Máy bay Boeing bung cánh cửa trên trời, sóng gió đen tối ập đến ông lớn Mỹ
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 07:44, 10/01/2024
Trong phiên giao dịch rạng sáng 9/1 (giờ Việt Nam), cổ phiếu của hãng máy bay Boeing giảm 8%, qua đó là gánh nặng đè lên chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones trong bối cảnh chứng khoán Mỹ tăng tưng bừng nhờ lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Cổ phiếu Boeing giảm mạnh sau khi hàng trăm máy bay Boeing 737 Max 9 bị đình bay tạm thời để kiểm tra an toàn sau sự cố.
Theo CNN, hôm 5/1, một máy bay Boeing 737 MAX của Hãng hàng không Alaska Airlines bay từ thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ) đến thành phố Ontario, California phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một cửa thoát hiểm giữa khoang máy bay đã bị bung ra khi đang trên không, ở độ cao gần 5.000m.
Hãng hàng không Alaska Airlines tuyên bố tạm thời ngừng khai thác 65 máy bay Boeing 737 MAX hãng này sở hữu. Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết đã bắt đầu quá trình điều tra.
Theo Reuters, United Airlines phát hiện nhiều máy bay Boeing 737 MAX 9 bị lỏng ốc vít.
Nhiều hãng cũng dừng khai thác Boeing 737 Max-9 sau sự cố. Ngoài Alaska Airlines còn có United Airlines (Mỹ), Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ)... Tới nay, Boeing đã chuyển giao hơn 200 máy bay 737 Max-9 cho các hãng bay trên toàn thế giới.
Trước đó, hồi cuối năm 2018 và đầu năm 2019, hai máy bay thuộc dòng này liên tục gặp sự cố, dẫn đến cái chết của hàng trăm người. Vào tháng 3/2019, dòng máy bay thương mại thân hẹp Boeing 737 MAX đã bị cấm bay trên toàn thế giới trong vòng 20 tháng. Cuối năm 2023, Boeing đã yêu cầu các hãng hàng không kiểm tra tất cả các máy bay thuộc dòng 737 MAX vì khả năng có một con ốc lỏng trong hệ thống bánh lái.
Như vậy, chỉ vài năm sau khi được đưa vào khai thác và được kỳ vọng là dòng máy bay mang đến doanh thu và lợi nhuận chính cho Boeing, 737 MAX đã đối mặt với nhiều vấn đề, khiến hãng rơi vào khó khăn. Vụ việc bung cửa khi đang bay trên bầu trời càng làm dấy lên lo ngại về độ an toàn của loại máy bay này.
Sau vụ tại nạn tại Indonesia (hồi tháng 10/2018) và Ethiopia (tháng 3/2019) vào đầu tháng 6/2019, trên CNN, Boeing thừa nhận một số mẫu máy bay 737 có thể có lỗi linh kiện ở cánh, ngoài lỗi phần mềm đã được xác nhận trước đó.
'Ông lớn' máy bay Mỹ bị đe dọa bởi châu Âu, Trung Quốc
Những tai nạn gần đây của 737 MAX đã ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của hãng Boeing. MAX là một chương trình rất quan trọng với Boeing trong thập kỷ mới và được ước tính chiếm trên 60% sản lượng của "ông lớn" Mỹ cho tới năm 2032.
Boeing 737 MAX là thế hệ mới trong dòng 737. Đây là phiên bản cạnh tranh trực tiếp với dòng A320neo của đối thủ Airbus từ châu Âu. Đây cũng là dòng có đơn hàng lên tới hàng nghìn chiếc, được kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn cho Boeing.
Qua sự cố mới nhất, việc giám sát chặt chẽ hơn chắc chắn sẽ xảy ra đối với Boeing, sau nhiều năm hãng cố gắng khắc phục một loạt khiếm khuyết về chất lượng. Boeing đã mất một thời gian dài để thuyết phục và đảm bảo với các hãng hàng không, nhà đầu tư... về chuỗi cung ứng và nỗ lực giải quyết các vấn đề về chất lượng.
Không chỉ lo ngại với đối thủ Airbus, Boeing còn đối mặt với sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc.
Hồi cuối tháng 5/2023, máy bay “Made in China” C919 của Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) chính thức bay thương mại chuyến đầu tiên với “rất nhiều công nghệ hiện đại”. C919 cạnh tranh với các dòng máy bay một lối đi Boeing 737 và Airbus A320 vốn là những quân bài chủ lực của ngành hàng không toàn cầu.
Sự ra mắt của C919 đánh dấu điểm khởi đầu trong việc thách thức Boeing và Airbus.
Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, nhiều quốc gia có thể tính tới C919 như một lựa chọn mới. Comac cho hay đã nhận được cả nghìn đơn đặt hàng cho C919. Bắc Kinh đặt mục tiêu C919 chiếm 10% thị phần nội địa năm 2025.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc phải mất nhiều năm nữa mới để có thể thấy được thành công nếu máy bay này hoạt động hiệu quả và an toàn.
Hiện Boeing và Airbus vẫn thống trị thị trường máy bay thế giới. Việc gia nhập vào lĩnh vực sản xuất máy bay rất khó khăn. Một số tập đoàn như Mitsubishi của Nhật Bản hay Bombardier Inc. của Canada đã thất bại với chương trình sản xuất máy bay phản lực.
C919 được cập nhật nhiều công nghệ mới nhất. Tuy nhiên, hãng Comac của Trung Quốc vẫn phải nhập nhiều bộ phận quan trọng từ nước ngoài, trong đó có động cơ và hệ thống máy bay.
Hồi cuối năm 2023, theo South China Morning Post, Comac đã tăng giá máy bay C919 lên 108 triệu USD/chiếc, cao hơn so với mức 99 triệu USD hồi năm 2022 và đắt hơn Boeing 737 MAX 7 - phiên bản có giá 99,7 triệu USD.