Hơn 100 giáo viên, cựu học sinh xin giảm nhẹ tội cho cựu Bí thư Hải Dương
Pháp luật - Ngày đăng : 12:09, 09/01/2024
Sáng 9/1, phiên toà xét xử đại án Việt Á tiếp tục phần bào chữa của các luật sư cho bị cáo. Người đầu tiên được bào chữa là cựu Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Trước đó, bị cáo Thăng bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ trong vụ".
Luật sư Đặng Văn Cường, người bào chữa cho bị cáo, mong HĐXX xem xét thấu đáo công lao của ông Phạm Xuân Thăng trong quá trình công tác nói chung, cũng như quá trình chống dịch nói riêng.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh, hoàn cảnh thời điểm tỉnh Hải Dương chống dịch COVID-19.
"Chính vì bối cảnh dịch bệnh bùng phát, có nguy cơ lan rộng trên địa bàn Hải Dương, với vai trò đứng đầu cấp ủy nên bị cáo Thăng buộc phải có các chỉ đạo để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh thời điểm này để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi vi phạm của bị cáo", ông Cường nói.
Luật sư Cường cho rằng, nguyên nhân, động cơ để ông Thăng có chỉ đạo Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm tại tỉnh Hải Dương là do tình hình dịch bệnh cấp bách, bị cáo tin tưởng đề xuất từ lãnh đạo Bộ Y tế lúc đó.
Bên cạnh đó, bị cáo cũng căn cứ theo kết quả cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ý kiến đề xuất của những thành phần tham gia cuộc họp.
Trong quá trình công tác, ông Thăng ban hành 66 quyết định về phòng, chống dịch đúng đắn, chính xác giúp tỉnh Hải Dương kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh thời điểm đó. Kết quả thể hiện ở việc Hải Dương có số ca mắc và tử vong thuộc hàng thấp nhất cả nước, kinh tế tăng trưởng đứng thứ 8 toàn quốc.
Bên cạnh đó, luật sư cho biết thêm, sáng nay, gia đình bị cáo đã bổ sung thêm tình tiết giảm nhẹ như: đơn xin giảm nhẹ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương, đơn xin giảm nhẹ của 80 cựu học sinh và 22 giáo viên trường THPT Cầu Xe.
Từ năm 1988 đến năm 1995, bị cáo Phạm Xuân Thăng là giáo viên Trường THPT Cầu Xe, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Hưng. Sau đó, từ năm 1995 đến năm 2020, bị cáo giữ nhiều chức vụ trong khối Đảng bộ tỉnh Hải Dương và đến tháng 10/2020 được bầu là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Trong hơn 30 năm công tác, ông Thăng được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương của Đảng và Nhà nước (tổng 43 bằng khen, giấy khen…).
Cùng với tình tiết giảm nhẹ như khắc phục toàn bộ hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác... cả 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Thăng đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ từ 3-4 năm, đồng thời giải toả kê biên tài sản với gia đình bị cáo.
Tiếp đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc sở Y tế Hải Dương cho biết đồng tình với cáo buộc của VKS về các tình tiết giảm nhẹ được áp dụng cho bị cáo.
Tuy nhiên, vị luật sư nhấn mạnh thêm về khó khăn khách quan dẫn đến phạm tội của bị cáo Cường cũng như nhiều bị cáo trong vụ án. Cụ thể, đó là những bất cập trong các quy định pháp luật về chỉ định thầu, đặc biệt trong bối cảnh cấp bách của dịch bệnh. Việc áp dụng theo quy định sẽ không phù hợp và đáp ứng mục tiêu chống dịch. Trong khi bản thân bị cáo ký 2 văn bản có nội dung chỉ đạo Việt Á cung cấp kit xét nghiệm cho Hải Dương nhưng cũng trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh uỷ.
Xuyên suốt quá trình chống dịch, Cường cũng chỉ liên lạc một lần với Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt (qua điện thoại của Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương) để trao đổi về việc xét nghiệm gộp, vì lúc đó chỉ Việt Á làm được. Ngoài ra, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương không có thỏa thuận, trao đổi gì, đồng thời không tham mưu cho lãnh đạo về việc tạo điều kiện gì giúp Việt Á.
Quá trình CDC thực hiện ứng kit test, bị cáo cũng nhiều lần chỉ đạo CDC tuân thủ quy định về đấu thầu.
Bên cạnh đó, bị cáo cũng ký nhiều văn bản kêu gọi xã hội hoá công tác chống dịch để giảm gánh nặng cho ngành Y tế Hải Dương và tăng thêm hiệu quả vào công tác chống dịch.
Cùng với thành tích cá nhân, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét để bị cáo chịu mức án thấp hơn là 3-4 năm, thay vì 5-6 năm như VKS đề nghị.