Quân sự thế giới hôm nay (15-1): Pakistan thử tên lửa tầm xa Fatah-II, Nga huấn luyện đêm với trực thăng săn ngầm Ka-27
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:17, 15/01/2024
* Trực thăng săn ngầm Ka-27 của Nga huấn luyện đêm
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các thành viên của Trung đoàn trực thăng săn ngầm thuộc Hạm đội phương Bắc đã tiến hành huấn luyện bay đêm trên vùng biển và bờ biển Vịnh Kola với sự tham gia của trực thăng tìm kiếm cứu nạn và săn ngầm Ka-27.
Các bài tập huấn luyện đêm giúp phi công tăng cường khả năng điều hướng, thiết lập lộ trình trên địa hình chưa được khám phá và hoạt động thực tế. Việc thực hiện các nhiệm vụ này khi trời tối đặc biệt hữu ích trong việc đảm bảo rằng các phi công có thể thực hiện nhanh chóng và thành thạo các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu thực tế.
Trực thăng săn ngầm Ka-27. Ảnh: Sergei Malgavko |
Trọng tâm chính của các buổi huấn luyện là nâng cao kỹ năng huấn luyện bay và ứng dụng chiến đấu của phi hành đoàn. Các bài tập cũng được điều chỉnh để nâng cao năng lực chuyên môn, từ đó nâng cao hiệu suất tổng thể của từng thành viên phi hành đoàn.
Trực thăng Ka-27 được thiết kế để tác chiến chống ngầm, đồng thời đảm nhiệm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Trực thăng Ka-27 có hệ thống cánh quạt đồng trục, tầm hoạt động 800km. Phạm vi này có thể được mở rộng khi sử dụng bình nhiên liệu bổ sung. Trực thăng đạt độ cao tối đa khoảng 5.000m, tốc độ tối đa 250km/giờ.
Đáng chú ý là trực thăng Ka-27 có thể được triển khai từ boong tàu, ngay cả khi biển động và trong điều kiện thời tiết bất lợi. Trực thăng được trang bị sonar và máy dò từ tính để phát hiện tàu ngầm và một tời cứu hộ để tìm kiếm và cứu nạn.
Về vũ khí, trực thăng săn ngầm Ka-27 có thể mang theo bom chìm, ngư lôi và tên lửa chống hạm.
* Pakistan thử nghiệm tên lửa tầm xa nội địa Fatah-II, đe dọa khả năng phòng thủ của S-400
Theo Bulgarian Military, Pakistan vừa thử nghiệm thành công tên lửa tầm xa nội địa Fatah-II có tầm bắn 400km. Vũ khí có độ chính xác cao này có thể là đối thủ đáng gờm của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.
Tên lửa tầm xa Fatah-II được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, hệ thống định vị vệ tinh và quán tính.
Tên lửa tầm xa nội địa Fatah-II của Pakistan có tầm bắn lên tới 400km. Ảnh: Mạng xã hội X |
Với độ chính xác gần như tuyệt đối, sai số dưới 10m, tên lửa tầm xa Fatah-II được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường khả năng tấn công của quân đội Pakistan vào các khu vực chiến lược và các đơn vị phòng không trong bán kính 400km.
Tên lửa tầm xa Fatah-II có thể kết hợp dễ dàng với các hệ thống tên lửa như Fatah-I, A-100, Yarmouk, và tên lửa đạn đạo chiến thuật Nasr.
Fatah-II được các chuyên gia quân sự gọi là “tên lửa quỹ đạo phẳng” khiến radar cực kỳ khó phát hiện.
Các chuyên gia trên toàn thế giới và truyền thông Pakistan cho rằng, tên lửa tầm xa Fatah-II có thể là đối thủ đáng gờm của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Theo chuyên gia Umair Aslam, tên lửa tầm xa Fatah-II sẽ là sự bổ sung quan trọng cho kho vũ khí quân sự của Pakistan.
* Năm 2024, Serbia sẽ chi thêm gần 740 triệu euro để mua sắm thiết bị quân sự
Thông tin trên đã được Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết tại cuộc họp báo tại khuôn viên Cơ quan An ninh Quân sự (VBA) gần đây.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Sarajevo Times |
Theo nhà lãnh đạo Serbia, 186 triệu euro sẽ được chi ngay để mua thiết bị và vũ khí sản xuất trong nước. Hai gói mua sắm trị giá 150 triệu và 400 triệu euro sẽ được dùng để bổ sung thiết bị và vũ khí cho lực lượng vũ trang Serbia.
Tổng thống Aleksandar Vucic cho biết, số tiền này được phân bổ cùng với khoản ngân sách 360 triệu euro để mua thêm vũ khí trước đó. Với tổng chi mua sắm trang bị và vũ khí khá lớn, đây sẽ là năm Serbia “trang bị cho mình những thứ tốt nhất, nhanh nhất và mạnh nhất”.
Theo Tổng thống Vucic, năm 2026, Serbia sẽ nhận thêm 8 pháo tự hành Nora, 81 xe bọc thép Milos, 26 xe chiến đấu bộ binh và 30 tháp pháo cho xe chiến đấu Lazar.
* Máy bay ném bom Su-24M của Ukraine được trang bị tên lửa hành trình SCALP-EG
Tập đoàn MBDA của Pháp cho biết họ chỉ mất có “vài tuần” để chỉnh sửa tên lửa hành trình SCALP-EG cho phù hợp với máy bay ném bom Su-24M của Ukraine. Thông thường, việc điều chỉnh này phải mất tới vài năm trong thời bình.
Đây không phải là lần đầu tiên tên lửa hành trình SCALP-EG được sửa đổi. Trước đó, với tên gọi MdCN, tên lửa hành trình này được thiết kế để triển khai trên các tàu khu trục và tàu ngầm.
Tên lửa hành trình SCALP-EG được đặt dưới cánh của Su-24M. Ảnh: Không quân Ukraine |
Tên lửa hành trình SCALP-EG được tập đoàn MBDA thiết kế và phát triển sau khi Mỹ từ chối thương vụ mua sắm 500 tên lửa hành trình Tomahawk trang bị cho các tàu sân bay của Hải quân Pháp năm 1998.
Dài 7m, rộng 0,5m, trọng lượng ban đầu của tên lửa hành trình SCALP-EG là khoảng 1.400kg, với đầu đạn nặng khoảng 250kg. Tên lửa có thể di chuyển với tốc độ gần 980km/giờ và phạm vi hoạt động lên tới 1.000km.
SCALP, còn được biết đến với tên Storm Shadow, là tên lửa tấn công tầm xa, phóng từ trên không, được thiết kế để chống lại các mục tiêu có giá trị cao, được bảo vệ tốt và được biết đến với độ chính xác và sức mạnh hủy diệt.
Ukraine lần đầu tiên nhận được tên lửa SCALP của Pháp năm 2022. Việc mua tên lửa này là một phần trong nỗ lực không ngừng của Ukraine nhằm hiện đại hóa quân đội và tăng cường khả năng phòng thủ.
MAI HƯƠNG(Tổng hợp)