Vụ Việt Á: Luật sư nói vợ cựu Giám đốc CDC Hải Dương phải vay lãi nộp khắc phục
Pháp luật - Ngày đăng : 16:28, 09/01/2024
Ngày 9/1, phiên tòa xét xử vụ Việt Á tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư. Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương - CDC Hải Dương) bị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 13-14 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Theo bản luận tội, ông Phạm Duy Tuyến phạm tội với vai trò thực hành, phạm tội có tổ chức và phạm tội từ 2 lần trở lên. Hành vi của ông Tuyến đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước số tiền hơn 73 tỷ đồng.
Bị cáo đã 3 lần nhận của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt tổng số tiền là 27 tỷ đồng (trong đó sử dụng cá nhân hơn 16 tỷ đồng).
Bào chữa cho ông Tuyến, luật sư cho rằng, cựu Giám đốc CDC Hải Dương không có động cơ vụ lợi, thời điểm bị cáo nhận tiền từ Việt Á đều diễn ra sau khi CDC đã thanh toán xong cho Việt Á.
Bản thân bị cáo có nhân thân tốt, là thầy thuốc. Ngoài ra, bị cáo không có ý thức để doanh nghiệp phải mang ơn mình. Bị cáo nhận thức đây chỉ là chia sẻ, không phải là đưa hối lộ. Theo luật sư, cơ sự xảy ra là do “sự chăm sóc quá đà của Việt Á”.
Luật sư cho hay, khi bị bắt giam, bị cáo đã nộp hơn 14 tỷ đồng. Ở trong trại tạm giam, ông Tuyến tiếp tục tích cực tác động để vợ ông nộp đủ số tiền mà bị cáo đã nhận, thể hiện thái độ ăn năn hối cải. Để có tiền lớn nhằm khắc phục hậu quả, vợ ông Tuyến đã dùng tiền của gia đình, vay mượn với lãi suất cao. Còn hơn 700 triệu đồng, vợ bị cáo không thể vay mượn thêm được nữa.
Vẫn theo luật sư, tiền nhận hối lộ ông Tuyến dùng để mua bất động sản, nay ông bị CQĐT kê biên nhiều tài sản có giá trị hàng chục tỷ đồng nên không thể bán lấy tiền khắc phục hậu quả. “Bị cáo đề nghị sử dụng tài sản kê biên này để khắc phục số tiền chưa có điều kiện nộp”, lời luật sư.
“Linh hoạt” hay “tùy tiện”?
Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, bị cáo Lê Trung Nguyên (nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á) biết rõ việc các cơ sở y tế công lập ứng test xét nghiệm sử dụng trước rồi thông đồng hợp thức thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán sau theo giá mà Công ty Việt Á đưa ra là trái quy định của pháp luật.
Dù vậy, bị cáo vẫn thực hiện chỉ đạo của Phan Quốc Việt hợp thức các thủ tục, hồ sơ để Việt trúng thầu, được thanh quyết toán trái quy định của pháp luật. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyên mức án 36-42 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bào chữa cho bị cáo Nguyên, luật sư đưa ra quan điểm: Tình hình dịch bệnh Covid-19 khốc liệt đã như một cơn bão, các bị cáo ở tâm bão đã bị cơn bão cuốn đi. “Nếu việc mua bán kit xét nghiệm đúng quy định thì phải mất 6-9 tháng. Còn mượn tạm test của Việt Á thì có ngay để dùng cho việc chống dịch. Đây chính là bản chất của vấn đề”, luật sư trình bày.
Vẫn theo luật sư, bị cáo Nguyên không hề được bàn bạc, giá kit test là bao nhiêu hoàn toàn nằm ngoài phạm vi hiểu biết của bị cáo. Bị cáo chỉ được phân công với tư cách người lao động của Công ty Việt Á nên cáo buộc hành vi phạm tội của bị cáo có tổ chức là không phù hợp.
Luật sư nêu vấn đề “linh hoạt” hay “tùy tiện” để cho rằng, bị cáo khi thực hiện hành vi chỉ nghĩ rằng đây là “linh hoạt” nhằm chống dịch. Luật sư cũng nhắc đến “công” và “tội” rồi liệt kê ra những khó khăn, vất vả mà một người làm công ăn lương như bị cáo Nguyên đã phải trải qua trong suốt thời kỳ dịch bệnh.
Theo luật sư, bị cáo Lê Trung Nguyên đã dũng cảm lao vào vùng dịch để làm công việc của mình, bất chấp tính mạng, đề nghị HĐXX xem xét.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Cường (cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương), luật sư cũng đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ tội cho bị cáo như: chủ động khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra…
Bị cáo Nguyễn Mạnh Cường bị đại diện VKS đề nghị xử phạt mức án 30-36 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bào chữa cho ông Cường, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo mức án bằng thời hạn tạm giam.