghiệp của cô từ chối giúp đỡ, ông càng tức giận hơn: "Con thường không chú ý đến giao tiếp xã hội, vậy tại sao người khác phải giúp con? Con có muốn ta dạy con cách nhờ người khác giúp đỡ không?". Nước mắt của Tố Tố không ngừng rơi, cô có thể cảm nhận được rất nhiều đồng nghiệp đang ở bên ngoài nhìn vào phòng, trong đầu Tố Tố hiện lên một ý nghĩ: Không ai trong đơn vị còn đánh giá cao cô nữa.

Khi về đến nhà, Tố Tố nói với mẹ: "Mẹ ơi, con không muốn làm việc ở đơn vị này. Đơn giản là con không đủ trình độ".

Lưu Dụ nghe vậy tức giận: "Con là sinh viên tốt nghiệp Đại học Chính trị và Luật Trung Quốc, mới đi làm có một ngày mà nói như vậy, không thấy xấu hổ à?". Tố Tố không muốn làm, nhưng nhất định phải làm, tuân theo sự an bài của mẹ.

Ngày 25/12, văn phòng tổ chức tiệc Giáng sinh, nhiều người coi đây là cơ hội để thể hiện tài năng, tăng cường mối quan hệ và tất cả đều sử dụng những kỹ năng đặc biệt của mình. Tuy nhiên, khi người dẫn chương trình gọi Tố Tố, cô lúng túng đứng trên sân khấu, không nghĩ ra được kỹ năng đặc biệt nào có thể thể hiện. Cuối cùng cô đã giải quyết được vấn đề bằng cách đọc một bài thơ Đường cho mọi người nghe.

Tố Tố cảm nhận rõ ràng rằng kể từ ngày đó, cô hoàn toàn trở thành một người dư thừa trong công ty. Cô lại nghĩ đến việc nghỉ việc và muốn trở thành giáo viên ở một trường tiểu học ở nông thôn. Nhưng mẹ cô lại đưa Tố Tố về hiện thực: "Chỉ cần ở lại một công ty tốt, con mới có thể tìm được một đối tác có điều kiện tốt hơn. Đừng lo lắng, chỉ cần không từ chức, công ty này sẽ không bao giờ đuổi con ra ngoài".

Cuối cùng, vào một buổi chiều, Tố Tố nhảy từ tầng 21 của căn hộ xuống và tử vong tại chỗ. Vài ngày sau, gia đình tìm thấy trong hộp thư một email do Tố Tố gửi trước khi cô tự sát, nội dung rất ngắn gọn:

"Bố mẹ ơi, con luôn mong mình trở thành mẫu người mà bố mẹ mong muốn, nhưng con không bao giờ có thể trở thành kiểu người đó. Con mệt mỏi lắm rồi, con đã sống trong một vòng tròn không thuộc về mình, sự xuất sắc của người khác được dùng để tô điểm cho sự ngu ngốc của con. Con mệt quá chỉ muốn nghỉ ngơi, biết đâu sẽ tìm được đồng loại của mình trên thiên đường, không thông minh nhưng sống hạnh phúc".

Những lời này khiến người mẹ hồi lâu không thể bình tĩnh lại.

Khi được phỏng vấn, người mẹ rưng rưng nước mắt nói: "Tôi công khai chuyện bê bối của gia đình chỉ vì muốn dùng mạng sống của con gái mình để đổi lấy lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ khác".

Có một câu ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ: "Chúa luôn cung cấp cành thấp cho mọi con chim ngốc". Đây là câu nhìn thấy trong nhật ký của Tố Tố. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ để con vươn tới cành cây cao vốn không thuộc về mình, kết quả là cuối cùng rơi xuống từ nơi cao vời đó.

Nhìn lại, chẳng phải cha mẹ chỉ muốn con cái hạnh phúc sao? Đo theo tiêu chuẩn này thì điểm số và trường danh tiếng không hề quan trọng chút nào.

Theo Phunumoi