Sau vụ chùa Ba Vàng và xá lợi tóc: Nhiều người tin mà không hiểu
Dòng chảy - Ngày đăng : 08:51, 10/01/2024
“Thuở sơ cơ tìm hiểu về Phật pháp, có lúc chị cũng lầm đường lạc lối”, Chúc Thuận, một người bạn đạo của tôi kể.
Đó là những ngày chị mới đi chùa - ngôi chùa làng ở quê nhà Quảng Ngãi - khó khăn lắm mới có một vị thầy tu về chùa giảng pháp. Không có người giảng giải kinh - luật - luật vốn được lưu hành bằng Hán ngữ khiến chị và Phật tử quê tu tập chỉ với niềm tin, ít hiểu biết. Đó là thời điểm những năm tám mươi mấy, chín mươi.
Không hiểu hành sẽ sai
Không hiểu lời Phật dạy và bị ảnh hưởng bởi phim ảnh khiến chị có lúc bị mụ mị, nghĩ về Đức Phật với những thần thông biến hóa nhiều hơn là lối sống “tốt đời đẹp đạo” - có trong phát nguyện của tất cả những người theo tôn giáo.
“Thời đó, chị cũng không biết phân biệt đâu là Tăng Ni tu học hợp pháp ở chùa, đâu là người giả sư để trục lợi lòng tin của người dân, Phật tử”. Chị Chúc Thuận minh họa điều này bằng việc đã từng nhiều lần ủng hộ các vị giả tu sĩ đi bán nhang, thỉnh thoảng họ đi một đợt đến khắp các xóm thôn. Mỗi bó nhang vài chục ngàn, thời đó, gấp nhiều lần nhang cúng bán ngoài chợ, nhưng vì muốn “ủng hộ nhà sư, xây chùa, làm từ thiện, có nhiều phước đức”, nên chị và người dân bỏ tiền ra mua trong hoan hỉ.
Cúng dường, làm từ thiện, xây chùa không nên tính toán. Nắm bắt tâm lý này, người giả sư đã kiếm lợi từ người dân khá nhiều. “Thực ra, đến bây giờ vẫn còn hoạt động như vậy, mẹ chị vẫn hay gọi báo tin có mấy người trong hình thức tu sĩ mang nhang đến mời”, chị kể.
Cảnh giác, không nghe theo “quảng cáo” xây chùa tạo công đức vô biên của người giả sư đi bán nhang đã được lan tỏa nhiều trên truyền thông đại chúng. Giáo hội cũng đã cho biết, giả sư đi bán nhang, khất thực là vi phạm pháp luật. Báo chí - truyền thông đã phần nào giúp người dân nhận chân thật giả. Các giảng sư đăng đàn thuyết pháp nói rõ triết lý Phật giáo để người dân có tín tâm biết đúng, làm đúng cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, khi nào người giả sư vẫn thỉnh thoảng len lỏi vào xóm làng bán nhang, quyên góp xây chùa và vẫn có người sẵn lòng bỏ tiền nhiều hơn giá trị bó nhang trong sự hoan hỉ, chứng tỏ họ vẫn còn “đất sống”.
Trong buổi mạn đàm đầu năm 2024, nhân tiện tôi kể về việc hay thấy mấy người giả sư ôm bình bát đi khất thực ở ngôi chợ đường Đoàn Văn Bơ (quận 4, TP HCM) - nơi mình vẫn đi, và gặp mỗi ngày - Chúc Thuận mới nói về chuyện tin mà không hiểu.
Rõ ràng, vẫn còn có những người thấy sư giả, ôm bình bát đi trong chợ một mình, hoặc đứng ở ngã tư, ngã năm ở Sài Gòn vẫn dừng lại bỏ ít tiền vào. Chính niềm tin đơn sơ hoặc mong ước làm thiện, tích đức giản dị của người dân đã giúp cho những kẻ lợi dụng Phật pháp “sống” được.
Có những nơi, Ban Trị sự Phật giáo kết hợp công an tổ chức kiểm tra, giám sát, đã đưa ra ánh sáng nhiều người giả sư trục lợi từ chiếc y, bình bát - biểu tượng thiêng liêng của đạo Phật.
Cần có kiến thức nền về văn hóa, tôn giáo
Thực ra, ngày nay, dù thông tin khá nhiều, nhưng tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc để có thể phân biệt thật giả là việc cũng khó với đám đông. Giáo hội Phật giáo Việt Nam mặc dù đã có nhiều động thái khuyến cáo người dân nên và không nên trong thực hành tâm linh, cúng dường, làm từ thiện để tránh bị lừa đảo nhưng đôi khi tâm lý đám đông đã dẫn dắt con người đi đến “tiền mất tật mang”.
Những ngày qua, dư luận cả nước lại rộ lên việc xá lợi thật/giả được cung rước rầm rộ tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Xá lợi thật hay giả đang được Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu Giáo hội cùng cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc, vì vụ việc ít nhiều gây xôn xao, hoang mang dư luận. Thầy trụ trì Ba Vàng cũng sám hối, tuy nhiên, những ồn ào không đáng có vừa qua cho thấy nhiều người đặt niềm tin mà không hiểu.
Trong tín tâm của người Phật tử, xá lợi của Phật, các vị thánh tăng, cao tăng của Phật giáo là một trong những minh chứng biểu hiện của công phu tu tập. Tuy nhiên, người học Phật nào cũng được khuyên rằng, đừng để tín ngưỡng của mình mù quáng theo những hiện tượng “lạ”, những điều huyền bí, xa rời thực tế cuộc sống. Tín tâm với xá lợi trong tinh thần của đạo Phật là tốt nhưng đó phải là những xá lợi đã được công nhận, nhất là của Đức Phật và các vị thánh tăng.
Trong kinh điển, Đức Phật khuyên môn đồ đệ tử không sử dụng thần thông, không khiến cho quần chúng mê muội, tin mình theo kiểu mê tín. Ngài cũng dạy, đừng tin Ngài nếu không hiểu những điều Ngài nói. Theo đó, lời Phật dạy là triết lý ứng dụng để mỗi con người, chúng sinh thắp sáng trí tuệ, từ bi, chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc chứ không phải nhằm câu dụ niềm tin, bắt buộc phải tuyệt đối tin tưởng, lệ thuộc để được “ban vui cứu khổ”, “chiếu cố” trong đời sống và trước khi lìa đời.
Tin mà không hiểu hoặc lười sửa đổi bản thân trên ba phương diện (ý - khẩu - thân), tương ứng với suy nghĩ - lời nói - việc làm hằng ngày, con người ta dần chặt đứt đôi chân, cánh tay của mình để dựa vào Trời Phật, thánh thần.
Tự cứu mình, nương tựa vào sức mạnh tự thân bằng cách chiến thắng tâm xấu ác của mình mới là chiến thắng vĩ đại giúp mang lại hạnh phúc cho con người.
Rất nhiều biểu hiện mê tín, không chỉ là đi cầu cúng, giải hạn, đốt vàng mã… vốn dài tập trong đời sống văn hóa, tinh thần người dân. Do vậy, để tránh những thói quen và hành xử mụ mị của người dân, rất cần các tổ chức tôn giáo, truyền thông thông tin, minh định các giá trị, ứng xử đúng chánh pháp và luật pháp, phù hợp với đời sống văn minh, hiện đại. Từ đó, đẩy lùi những hiện tượng đầy tính kỳ dị trong đời sống mà vẫn có người “chấp mê bất ngộ”.
Nếu có chia sẻ gì đó với những người hỏi tôi về các tín ngưỡng của đạo Phật, chắc chắn tôi sẽ nói nên tìm hiểu kỹ trước khi đặt niềm tin.
Lưu Đình Long