Sạt lở ăn sâu hơn 10m, ngôi đền thiêng nổi tiếng Hà Tĩnh dừng mọi hoạt động
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:36, 11/01/2024
Đêm 10/1, khu vực bờ sông Minh, đoạn chảy qua khu vực đền Cả (còn có tên gọi khác là Dinh đô quan Hoàng Mười hay Mỏ Hạc Linh Từ, thuộc tổ dân phố Hầu Đền, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Đoạn sạt lở ăn sâu vào khu vực đất và các hạng mục của đền Cả với chiều dài khoảng 35m, sâu khoảng 10m.
Các hạng mục như cổng, đường vào, nền đất, sân bị "xé" toạc, đổ vỡ. Nhiều khối lượng bê tông, cây cối trôi tuột xuống lòng sông.
Nhìn từ trên cao, các vết nứt kéo dài hàng chục mét, lấn sâu vào khuôn viên, uy hiếp các hạng mục kiên cố của ngôi đền.
Trong đêm qua (10/1), chính quyền đã huy động lực lượng và máy móc đến hiện trường để di dời cây xanh và trụ cổng làm bằng đá ong của ngôi đền đến vị trí an toàn nhằm hạn chế thiệt hại.
Tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại khiến người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng.
Trong sáng 11/1, lãnh đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh cùng đại diện sở, ngành của tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp đến hiện trường bàn phương án. Chính quyền cũng chỉ đạo cắt cử lực lượng công an, dân quân túc trực, căng dây và biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, cho biết đền Cả được xây dựng tại vị trí trên bãi bồi ngoài bờ đê La Giang, bên bờ sông Minh nên nền đất yếu.
Trong đợt mưa lũ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023, mực nước trên sông lớn, khu vực này sau đó có dấu hiệu sạt lở. Đến đêm 10/1, tình trạng sạt lở, sụt lún tiếp tục xảy ra.
"Chúng tôi đã chỉ đạo tạm dừng mọi hoạt động tại đền Cả. Về nguyên nhân, các sở, ngành chuyên môn đã đến kiểm tra và đang làm rõ", ông Hùng nói.
Theo tư liệu lịch sử và truyền ngôn, đền Cả (hay còn có tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười hoặc Mỏ Hạc Linh Từ) được hình thành cách đây trên 800 năm, vào thời nhà Lý.
Đền được xây dựng trên bãi bồi ngoài đê La Giang. Đây là nơi giao nhau giữa sông Lam, sông La và sông Minh. Công trình thờ tự này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Do nằm ngoài đê, đền Cả từng nhiều lần bị mưa lũ tàn phá.
Đến năm 2014, chính quyền và người dân địa phương đã khôi phục lại các hạng mục của ngôi đền nổi tiếng linh thiêng này.