Kiểm tra thường xuyên bộ phận này để tránh ô tô chập cháy, chết máy giữa đường

Xa lộ - Ngày đăng : 09:27, 17/01/2024

Ô tô bị chết máy giữa đường hay bỗng nhiên phát cháy dù thời tiết mát mẻ không phải là trường hợp hiếm gặp. Vì vậy, ngoài việc mang xe đến gara bảo dưỡng theo lịch trình, người dùng có thể tự kiểm tra bộ phận sau để phòng tránh các rủi ro này.

Trong cấu tạo của ô tô, máy phát điện đóng vai trò vô cùng quan trọng khi là bộ phận sản sinh ra nguồn điện để cung cấp năng lượng cho toàn bộ hệ thống điều khiển của xe, các thiết bị điện trên xe, đồng thời, sạc điện cho bình ắc quy. Khi bộ phận này có vấn đề, chiếc xe sẽ "dở chứng", nhẹ thì khó đề nổ máy hoặc không thể nổ được máy; đèn chiếu sáng bị yếu; xe phát ra tiếng kêu lạch cạch ở khoang máy; xe bỗng có mùi khét khó chịu. Nặng hơn, chiếc xe có thể chết máy giữa đường, chập điện và cháy nổ, gây thiệt hại lớn.

Dưới đây là những thông tin cơ bản liên quan đến máy phát điện ô tô mà người dùng xe nên nắm bắt để chăm sóc xế cưng vận hành trơn tru.

may phat dien.jpg
Bộ điều chỉnh điện áp đảm bảo điện áp ổn định cho xe.

Máy phát điện trên ô tô bao gồm các bộ phận chính là: Rotor (phần quay), stato (phần ứng), chổi than, bộ chỉnh lưu, bộ điều chỉnh điện áp (bộ điều áp), quạt làm mát. Trong đó, bộ điều áp là bộ phận quan trọng số 1 để duy trì sự ổn định của dòng điện, đảm bảo điện áp đầu ra đúng tiêu chuẩn của các thiết bị điện trên xe.

Khi xe ô tô được khởi động và di chuyển, động cơ xe hoạt động thì máy phát điện sẽ hoạt động theo để biến cơ năng thành điện năng. Máy phát điện được dẫn động bởi trục khuỷu động cơ ô tô. Khi chạy xe, rotor (được bao quanh bởi nam châm) của máy phát điện quay theo động cơ, từ trường hoạt động và điện năng được sinh ra. Dòng điện này sẽ được bộ chỉnh lưu chuyển từ dòng điện xoay chiều thành một chiều (hầu hết các thiết bị điện trên ô tô đều dùng dòng điện một chiều).

Tuy nhiên, dòng điện sinh ra sẽ phụ thuộc vào tốc độ quay của động cơ xe trong khi thực tế vận hành, tốc độ này sẽ tăng giảm tùy biến theo người lái. Do đó, bộ điều áp sẽ can thiệp để "nắn chỉnh" dòng điện duy trì ở mức điện áp phù hợp với các thiết bị điện trên xe và ngưỡng điện áp của bình ắc quy. Thông thường, điện áp bình ắc quy trên ô tô khi xe hoạt động ở mức tốt nhất là 13,5-14,5V. Đây là mức điện áp phù hợp với hệ thống mạch điện được thiết kế trên ô tô.

Bộ điều áp còn giữ vai trò điều tiết giữa điện năng đầu vào và đầu ra. Khi người dùng xe sử dụng nhiều thiết bị điện trên ô tô như điều hòa, hệ thống giải trí, đèn pha, các loại cảm biến.... dẫn tới tiêu hao điện năng, điện áp bình ắc quy bị sụt dưới chuẩn, cảm biến của bộ điều áp sẽ đóng mạch với máy phát điện, làm cho máy phát điện tăng cường hoạt động và cung cấp thêm điện năng để sạc đầy trở lại. Nhờ đó, hệ thống điện trên ô tô sẽ không bị yếu và đảm bảo các thiết bị hoạt động bình thường.

Ngược lại, khi điện áp đạt đến ngưỡng 14,5V, bộ điều áp sẽ ngắt mạch với máy phát điện ô tô và làm ngừng quá trình sạc, tránh tình trạng ắc quy và hệ thống thiết bị điện bị quá tải, gây chập cháy.

Đó là lý do vì sao, khi xe ô tô được sử dụng thường xuyên, bình ắc quy sẽ luôn được sạc đầy năng lượng điện. Nhưng nếu chỉ 1 đêm quên tắt đèn pha hay đèn trong khoang lái, ắc quy ô tô có thể bị suy kiệt đến mức xe không thể nổ máy. Nếu xe để lâu một chỗ không dùng đến như dịp đại dịch Covid 19 bùng nổ, điện năng lưu trữ trong bình ắc quy cũng bị tiêu hao và yếu đi do xe vẫn có những trang bị tiêu thụ điện trong khi không có nguồn sạc bù vào.

ac quy.jpg
Ắc quy của xe có thể gặp vấn đề nếu bộ điều chỉnh điện áp của máy phát điện ô tô bị lỗi.

Như vậy, nếu không có bộ điều áp, dòng điện được sinh ra tự do theo tốc độ quay của động cơ, điện áp đầu vào lớn sẽ khiến hệ thống điện trên ô tô bị quá tải, dẫn tới hư hỏng chập cháy. Khi bộ điều áp bị hỏng, toàn bộ hoạt động của máy phát điện sẽ bị trục trặc theo.

Trên thực tế, các dấu hiệu hư hỏng máy phát điện rất dễ nhận biết. Ngoài các yếu tố trực quan trong vận hành lái xe, khi điện áp có bất thường, đèn báo ắc quy sẽ bật sáng liên tục để cảnh báo dù xe đã di chuyển. Đây là lúc người dùng cần kiểm tra xe.

Theo các chuyên gia sửa chữa ô tô, người dùng có thể sở hữu riêng một bộ dụng cụ chuyên dụng là đồng hồ đo điện áp vạn năng (vôn kế) để kiểm tra điện áp của ắc quy, chủ động tránh các hư hỏng lớn. Trên thị trường, vôn kế có giá dao động từ 700 nghìn đến 2,5 triệu đồng/chiếc.

dong-ho-do-dien-nang-1.webp
Đồng hồ đo điện năng (ảnh: Theo danchoioto)

Bước 1, hãy kiểm tra ắc quy trong tình trạng tắt máy. Gắn vôn kế vào ắc quy và đọc thông số. Nếu điện áp thấp hơn 12V thì nghĩa là bình ắc quy yếu, cần sạc bình và đo lại điện áp sau khi sạc. Nếu điện áp quá cạn kết nghĩa là bình ắc quy đã hết hạn sử dụng, cần thay mới. Trên thị trường, giá bình ắc quy ô tô trung bình từ 900 nghìn đến 3 triệu đồng tùy loại. Nếu điện áp ắc quy lớn hơn 12V, chuyển qua bước kiểm tra tình trạng máy phát điện khi xe hoạt động.

Bước 2, nổ máy và bật tất cả các thiết bị điện trên xe như điều hoà xe, đèn pha, hệ thống giải trí..., đồng thời, đạp ga cho vòng tua máy tăng lên tầm 2.000 vòng/phút để nóng máy. Nếu điện áp trên vôn kế đo được lớn hơn 12V, dao động từ 13,5- 14,5V thì máy phát điện ô tô bình thường. Nếu lớn hơn 14,5V, chứng tỏ bộ điều áp của xe có vấn đề, không hoạt động. Nếu thấp hơn, chứng tỏ máy phát điện đang bị hỏng, cần kết hợp cùng việc kiểm tra các thiết bị điện như đèn, điều hòa,… để xác định nguyên nhân gốc.

Nguyên nhân khiến máy phát điện hỏng còn có thể do dây đai, dây puly trục máy và các ổ trục bị hỏng; cuộn rotor, stato bị đứt mạch; chổi than bị kênh, lò xo chổi than bị xuống cấp... Đây là các hỏng hóc lớn, người dùng cần thực hiện sửa chữa tại các gara để được khắc phục triệt để. Giá thay mới máy phát điện dao động khoảng 10 triệu đồng.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!