Công dân trốn nghĩa vụ sau khi được hỗ trợ mổ mắt, TPHCM sẽ ứng xử ra sao?
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:53, 08/01/2024
Chiều 8/1, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì Buổi họp Hội đồng Nghĩa vụ quân sự thành phố về công tác chuẩn bị giao quân năm 2024.
Hội nghị có sự tham dự của Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM, và Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự, đại diện lực lượng công an các địa phương.
Mở đầu hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Nam cho biết, trong nhiều năm qua, TPHCM là địa phương luôn hoàn thành và vượt các chỉ tiêu tuyển chọn công dân nhập ngũ. Tuy nhiên, qua theo dõi, một số vấn đề trong vấn đề này cần được cải thiện.
"Tỷ lệ công chức nhập ngũ hay công dân là con em cán bộ thành phố tham gia nhập ngũ còn nhiều điểm cần quan tâm. Ngoài ra, từng thành viên trong hội đồng nghĩa vụ quân sự phường, xã, thị trấn cần bám sát cơ sở, tuyên truyền, vận động thân nhân gia đình", Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM phân tích.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ chi phí điều trị tật khúc xạ mắt đối với công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân, ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố, đề cập tới khả năng, một số trường hợp đăng ký tham gia nghĩa vụ để được hỗ trợ mổ mắt, nhưng sau đó không nhập ngũ như cam kết ban đầu.
"Có trường hợp sau khi "sáng mắt" lại không tham gia nghĩa vụ. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ để thu hồi kinh phí, tránh thất thoát", lãnh đạo Sở Tài chính bày tỏ.
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM, cho rằng, ý kiến của Sở Tài chính là vấn đề đáng quan tâm. Nếu không giám sát chặt chẽ, sẽ có một số đối tượng đăng ký tham gia nghĩa vụ rồi trốn tránh sau khi nhận hỗ trợ mổ mắt.
"Năm nay, Công an TPHCM có 306 trường hợp cần mổ mắt, kinh phí gần 6 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí tương đối lớn, nếu không làm chặt chẽ thì dễ xảy ra thất thoát", Giám đốc Công an TPHCM nêu quan điểm.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM, cho rằng, về vấn đề này, các đơn vị không nên thực hiện máy móc. Cần giám sát chặt để tránh thất thoát kinh phí Nhà nước, tuy nhiên, cũng cần làm rõ các trường hợp có lý do chính đáng.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự thành phố, nêu quan điểm, các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ mổ mắt cần làm đúng từ khâu tuyển chọn cho tới khi thực hiện.
Nếu người được hỗ trợ mổ mắt nhưng không tham gia nghĩa vụ như cam kết ban đầu bởi lý do chủ quan hay cố ý thì các cơ quan phải thu hồi lại nguồn kinh phí. Tuy nhiên, địa phương cần giải quyết vấn đề một cách có tình, có lý.
Trong trường hợp người được hỗ trợ mổ mắt nhưng không tham gia nghĩa vụ vì nguyên nhân khách quan, thành phố cần lập hồ sơ, xác minh nguyên nhân mà không đặt vấn đề thu hồi lại tiền.
"Chúng ta không để ai trục lợi chính sách, nhưng cũng cần làm có tình, có lý, không được để xuất hiện tâm lý không hay đối với người dân", lãnh đạo UBND TPHCM nêu rõ.
Năm 2024, Chính phủ giao TPHCM chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an Nhân dân là 4.900 người. Trong đó, 950 người thực hiện nghĩa vụ Công an Nhân dân, 3.950 người tham gia nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, TPHCM cần tuyển chọn 1 nữ công dân tham gia Công an Nhân dân và 6 nữ công dân tham gia nghĩa vụ quân sự.
Theo Hội đồng Nghĩa vụ quân sự thành phố, trong năm nay, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giao TPHCM tuyển chọn và gọi nhập ngũ vào đơn vị quân đội 6 công dân nữ. Bộ Tư lệnh thành phố đã chỉ đạo cho các địa phương tiến hành tuyên truyền, vận động đến nay tuyển chọn được 6 công dân nữ tình nguyện và đủ điều kiện nhập ngũ.
Cụ thể, quận 8 tuyển chọn được 1 công dân nữ nhập ngũ, quận Gò Vấp tuyển chọn được 3 công dân nữ, huyện Củ Chi tuyển chọn được 1 công dân nữ và TP Thủ Đức tuyển chọn được 1 công dân nữ. Như vậy, TPHCM đã đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tuyển công dân nữ nhập ngũ năm 2024.