"Hôn nhân cuối tuần": Kết hôn không sống chung, ai ở nhà nấy nhưng tại sao lại được vợ chồng trẻ lựa chọn?
Gia đình - Ngày đăng : 08:24, 16/01/2024
Dù lựa chọn cách thức vận hành nào với hôn nhân thì khi cả vợ chồng có sự đồng thuận, hai bên sẽ hạnh phúc. "Hôn nhân cuối tuần" là một hình thức mới nhưng đã có nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn.
Nó có nghĩa hai vợ chồng sẽ ở nhà riêng của mình ngay cả sau khi cưới và thoải mái bận rộn với công việc, cuộc sống riêng. Họ sẽ chỉ ở với nhau vào cuối tuần hoặc ngày lễ.
Ở Anh, 1/4 người trưởng thành chọn cuộc sống như thế và nó không bao gồm những người gặp khủng hoảng hôn nhân.
Tại Hoa Kỳ, số người chọn hôn nhân xa cách như vậy cũng tăng từ 6% năm 1980 lên 13% vào năm 2018.
Ở Nhật Bản, thậm chí tình hình còn nghiêm trọng hơn.
Theo khảo sát của đài truyền hình Nippon, 56% giới trẻ Nhật Bản bày tỏ rằng sẵn sàng thử "hôn nhân cuối tuần", đặc biệt là những cặp đôi làm việc ở nơi khác hoặc có công việc bận rộn.
Họ tin rằng hôn nhân kiểu này có thể duy trì hiệu quả thói quen sinh hoạt của bản thân, đồng thời tránh được những xích mích do việc chung sống gây ra.
"Hôn nhân cuối tuần" khiến mối quan hệ tốt hơn?
Tôi có một người bạn tên Hương và chồng tên Hải, họ lựa chọn kiểu hôn nhân chỉ gặp nhau mỗi tuần một lần. Hương làm giáo viên, hằng ngày thức dậy vào 6 giờ và đến trường lúc 7 giờ sáng. Hải là giám đốc thiết kế của một công ty. Khi có dự án, anh thường xuyên tăng ca và đến nửa đêm mới về nhà.
Đây thực sự là một điều tra tấn với Hương khi cô cần dậy sớm và rất khó ngủ. Vậy nên Hải về nhà, chỉ cần đóng mở cửa cũng khiến cô bị đánh thức.
Cộng với áp lực công việc, Hương mắc chứng lo âu nhẹ. Cả hai đã cãi vã vì lịch trình làm việc và thói quen sinh hoạt. Sau một thời gian, họ đều cảm thấy kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần.
"Cho dù không hạnh phúc với nhau thì chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc ly hôn, bởi vì chúng tôi vẫn còn yêu nhau, và chưa ai phạm phải sai lầm nào về mặt nguyên tắc. Ly hôn như thế này thì thật đáng tiếc. Chúng tôi đã suy nghĩ về cách khắc phục tình trạng "khác biệt" này", Hương chia sẻ.
Sau đó, họ lựa chọn mô hình "hôn nhân cuối tuần". Ban đầu Hương cũng lo sợ tình cảm sẽ nhạt phai nhưng chất lượng giấc ngủ kém và tình trạng lo lắng ngày càng trầm trọng khiến họ quyết định thử. Sau đó, cô chuyển vào kí túc xá của trường còn Hải vẫn sống ở căn nhà thuê trước đó.
Cặp đôi thống nhất sẽ trò chuyện video mỗi ngày và chúc ngủ ngon nhau trước khi đi ngủ.
Sau 2 tuần áp dụng hình thức này, vấn đề suy nhược thần kinh của Hương đã thuyên giảm. Cô ngủ đúng 10 giờ mỗi ngày và thức dậy tự nhiên vào 6 giờ sáng.
Có thời gian, cô thậm chí còn cố gắng dậy sau 5 giờ sáng để tập Pilates và đã giảm được 6 kg trong một tháng. Trạng thái tinh thần tổng thể của cô được cải thiện.
Bản thân Hải cũng như vậy, suốt một thời gian dài, anh bị gánh nặng tâm lý khi đi về muộn đánh thức vợ dậy. Bây giờ, anh đã thoải mái hơn ngay cả phải làm thêm giờ. Cả hai lại càng háo hức hơn với những cuộc hẹn hò cuối tuần. Họ dắt tay ra ngoài ăn đồ ăn ngon rồi cùng xem phim. Hương cũng không lo lắng việc bị đánh thức vào ban đêm bởi hôm sau là cuối tuần, cô có thể ngủ thoải mái. Đây có lẽ là một trường hợp thành công với hình thức hôn nhân này.
Tại sao lựa chọn "hôn nhân cuối tuần?"
Susan Brown - một chuyên gia tâm lý hôn nhân cho rằng có nhiều lí do khiến giới trẻ chọn hình thức hôn nhân này, chủ yếu ở 2 yếu tố.
1. Yếu tố bên ngoài
Một số cặp vợ chồng lựa chọn sống xa nhau vì họ hài lòng hoặc cần công việc hiện tại, khó lòng từ chức được.
Một số người vì tài chính không khá giả nên chọn sống cùng gia đình bố mẹ đẻ và gặp nhau vào cuối tuần. Điều này không cỉ giúp tiết kiệm chi phí thuê, mua nhà mà còn lo được cho bố mẹ và gia đình của mình.
2. Yếu tố bên trong
Để dyt trì lối sông lí tưởng, một số cặp đôi không muốn thay đổi vì hôn nên nên sẽ tìm cách cân bằng giữa cuộc sống tự lập và cam kết tình cảm.
Họ cho rằng khoảng cách mang đến vẻ đẹp và nếu sống chung với nhau lâu sẽ sinh ra "hiện tượng ếch" (tức là trước khi cưới sẽ là hoàng tử, sau khi cưới lại biến thành ếch", dễ dàng phá dỡ bộ lọc về đối phương. Bởi vậy sống xa nhau có thể giúp để lại ấn tượng tốt đẹp.
Cặp đôi Hương Hải là điển hình của quyết định "hôn nhân cuối tuần" vì cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong.
Cả hai không bên nào muốn từ bỏ công việc hiện tại và thứ hai, không bên nào muốn thay đổi thói quen sinh hoạt.
Tuy nhiên, dù thế nào thì kiểu hôn nhân này cũng có tác động lớn đến quan niệm hôn nhân truyền thống. Nhiều người nghe xong trong tiềm thức vẫn có suy nghĩ: Sau khi kết hôn mà không sống chung thì có còn gọi là kết hôn không?
Tuy nhiên, đối với giới trẻ bây giờ, hôn nhân sẽ phát triển theo những quan niệm rất khác.
Có một câu trong cuốn sách tâm lý "Intimacy" như thế này:
"Người bạn đời ở đây để giúp bạn hiểu bản thân mình hơn, chữa lành vết thương lòng và cuối cùng giúp tìm thấy con người thật của bạn".
Những quan niệm trước đây cho chúng ta biết rằng mặc dù hôn nhân mang lại sự đồng hành nhưng nó cũng có nghĩa là thỏa hiệp và từ bỏ phần lớn thói quen bản thân vì mối quan hệ.
Nhưng "Hôn nhân cuối tuần" cho chúng ta biết rằng sau khi kết hôn bạn không cần phải thỏa hiệp quá nhiều. Bạn cũng không cần phải hy sinh quá nhiều vì hạnh phúc và giá trị của bản thân mới là quan trọng nhất.
Tình yêu không tiêu tan chỉ vì quan điểm sống mới
Về hiện tượng "kết hôn cuối tuần", Giáo sư Li Weimin, chuyên gia tâm lý xã hội tại Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), đã đưa ra lời giải thích:
"Sự xuất hiện hiện tượng các cặp đôi cuối tuần minh chứng cho một vấn đề: Con người có một cách hiểu mới về ý nghĩa của quan hệ hôn nhân và cuộc sống mà họ nên có với nhau sau khi đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân cũng có thể là một loại hợp đồng, sống thế nào chính là nội dung của bản hợp đồng đó".
Nhiều người cho rằng cặp đôi cuối tuần là một hiện tượng xen kẽ "giữa hôn nhân và không hôn nhân". Họ cho rằng nguyên nhân là do "sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa vợ và chồng trong gia đình đang suy yếu".
Tuy nhiên, giáo sư Li cảm thấy hiện tượng này là tự nhiên và bình thường, không nhất thiết liên quan đến sự độc lập tài chính của hai vợ chồng: " Nguyên nhân chính là quan niệm của mọi người đã thay đổi và họ không muốn phục tùng nhau về mặt tư tưởng.
Trong quan hệ hôn nhân truyền thống, người ta không nhận ra rằng lối sống tương ứng là có thể thay đổi. Họ theo một khuôn mẫu duy nhất là ngày đêm ở bên nhau và thành thật với nhau, nghĩ rằng vợ chồng là như vậy.
Thực chất, quan hệ hôn nhân chỉ là một hợp đồng. Việc tách lối sống khỏi hợp đồng hôn nhân chính là kết quả của việc người ta xem xét lại nội hàm và chất lượng của hôn nhân".
Dù vậy, phải nói thêm rằng dù "hôn nhân cuối tuần" mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng không có cách nào tránh khỏi hoàn toàn những tranh chấp trong hôn nhân. Và chúng ta cũng không được mù quáng thực hiện theo nó, hãy dựa vào tình hình thực tế chung trong cuộc sống của bạn. Bởi vậy, rất khó để đưa ra kết luận rõ ràng về hình thức hôn nhân này. Bởi vậy mới nói, chỉ cần hai bên hiểu nhau và đối xử chân thành thì dù sống theo cách nào, tình yêu cũng không tiêu tan.
Theo Phụ nữ mới