Đấu thầu được gần 55% mặt hàng, Đà Nẵng vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:34, 12/01/2024

Mặc dù ngành Y tế TP Đà Nẵng đã nỗ lực trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc để phục vụ công tác điều trị cho người bệnh, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế do nhiều gói thầu chưa hoàn thành xong hoặc không có nhà cung ứng tham gia thầu.
Đấu thầu được gần 55% mặt hàng, Đà Nẵng vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế
Đà Nẵng vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: Thùy Trang

Ngày 12.1, tại hội nghị tổng kết ngành Y tế công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, ông Võ Thu Tùng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết, trong năm 2023, ngành Y tế thành phố đã hoàn thành gói thầu cung cấp bổ sung thuốc năm 2022 - 2023 với 422 loại thuốc và giá trị gói thầu trên 297 tỉ đồng.

Sở Y tế đã xây dựng phương án đấu thầu thuốc tập trung, danh mục thuốc đấu thầu tập trung 2024 – 2025, điều tiết các thuốc đã trúng thầu năm 2021 - 2023 giữa các cơ sở y tế tham gia đấu thầu tập trung; xây dựng tiến độ đấu thầu cung cấp thuốc 2024 – 2026, rà soát để hoàn chỉnh, bổ sung dự trù nhu cầu thuốc áp dụng đàm phán giá năm 2023.

Ngành Y tế Đà Nẵng cũng thực hiện thẩm định và phê duyệt kế hoạch các gói thầu mua sắm bổ sung 11 gói thầu, 267 loại thuốc, trị giá hơn 174 tỉ đồng. Về trang thiết bị, Sở Y tế đã có 232/256 gói thầu đã hoàn thành, đạt 90,62%.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhìn nhận, ngành Y tế TP Đà Nẵng vẫn gặp khó khăn trong mua sắm thuốc do gặp vướng mắc trong việc lập đơn giá kế hoạch (Sở Y tế đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Y tế); công tác dược lâm sàng, nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tổng số gói thầu ngành Y tế TP Đà Nẵng thực hiện đạt 90,62% với số mặt hàng thực hiện được là 6.364 mặt hàng nhưng mới chỉ trúng thầu 3.448 mặt hàng, đạt tỉ lệ 54,17%.

Sở Y tế lý giải, nguyên nhân là do nhiều gói thầu đang trong quá trình thực hiện (1.900 mặt hàng) và một số mặt hàng không có nhà thầu tham dự dẫn đến huỷ thầu phải tổ chức đấu thầu lại (996 mặt hàng), chiếm 22,4%.

Điều này dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra cục bộ, tạm thời tại một số đơn vị. Cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng không kịp thời dẫn đến tỉ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ chưa đạt chỉ tiêu.

Tham dự hội nghị, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – nhìn nhận, một số nội dung quy định trong Luật Khám chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Giá… trong y tế đang gặp nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, ngành Y tế và các cơ sở y tế cần nỗ lực để có những phương án, giải pháp khắc phục trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.“Tôi đề nghị ngành Y tế thành phố triển khai các văn bản hướng dẫn về khám chữa bệnh có hiệu lực từ năm 2024; tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến về các luật sửa đổi sắp tới như luật về bảo hiểm y tế, về dược, có kế hoạch triển khai các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành về cơ chế đặc thù cho cán bộ dân số, dự phòng, đào tạo ê kíp chuyên sâu…

Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan cần hỗ trợ Sở Y tế ban hành sớm định mức kinh tế kỹ thuật cho khám chữa bệnh, sửa chữa trang thiết bị y tế. Đây là 2 vấn đề đang rất vướng của các đơn vị y tế mà nếu chờ Trung ương thì sẽ rất lâu nên địa phương phải chủ động. Xây dựng được 2 quy định này, các cơ sở y tế mới yên tâm làm việc.

Đặc biệt, ngành Y tế vẫn cần tập trung giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, kiểm soát các dịch bệnh. Thành phố cũng sẽ có ý kiến với Bộ Y tế để sớm tham mưu Chính phủ có những quy định tháo gỡ khó khăn trong vấn đề đấu thầu, mua sắm” – ông Cường nói.

THÙY TRANG