Chuyển dịch từ thanh tra sang giám sát, sử dụng công nghệ
Cuộc sống số - Ngày đăng : 16:28, 11/01/2024
Sáng ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Thanh tra Bộ TT&TT. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.
Nhiều đổi mới trong hoạt động thanh kiểm tra ngành TT&TT
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TT&TT, trong năm 2023, toàn ngành đã tiến hành 218 cuộc thanh tra và 974 cuộc kiểm tra. Trong đó, Thanh tra Bộ thực hiện 661 cuộc thanh kiểm tra (chiếm tỷ lệ 55%), các Sở TT&TT thực hiện 531 cuộc (chiếm 45%).
Trong năm 2023, việc thanh tra thường xuyên chiếm 42,8%, cảnh báo sớm chiếm 14,3% và các vấn đề nóng chiếm 16,2%.
Công tác quản lý nhà nước của ngành trong năm 2023 đã có nhiều chuyển biến, nhờ đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính của toàn ngành TT&TT là hơn 11 tỷ đồng, giảm 2 tỷ đồng so với năm 2022. Số vụ vi phạm giảm, những lỗi vi phạm nặng, xử phạt số tiền lớn giảm khoảng 20% so với năm ngoái.
Hà Nội, Cao Bằng, Ninh Bình, TP.HCM là những địa phương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhiều nhất năm 2023 trong lĩnh vực TT&TT. Trong đó, 2 địa phương có số tiền xử phạt vi phạm hành chính nhiều nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Tổng số đơn thư liên quan đến ngành TT&TT giảm 40%, trong đó lĩnh vực báo chí giảm khoảng 15%.
Chia sẻ một số đánh giá, nhận định, Chánh Thanh tra Nguyễn Thành Chung cho hay, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT, các điểm nóng vi phạm đã được giảm bớt. Các Sở TT&TT hiện đã nhận thức rõ về trách nhiệm, thẩm quyền của mình nên không còn tình trạng đùn đẩy. Tuy nhiên, vẫn còn chưa “đều tay” trong việc xử lý vi phạm.
Ngành TT&TT cũng đã có nhiều đối mới trong công tác thanh kiểm tra. Năm 2023 là năm đầu tiên kiểm tra về “tư nhân hóa “báo chí, cũng là năm đầu tiên thanh kiểm tra, chỉ rõ các vi phạm về việc đảm bảo an toàn thông tin, các nguy cơ về quản lý, sử dụng thông tin người dùng không đúng mục đích.
Thanh tra Bộ cũng đã thành lập các tổ công tác, tư vấn cho các Sở TT&TT với hơn 215 lượt hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ trong kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Kỷ cương, nghiêm minh trong đấu tranh, xử lý vi phạm tiếp tục được giữ vững với nhiều vụ điểm.
Thanh tra để ngành tốt lên
Đánh giá về kết quả công tác của Thanh tra Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Năm 2023 và một vài năm gần đây, khối lượng công việc của Thanh tra Bộ tăng lên đáng kể. Thanh tra Bộ đã làm mạnh, khá tốt, khá triệt để, một số lĩnh vực tốt lên, giải quyết đơn thư của công dân khá tốt. Anh em đoàn kết, hợp lực hơn, sự thay đổi vừa qua là rõ nét”.
Trong 10 năm tới, Thanh tra ngành TT&TT cần thực hiện nhiều chuyển dịch. Trong đó, chuyển dịch quan trọng là chuyển từ thanh kiểm tra sang giám sát, bởi chỉ có giám sát mới phát hiện sớm vấn đề để cảnh báo, để bảo vệ cán bộ. Giám sát ở đây là bằng công nghệ, hệ thống.
Theo Bộ trưởng, mục tiêu cuối cùng của thanh tra là phải làm cho ngành mình tốt lên và không có sai phạm, thay vì lập được bao nhiêu đoàn thanh tra, xử phạt được bao nhiêu tiền. Muốn quản lý được thì phải có bức tranh đầy đủ về ngành, lĩnh vực.
Thanh tra Bộ cần phải làm việc với các đơn vị trong Bộ và phải có số liệu về lĩnh vực. Đừng chỉ nhìn vào số đợt thanh tra mà phải đo sự tốt lên của lĩnh vực.
“Mình hay nói một bộ phận phóng viên bị tha hóa. Nhưng điều này phổ biến hay không phổ biến, là 1 phần nghìn hay 5%? Nếu không có số liệu mình sẽ không biết đâu là chính, là phụ. Thanh tra Bộ phải bàn với các Cục, Vụ xem các lĩnh vực tốt lên thì cần nhìn vào chỉ số gì, nhìn vào đấy để thấy mình đang làm đúng hay không” – Bộ trưởng yêu cầu.
Theo Bộ trưởng, cần phải nhìn nhận yếu tố nào tác động đến các doanh nghiệp, từ đó có biện pháp xử lý, “Các doanh nghiệp sợ bị ảnh hưởng thương hiệu hơn nộp phạt, vì thế kết luận thanh tra cần được báo chí truyền thông để các doanh nghiệp vi phạm biết sợ,để tuân thủ tốt hơn”.
Cách làm mới, nhận thức mới tạo ra nhiều giá trị
Chia sẻ với lãnh đạo và cán bộ, công chức Thanh tra Bộ TT&TT, Bộ trưởng mong muốn đơn vị này trong năm mới cần có nhiều cách làm, nhận thức mới để tạo ra nhiều giá trị hơn cho ngành, cho Bộ, cho đất nước.
Với các vụ việc bên ngoài, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Thanh tra Bộ cần phải giải quyết triệt để các vấn đề nổi cộm, vụ việc nóng, làm dứt điểm, triệt để, không kéo dài từ năm này sang năm khác. Ví dụ như vấn đề báo hóa tạp chí, trang tin, sai phạm của nền tảng xuyên biên giới, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bưu chính,…
Với công việc nội bộ, Thanh tra Bộ được tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ cán bộ. Theo đó, Thanh tra Bộ cần lập một cẩm nang về những lỗi hay mắc phải, những sai phạm hay lặp lại để phổ biến tới không chỉ lãnh đạo đơn vị mà cả các cán bộ công chức, viên chức, từ đó tránh được các vi phạm.
Để giảm thiểu công việc cho lực lượng thanh tra, Bộ trưởng gợi ý việc dùng công nghệ, trợ lý ảo, phát triển hệ tri thức của ngành về các quy định pháp luật. Theo đó, không chỉ riêng lĩnh vực thanh tra, toàn ngành TT&TT sẽ hướng tới việc sử dụng công nghệ, đặc biệt là dùng AI để tăng năng suất lao động, giảm thời gian làm việc.
Theo Bộ trưởng, nghề thanh tra bây giờ trở thành nghề công nghệ, nghề phân tích dữ liệu, phát hiện dấu hiệu.Trong CMCN 4.0, đa số nghề nghiệp bị thay đổi, theo hướng tốt lên, chất lượng công việc tốt lên, mọi người làm hiệu quả hơn, đỡ vất vả hơn, nhất là khi liên quan đến số lớn.
Căn dặn lực lượng thanh tra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nghề thanh tra là một nghề khó, cần bản lĩnh, tâm lý vững vàng, hiểu rõ bản chất vấn đề.
Trước những định hướng của Bộ trưởng, thay mặt toàn thể công chức Thanh tra Bộ TT&TT, Chánh Thanh tra Nguyễn Thành Chung cam kết sẽ đoàn kết một lòng, phấn đấu nỗ lực hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ được giao phó trong năm 2024.
Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cũng khẳng định sẽ giữ vững tinh thần “Tâm sáng, lòng trong, tay sạch” mà Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ đạo.