Di chứng nặng nề do trẻ em chơi pháo nổ tự chế
Tin Y tế - Ngày đăng : 13:02, 13/01/2024
Theo BS.CKII Phạm Thái Sơn - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, êkíp cấp cứu vẫn đang tích cực điều trị cho em P.V.G.B. (14 tuổi) và em N.V.H. (15 tuổi) từ Đắk Lắk chuyển xuống, cả hai đều đang phải đối mặt với tình trạng đa chấn thương do nổ pháo tự chế như: Thủng nhãn cầu, dị vật nội nhãn, tổn thương thực quản, vết thương thấu ngực, thủng màng phổi hai bên, thủng ruột, rách gan cùng tổn thương nhiều khu vực khác trên cơ thể với tiên lượng nặng.
Bác sĩ đã đưa ra cảnh báo đỏ, huy động các bác sĩ chuyên khoa và hình thành nhiều đội cấp cứu để loại bỏ các mảnh vỡ thủy tinh, khâu cầm máu, thực hiện vệ sinh, và cắt lọc da hoại tử cho cả hai em.
Theo bác sĩ Sơn, qua khai thác thông từ người nhà bệnh nhân được biết, các bé đã lấy các chất phát nổ cho vào máy xay sinh tố (bằng thủy tinh) và bật máy lên khiến xảy ra vụ nổ. Từ đó, những mảnh vỡ thủy tinh văng ra găm vào nhiều bộ phận trên cơ thể của các em.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ mới có thể cứu sống được hai em.
Bác sĩ Sơn cũng lưu ý: "Cả hai em có thể phải đối mặt với nhiều di chứng sau khi hồi phục".
Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, trong vòng 12 ngày qua, đã ghi nhận có 3 trường hợp liên quan đến tai nạn pháo nổ.
Ngoài 2 trường hợp trên, vào ngày 29.12.2023, bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp trẻ 14 tuổi từ Gia Lai. Do tò mò, bệnh nhi này đã sử dụng hóa chất và xem video trên mạng để tự chế tạo pháo. Hậu quả là vụ nổ đã làm em mất một mắt và mất một phần của bàn tay phải.
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM - nhấn mạnh: "Thực tế chứng minh rằng, đa phần các trẻ gặp tai nạn là do dễ dàng tiếp cận chất nổ. Vì vậy, chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp chất nổ từ thị trường, và gia đình cần phải chủ động kiểm soát con em mình để ngăn chặn tình trạng tai nạn pháo nổ".