Ngày 14/1 năm xưa: Tàu Huygens đổ bộ xuống vệ tinh Titan cách trái đất 1,2 tỷ km
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 14/01/2024
Lần đầu tiên thử nghiệm Máy bay tiêm kích MIG-17
Mẫu tiêm kích MIG-17 đầu tiên, ký hiệu SI được thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 14/1/1950 do phi công Ivan Ivashchenko điều khiển.
Theo ước tính với động cơ tương tự như của MiG-15, tốc độ tối đa của MiG-17 cao hơn 40–50 km/h, và tính năng cơ động tốt hơn ở độ cao lớn.
Sản xuất hàng loạt bắt đầu diễn ra từ năm 1951. Trong khi sản xuất, máy bay được cải tiến và sửa đổi nhiều lần. MiG-17 căn bản có nhiệm vụ chiến đấu ban ngày, được trang bị 3 khẩu pháo, được coi là hiệu quả nhất trong hoạt động chống lại máy bay địch. Nó cũng có thể được dùng làm máy bay chiến đấu-ném bom, nhưng trọng lượng bom bị coi là nhỏ so với những loại máy bay chiến đấu khác cùng thời kỳ, và nó thường mang theo thùng dầu phụ thay cho bom nhằm tăng tầm hoạt động.
Margrethe II trở thành Nữ hoàng Đan Mạch
Ngày 14/1/1972 Margrethe II (sinh ngày 16/4/1940) trở thành Nữ hoàng Đan Mạch đầu tiên kể từ năm 1412. Bà tên thật là Margrethe Alexandrine Þorhildur Ingrid, là con gái lớn nhất của Quốc vương Frederik IX và Ingrid của Thụy Điển, là nữ quân chủ thứ hai trong lịch sử Đan Mạch sau Nữ vương Margrethe I.
Bà theo học nhiều ngành khoa học xã hội: xã hội, lịch sử, khảo cổ học và có thể nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Thụy Điển, tiếng Đức
Đêm Giao Thừa 31/12/2023, Nữ vương Margrethe II tuyên bố sẽ thoái vị và nhường ngôi cho con trai là Thái tử Frederik của Đan Mạch.
Nữ phi công Marina Popovich được phong anh hùng
Ngày 14/1/2007 nữ phi công lái thử nghiệm huyền thoại người Nga Marina Popovich được Liên bang Nga trao tặng danh hiệu danh dự "Anh hùng dân tộc".
Năm 1963, bà gia nhập hàng ngũ Lực lượng Không quân Liên Xô, đảm nhiệm vị trí phi công vận chuyển. Từ năm 1964 trở đi, bà làm phi công lái thử nghiệm tại cơ sở của Viện khoa học thử nghiệm của Liên Xô.
Marina Popovich đã lái hơn 40 loại máy bay và trực thăng với tổng số 6000 giờ bay. Bà là nữ phi công đầu tiên trên thế giới vượt hàng rào âm thanh trên máy bay chiến đấu MiG-21. Do đó, giới truyền thông nước ngoài đã ưu ái gọi bà là “Quý bà MiG”. Bà đã lập 102 kỷ lục thế giới, trong đó có 10 kỷ lục trên chiếc máy bay khổng lồ AN-22.
Bà Marina Popovich còn là kiện tướng thể thao Liên Xô, Tiến sĩ khoa học kỹ thuật, hội viên Hội Nhà văn Nga. Bà nghỉ hưu năm 1984 và tập trung vào đam mê lâu năm, đó là tìm kiếm bằng chứng về sự sống ngoài Trái Đất. Bà nói đã ba lần nhìn thấy vật thể bay không xác định (UFO), lần đầu tiên năm 1962, và thu thập nhiều lời kể nhân chứng khắp thế giới.
Marina Popovich qua đời ngày 30/11/2017, thọ 86 tuổi.
-Tàu thăm dò Huygens đổ bộ xuống vệ tinh Titan của Sao Thổ
Ngày 14/1/2005, tàu thăm dò Huygens đáp xuống vệ tinh Titan của Sao Thổ, sau khi được đưa lên vũ trụ năm 1997. Sự kiện này được coi là một thành tựu khoa học vô cùng to lớn của ngành vũ trụ châu Âu.
Huygens là tàu thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) còn Titan là vệ tinh của sao Thổ, ở vị trí cách Trái Đất 1,2 tỷ km. Đây là điểm đổ bộ xa Trái Đất nhất từ trước tới nay của một tàu vũ trụ.
Huygens mang theo sáu máy đo tinh vi nhằm thu thập những số liệu về nhiệt độ, sự bức xạ, các nguyên tố hóa học, gió và mây của Titan. Tàu này được đưa lên vũ trụ từ năm 1997.
Tàu Huygens đã chấm dứt sứ mạng của mình một vài phút sau khi đổ bộ lên bề mặt của tàu Titan, nhưng những dữ liệu mà nó gửi về Trái Đất chắc chắn sẽ làm cho các nhà khoa học phải nghiên cứu trong nhiều năm.
Cho tới nay, vệ tinh Titan của sao Thổ được coi là thiên thể bí ẩn nhất của Hệ Mặt Trời. Vệ tinh Titan được nhà thiên văn học người Hà Lan Christian Huygens phát hiện năm 1655, vì vậy tàu thăm dò vệ tinh này được ESA đặt theo tên ông.
Với sứ mạng là tàu vũ trụ đầu tiên thăm dò Titan, thông qua các hình ảnh của tàu Huygens truyền về, các nhà nghiên cứu hy vọng tìm hiểu được nguồn gốc của Trái Đất vì họ cho rằng trên vệ tinh này của sao Thổ đang diễn ra những phản ứng hóa học tương tự như trên Trái Đất trước khi có sự sống cách đây hàng tỷ năm.
Toàn bộ chi phí cho chương trình nghiên cứu Titan của ESA là 2,5 tỷ euro.
-Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali từ chức và rời khỏi đất nước
Tối ngày 14/1/2011, Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia đã từ chức sau 23 năm cầm quyền và lập tức rời khỏi đất nước giữa lúc tình trạng bạo động trở nên nghiêm trọng nhất từ nhiều thập niên qua ở nước này.
Ông Ben Ali đã đáp một chuyến bay ra khỏi nước nhưng không rõ đi đâu. Quân đội đã đóng cửa phi trường và phong tỏa không phận Tunisia một thời gian ngắn trước đó.
Thời điểm ra đi, Ben Ali đã 74 tuổi và lãnh đạo Tunisia liên tục kể từ năm 1987. Hầu như ông không gặp thách thức nào về quyền lực.