Bán được mảnh đất tiền tỷ, mẹ mất ăn mất ngủ vì các con kêu khó

Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 19:54, 09/01/2024

Từ ngày bán được mảnh đất hơn 1 tỷ đồng, con cái thường xuyên về nhà thăm hỏi, quà cáp cho bố mẹ. Không khí khác hẳn mấy năm về trước.

Tôi sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái. Nhiều năm, tôi phải chật vật nuôi các con khôn lớn, cũng chỉ hy vọng chúng được học hành đàng hoàng, có công việc ổn định. Vợ chồng tôi đều làm nông, chạy ăn từng bữa. Những năm tháng đó, nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ. Nhưng may mắn, con cái đứa nào cũng ý thức được sự vất vả của bố mẹ nên chăm chỉ học hành. Tuy không giỏi giang như con người ta nhưng cũng đỗ trường này, trường nọ.

Ra trường, các con phải tự lập, tự kiếm việc. Hai đứa con gái may mắn hơn vì có công việc tốt hơn các anh. Hai đứa con trai thì chật vật, lập nghiệp thất bại rồi lại chọn đi làm công, ăn lương. Lúc nào con cái chưa ổn định, trong lòng tôi còn lo lắng bộn bề.

Bán được mảnh đất tiền tỷ, mẹ mất ăn mất ngủ vì các con kêu khó-1
Tôi lo con cái nghĩ mình ích kỷ. Ảnh minh họa: Sina

Người ta bằng tuổi của vợ chồng tôi được con cái đưa đi du lịch đây đó, thậm chí được con xây nhà cao cửa rộng cho nhưng chúng tôi thì không. Hai vợ chồng vẫn ở căn nhà cấp 4 cũ, con cái chưa đứa nào biếu được bố mẹ khoản trợ cấp hàng tháng. Mọi chi tiêu trong gia đình, vợ chồng tôi vẫn phải bòn từ việc bán con gà, quà mít trong vườn.

Hai con trai lớn đã có gia đình, sống ở thành phố. Đứa thuê nhà, đứa mua nhà trả góp, chật vật từng tháng trả ngân hàng. Thương các con nhưng tôi không biết làm gì. Con gái cũng đã lấy chồng, đều có con. Chúng may mắn hơn các anh vì có công việc tốt nhưng nhà chồng cũng nhàng nhàng lại ở xa, chẳng đứa nào giúp được bố mẹ lúc ốm đau, bệnh tật. Ngày trước nghĩ có con trai sẽ ở cùng với bố mẹ nhưng khi chúng lập nghiệp, cưới vợ, tôi lại thấy ở riêng là tốt nhất.

Vợ chồng già tuy có buồn nhưng cũng được yên tĩnh, khỏi lo lắng chuyện mẹ chồng nàng dâu. Nhiều năm nay, tôi đau đáu việc bố mẹ làm nông không lo được cho các con có cuộc sống sung túc, để các con phải bươn chải, vất vả. Mấy năm trước, đất sốt, tôi bàn với chồng bán mảnh đất rộng đang ở. Nghĩ bụng, dù sao các con cũng có cơ ngơi riêng, giữ nhiều đất cũng không làm gì.

Cuối cùng, chúng tôi bán một mảnh đất hơn 400m2 được 1,4 tỷ đồng. Tôi chia đều cho mỗi con 200 triệu đồng. Số còn lại, hai vợ chồng quyết định giữ, gửi ngân hàng lấy lãi để chi tiêu hàng tháng, sống sung túc hơn một chút.

Tôi cũng kiên quyết không cho ai vay khoản đó để phòng khi vợ chồng ốm đau còn có cái để lo liệu. Thực tế, nhiều năm nay, khi chúng tôi ốm đau, chỉ có tôi và chồng là người tự đi vay mượn lo liệu cho nhau. Gọi con cái từ xa về một là khó, hai là chẳng đứa nào có nổi tiền mà biếu bố mẹ được chục triệu chữa bệnh.

Thế nhưng, sau này, vợ chồng chúng tôi khổ sở vì liên tục bị các con làm phiền. Sau khi mỗi đứa con nhận 200 triệu, dường như đứa nọ lo đứa kia “vay kín” bố mẹ. Nên thi thoảng con gái lại gọi về hỏi: “Bố mẹ đã gửi tiền tiết kiệm chưa ạ? Nhất định không được cho ai vay đâu nhé”. Vài tháng con trai lớn lại gọi về kêu khó khăn, làm ăn thất bát. Con gái thì than phiền nhà chồng gây khó dễ, muốn ra ngoài ở riêng mà chưa có tiền mua nhà.

Các con cũng chăm về thăm bố mẹ hơn, thường xuyên mua quà biếu bố mẹ, thuốc thang tẩm bổ cũng không quên. Trước đây, việc này chưa từng xảy ra. Đến ngày Tết, mua cây đào nhỏ, bố mẹ cũng phải bỏ tiền.

Tôi không biết có phải mình đa nghi không nhưng tôi luôn có cảm giác, các con đang nhòm ngó số tiền còn lại của bố mẹ. Tôi đã cho đứt mỗi đứa 200 triệu là muốn chúng an phận, khỏi giành nhau. Sau này đất còn đó, tôi sẽ di chúc chia đều cho 4 con không phân biệt trai gái.

Giữ được số tiền hơn 400 triệu mà suốt mấy năm nay tôi mất ăn mất ngủ. Con cái kêu khó, mình giữ thì bị mang tiếng xấu với con, với xóm giềng. Nhưng một đứa kêu, hai đứa kêu tôi lại rút tiền cho chúng vay, liệu đến lúc bệnh, chúng có tiền lo cho vợ chồng tôi như lời chúng hứa? Hay lúc đó lại “con khó khăn lắm, bố mẹ thông cảm”. Tôi thực sự không biết mình làm đúng hay sai khi cứ giữ khư khư toàn bộ số tiền còn lại?

Theo Vietnamnet