Kỳ 2: Đi trên đôi chân của mình

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 10:00, 11/01/2024

Bên Trung Quốc, con cái các gia đình không thuộc thành phần công, nông, cán bộ, đều không được vào đại học, mà lùa hết đến các vùng nông thôn, các công, nông trường để cải tạo lao động, nên nhìn vào tương lai các con, bố phải lo cứu từng đứa. Chị Tâm sắp tốt nghiệp Đại học Sư phạm, xấu nhất thì khi ra trường chỉ bị điều đi tỉnh xa, có thể khổ một chút, nhưng cũng coi như thoát. Còn con, được anh Bảy giúp qua Liên Xô, cũng coi là thoát thêm một đứa…

Phải ba năm nữa mới đến thằng Tuấn, nhưng với điều kiện bố vẫn được an toàn. Con đừng quên vụ bố bỏ chiến khu về vùng địch vì gia đình đông con, nếu cho qua thì là chuyện nhỏ, nhưng cố ý tính tội, bố không phải là vô tội.

Anh Khôi giải thích:

- Em rất hiểu lời khuyên của anh, nhưng vì… vì đầu tháng trước, em đã lên Trung ương Đoàn ghi tên tham gia Đoàn Thanh niên Xung phong Hà Nội lên mở đường trên Lào Cai. - Thấy bố tôi và anh Bảy cùng sững sờ, anh Khôi nói tiếp. - Như vậy, ngoài ý định phấn đấu, em còn đứng trước vấn đề danh dự.

Mặt bố tôi bừng bừng, nhưng ông không to tiếng:

- Sao chuyện lớn này, con không hỏi ý kiến bố?

- Vì con biết bố sẽ không đồng ý.

Anh Bảy khẽ lắc đầu:

- Sao em vội thế? Làm đường thì tìm đâu cũng ra hàng ngàn, thậm chí, hàng vạn người, nhưng những trí thức xuất sắc thì hàng vạn, thậm chí, hàng triệu người mới có một người.

Xem thêm: Kỳ 1: 'Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh'

z5057432550780_0543124a9c424979596c1c674b24e8ce.jpg

Bố tôi không nén được tức giận:

- Ngay ngày mai, con phải lên Trung ương Đoàn xin rút tên.

Dứt lời, bố tôi đùng đùng bỏ ra ngoài sân. Trước khi ra khỏi phòng, ông còn quay lại chỉ mặt anh Khôi:

- Suốt thời gian qua, bố đã để cho con tự do vì nghĩ đó là thứ tự do hiểu biết, không ngờ lại là thứ tự do mù quáng.

Anh Bảy nói với anh Khôi:

- Bố em tức giận là đúng. Chuyện lớn này, dù biết bố không đồng tình cũng vẫn cứ phải trao đổi.

Anh Khôi ngậm ngùi:

- Em sẽ xin lỗi bố… Và em cũng xin lỗi vì đã từ chối nhiệt tình của anh. - Anh Khôi nghẹn ngào. - Thực ra, em cũng chưa ghi tên đi Thanh niên Xung phong ở Trung ương Đoàn… Trên tất cả, chỉ là em muốn đứng và đi trên đôi chân của mình, không phải dựa vào bất cứ ai.

Anh Bảy hơi ngẩn ra, rồi nói:

- Anh hiểu rồi. Chuyện này, anh sẽ nói chuyện riêng với em sau, để chúng ta cùng tìm ra mẫu số chung.

Rồi anh đi nhanh theo bố tôi ra sân. Không rõ hai người nói với nhau những chuyện gì, một lúc lâu sau bố quay vào, nét mặt bố tôi cũng dịu đi. Anh Khôi vẫn ngồi im ở bàn nước. Có lẽ cố ý chờ bố tôi vào để chịu trận.

Bố tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện:

- Lúc nãy, con nói con hiểu bố là hiểu thế nào?

- Bố là một tấm gương về sự hiểu biết và nhân cách, chúng con cần phải học tập rất nhiều.

Bố tôi cố dịu giọng:

- Thế là con biết một mà không biết mười. Con có biết tại sao năm 1955, tỉnh Phúc Yên có công văn mời bố về nhận lại ruộng đất ở Lập Chí từng bị Pháp chiếm làm vành đai trắng, nhưng bố đã làm văn bản hiến hết cho chính quyền, dù đó là đất ba đời nhà mình lập ấp làm nên, phải đổ bao nhiêu mồ hôi, sôi bao nhiêu nước mắt mới có không?

- Chuyện này con không biết.

- Nhưng con biết chuyện năm 1956 bố bán nhà ở Trần Nhật Duật để đi ở nhà thuê, trả môn bài kinh doanh tạp hóa của cô, trong khi thời buổi kinh tế ngày một khó khăn và đó là nguồn sống rất quan trọng của gia đình đông con như nhà mình không?

- Thưa, con biết.

- Nhưng chắc chắn con không biết tại sao. Bố không nói, làm sao con biết. Giờ bố nói để con rõ. Hồi ở chiến khu Việt Bắc những năm 1947 - 1949, bố ở Cục Quân dược, phụ trách việc thu mua và nhập dược liệu từ Quảng Tây, Vân Nam về cho xưởng chế biến thuốc của Bộ Quốc phòng, nên nhiều lần sang Trung Quốc, thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thắng thế trước Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Bố đã sớm thấy tấn bi kịch nặng nề về sự kỳ thị tầng lớp tư hữu tài sản.

z5057433831535_67491465664e03b2bdb8332ad78d4d77.jpg

Anh Khôi đã phần nào trấn tĩnh trước sự mềm mỏng của bố:

- Con nghe các anh tuyên huấn nói, ở Việt Nam, nếu có ảnh hưởng cũng chỉ nhất thời.

- Nhất thời là bao lâu? Cải cách ruộng đất, và bây giờ đang bắt đầu cải tạo tư sản... Chắc chắn cái nhất thời đó không chỉ diễn ra một ngày hay một tháng. Nhưng nếu chỉ một ngày, mà ngày ấy rơi trúng nhà mình thì sao?

Anh Khôi ngồi im.

- Bên Trung Quốc, con cái các gia đình không thuộc thành phần công, nông, cán bộ, đều không được vào đại học, mà lùa hết đến các vùng nông thôn, các công, nông trường để cải tạo lao động, nên nhìn vào tương lai các con, bố phải lo cứu từng đứa. Chị Tâm sắp tốt nghiệp Đại học Sư phạm, xấu nhất thì khi ra trường chỉ bị điều đi tỉnh xa, có thể khổ một chút, nhưng cũng coi như thoát. Còn con, được anh Bảy giúp qua Liên Xô, cũng coi là thoát thêm một đứa… Phải ba năm nữa mới đến thằng Tuấn, nhưng với điều kiện bố vẫn được an toàn. Con đừng quên vụ bố bỏ chiến khu về vùng địch vì gia đình đông con, nếu cho qua thì là chuyện nhỏ, nhưng cố ý tính tội, bố không phải là vô tội.

Anh Khôi tiếp tục ngồi im, nhưng nước mắt đầm đìa.

Không khí trong nhà tôi từ hôm đó hết sức nặng nề. Nhưng cũng từ hôm đó, chuyện anh đi Thanh niên Xung phong chỉ có anh bàn với bố, thỉnh thoảng có thêm chị Tâm và anh Bảy Dương, không diễn ra trước mặt trẻ con, nên tôi không biết thế nào. Chỉ biết cuối cùng anh Khôi vẫn đi.

Anh lên đường ở trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, 64 Bà Triệu, chỉ có chị Tâm, anh Bảy Dương và phút cuối cùng, người không ai ngờ là anh Bích cán bộ Ban Cải tạo Công Thương nghiệp thành phố, cán bộ miền Nam tập kết, cựu thành viên nông trường Xuân Mai, rất thân với bố tôi, đến tiễn. Tôi với thằng Vinh quá nhỏ để nhận thức đúng về giá trị cũng như có cảm xúc về sự ra đi của anh mình. Chỉ thấy anh rất kiên định về cuộc ra đi giàu sức mạnh lý tưởng, thì mình cũng ngầm đồng tình theo sinh khí của tâm lý thời thế. Chỉ đến năm tôi tốt nghiệp lớp mười, đến lượt tôi ra vùng mỏ Quảng Ninh, rồi Vinh vào Quảng Bình, kế Vinh là Hiển (con lớn của mẹ kế) vào Nghệ Tĩnh, đều là những nơi máy bay Mỹ ném bom ác liệt, hàng chục vạn tuổi trẻ cả nước thành “thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh”, mới thấy thương anh vô hạn.

First News