Bị cáo Nguyễn Thành Danh và 'bản án không trừng phạt'
Nhịp sống - Ngày đăng : 00:01, 13/01/2024
Trong đó đáng chú ý nhất là bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu giám đốc CDC Bình Dương. VKS nhận thấy ông Danh có nhân thân tốt, là công dân ưu tú, không hưởng lợi nên đề nghị miễn TNHS.
Sau khi nghị án, HĐXX cho biết đã áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với ông Nguyễn Thành Danh. Trong bối cảnh dịch bệnh, khi đến tuổi nghỉ hưu, ông Danh đã ở lại cương vị công tác, sát cánh chống dịch.
Ông Danh có hành vi sai phạm nhưng dám nghĩ dám làm, vì sức khỏe đồng bào, không tư lợi cá nhân, nhiều lần cảnh tỉnh bị cáo cấp dưới. Xem xét tất cả các yếu tố này, HĐXX quyết định cho ông Danh được miễn trách nhiệm hình sự.
Bốn ngày trước đó, sau khi trình bày những lập luận pháp lý bảo vệ bị cáo Danh, luật sư Nguyễn Thành Công nhấn mạnh trong vụ án này, bị cáo Danh có điểm đặc biệt, từ chối nhận tiền không chính đáng, đó là người chính trực, liêm khiết.
Luật sư nói: "Đây là điểm son của vụ án này, người có thể từ chối đồng tiền là không phải dễ dàng. Tôi xem đây là một nhân cách đáng kính trọng".
Luật sư nói ông Danh là trường hợp vô cùng đau xót. Ông Danh xin nghỉ hưu trước hạn nhưng rồi đồng ý tiếp tục ở lại chống dịch. Vì không muốn ở lại tham gia đấu thầu nên ông Danh xin tham gia vào tuyến đầu chấp nhận nguy hiểm.
Nhưng nghiệt ngã là ngày nhận quyết định nghỉ hưu, ngày 1/1/2022 cũng là ngày ông nhận quyết định khởi tố bị can.
Kết thúc phần bào chữa, luật sư nói: "Ông Danh khó khăn không chùn bước, tiền bạc không thể lung lay, điều này VKS đã nhìn thấy rõ, xin HĐXX xem xét thấu tình cho ông Danh được miễn trách nhiệm hình sự".
Quyết định miễn trách nhiệm hình sự với ông Danh là cả một quá trình suy xét, chỉ đạo, thống nhất chủ trương và vận dụng chủ trương, pháp luật của Đảng, của cơ quan tiến hành tố tụng và sự đấu tranh bảo vệ của luật sư trong vụ án này.
Một năm trước, chiều 12/1/2023, tại cuộc họp do Ban Nội chính Trung ương tổ chức thông báo kết quả Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết: Về chủ trương phân loại xử lý các đối tượng trong vụ án xảy ra tại công ty Việt Á, Bộ Chính trị đã có kết luận phân hóa xử lý về mặt kỷ luật Đảng.
Còn về xử lý pháp luật, Thường trực Ban chỉ đạo đã có thông báo số 134 (ngày 10/1/2023) về đường lối phân hóa xử lý đối với các đối tượng vi phạm pháp luật trong vụ án này. Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào đường lối xử lý để có sự phân hóa, đối tượng nào xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đối tượng nào thực hiện theo chính sách giảm nhẹ hoặc không xử lý.
Qua các chia sẻ trên mạng xã hội, có thể thấy việc miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) với bị cáo Nguyễn Thành Danh được dư luận quan tâm và đồng cảm cao độ. Người dân rất sâu sát và công bằng: Căm phẫn tột độ với những hành vi tham nhũng, đặc biệt là với hành vi của những người có chức năng chỉ đạo và tổ chức chống dịch lại lợi dụng tình thế gian nan của đất nước, của người dân do dịch bệnh để tham nhũng, tư túi.
Nhưng dư luận cũng công bằng với những người ngay thẳng, vô tư chẳng may phạm sai lầm khi chống dịch. Vì thế, bên cạnh trừng trị cái ác, thì việc miễn trách nhiệm hình sự cho ông Danh là một điểm sáng nhân văn của phiên tòa.
Về pháp luật, phân hóa tính chất nguy hiểm của các bị cáo trong vụ án hình sự ghi dấu một quá trình phát triển về pháp điển hóa và vận dụng pháp luật của Việt Nam, gồm cả phân hóa trong xây dựng pháp luật và phân hóa trong vận dụng pháp luật. Nó bắt nguồn từ nguyên tắc: Chế tài hình sự phải phù hợp, tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi; phải phù hợp với các tình tiết liên quan đến hành vi và nhân thân người phạm tội.
Khi xây dựng luật, người ta đã phân hóa thành ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Còn về các tội phạm, có thể nhìn vào một dẫn chứng ở các tội về kinh tế. Bộ Luật Hình sự năm 1985 có 20 cấu thành tội phạm về kinh tế thì đến BLHS năm 1999 có 28 cấu thành và đến BLHS 2015 là 46 cấu thành.
Trong khoa học hình sự, quy định về loại hành vi có mức độ nguy hiểm không đáng kể nhằm phân định rõ ranh giới của tội phạm và không phải tội phạm. Khoản 2 Điều 8 của BLHS 2015 xác định những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Ở đây, ranh giới giữa tội phạm với không phải là tội phạm không phải là dấu hiệu của một hành vi bị pháp luật hình sự cấm, mà là mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó.
Trường hợp ông Danh, nó còn là nhân thân người phạm tội. Luật sư, HĐXX và đại diện VKS đã soi thấu cả một quá trình sống, cống hiến và tinh thần chống dịch vì dân của ông Danh, cả việc từ chối đồng tiền không chính đáng...
Bản án không chỉ mang lại lẽ công bằng mà còn tôn lên được những giá trị chung của xã hội. Bản án dành cho một bị cáo nhưng không có sự trừng phạt này khiến mỗi người xúc động và tin tưởng hơn vào công lý.
Tác giả: Nhà báo Đức Hiển công tác tại báo Pháp luật TPHCM với hơn 25 năm trong nghề.