‘Cái tát’ thức tỉnh chàng trai nghiện ma túy từ năm 14 tuổi
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 10:01, 08/01/2024
Chúng tôi theo chân anh Lô Văn Nhất (36 tuổi) và anh Sầm Thái Phương (40 tuổi) - 2 thành viên nhóm Sao Va đi "chăm sóc khách hàng". Nếu anh Phương hơi kiệm lời thì anh Nhất lại khá lợi khẩu và thoải mái khi chia sẻ câu chuyện của mình.
"Tôi dùng ma túy năm 14 tuổi, do Phương rủ, nó là em họ tôi, dù nhiều hơn tôi 4 tuổi. Hôm nay hít heroin thì ngày hôm sau chuyển sang tiêm luôn. Cũng chẳng biết mình nhiễm HIV từ lúc nào", anh Nhất kể.
Nghiện ma túy, bị đuổi học, nhiễm HIV, đối với một đứa trẻ đang lớn, cứng đầu và thích thể hiện thì chả "xi nhê" gì. Thậm chí những lần trốn vào nghĩa trang "chích", bị mẹ phát hiện, đánh cho nát mông Nhất cũng không có ý định bỏ ma túy. Thế nhưng một chuyện xảy ra, như một cái tát đau điếng vào mặt, đã thức tỉnh Nhất.
"Hồi đó người nhiễm HIV bị kỳ thị lắm. Một lần, vừa bước ra khỏi nhà một người bà con, tôi nghe tiếng xoảng sau lưng mình. Ông chủ nhà đã ném cái cốc tôi vừa uống nước xuống con suối cạnh nhà, vỡ tan... Sự kỳ thị của người khác khiến tôi sốc hơn cả khi biết mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ.
Tôi đi mua một đoạn dây thừng để chấm dứt cuộc đời mình nhưng vừa vắt sợi dây lên cây thì bố mẹ đã đứng sau lưng. Thì ra, bố mẹ không bỏ rơi tôi, vẫn âm thầm dõi theo tôi, chỉ là không nói ra thôi. Tôi từ bỏ ý định chết và quyết phải sống, sống tử tế, bắt đầu từ việc cai nghiện ma túy", anh Nhất kể.
Nhưng việc cai nghiện không dễ dàng như Nhất nghĩ, kể cả khi anh tự chặt một đốt ngón tay để hạ quyết tâm. Nghiện, cai nghiện, tái nghiện, cái vòng luẩn quẩn ấy cứ siết lấy cuộc đời của cậu. Năm 2015, Nhất bị bắt và bị kết án 2 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy nhưng được hoãn thi hành án do đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Không thể trượt dài hơn nữa, Nhất quyết tâm làm lại cuộc đời. Muốn làm lại phải đoạn tuyệt với ma túy. Nhất đăng ký uống Methadol. Với tình trạng nghiện ma túy lâu năm, Nhất phải sử dụng liều Methadol cao nhất mới có thể chế ngự cơn thèm thuốc.
Gần 5 năm kiên trì uống thuốc, Nhất đã dứt được hoàn toàn heroin. Năm 2020, anh Nhất quyết định xin đi thi hành án.
"Có tội thì phải trả, hơn nữa, tôi cũng xác định vào đây để "cắt" Methadol. Thời gian đầu, tôi tưởng mình không thể vượt qua nổi, thiếu Methadol còn hơn ma túy "vật". Suốt một tháng trời vật vã, cuối cùng tôi cũng "cai" được Methadol. Nhờ các thầy, các quản giáo quan tâm, động viên, tôi cố gắng cải tạo và được giảm án, ra tù trước thời hạn 4 tháng", anh Nhất kể.
Tháng 2/2022, anh Nhất ra tù, bạn nghiện đến, thả cả túi hồng phiến xuống bàn để "ăn mừng". Chỉ cần chạm vào nó một lần nữa thì cả đời mình chỉ lún sâu hơn, không thể làm lại được nữa, anh Nhất nghĩ rồi đuổi bạn về.
Đoạn tuyệt với ma túy nhưng sống tiếp như thế nào để không lãng phí phần đời còn lại, Nhất chưa tìm được câu trả lời. Tháng 4/2022, qua giới thiệu của anh Lang Chung Hiền (Trung tâm Y tế huyện Quế Phong), anh Nhất biết đến nhóm Sao Va. Ở đó, có những người từng một thời lầm lạc, hoang mang, mất phương hướng, nay đã rũ bỏ quá khứ để sống và sống có ích nhất với cộng đồng, với những người cùng cảnh ngộ.
Anh Lô Văn Nhất trở thành hạt nhân tích cực nhất của nhóm, được phân công phụ trách địa bàn thị trấn Kim Sơn và 2 xã xa nhất huyện là Mường Nọc và Châu Thôn. "Tôi là người Thái, lại là người từng nghiện ma túy và đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, bởi vậy việc tiếp cận, nắm bắt tâm lý và thuyết phục người nghiện, người nghi nhiễm và người nhiễm HIV tham gia xét nghiệm, điều trị có nhiều thuận lợi hơn", anh Nhất cho hay.
Sau thời gian ngắn tham gia nhóm, chính anh Nhất là người "giác ngộ", giới thiệu người đã từng đưa mình đến con đường hút chích vào nhóm hoạt động cùng.
"Có những thời điểm chúng tôi thực hiện công tác test sàng lọc tại một bản có nhiều người nhiễm HIV nhất xã Tiền Phong nhưng không phát hiện một ca nhiễm mới nào. Có lẽ chẳng có ai làm dịch vụ, không tìm được khách hàng lại vui như anh em chúng tôi", anh Nhất cười.
Một ngày cuối tháng 11/2023, chị Lữ Thị Loan (29 tuổi, trú xã Châu Kim, Quế Phong, Nghệ An) chở cha con anh Nguyễn Trung H. (trú xã Quang Phong, Quế Phong) đến Trung tâm Y tế huyện Quế Phong xét nghiệm HIV. Để người đàn ông này chịu đến uống Methadol và thực hiện xét nghiệm là cả một quá trình tiếp cận, thuyết phục, làm công tác tư tưởng của chị Loan.
"Hôm hai đứa lớn đi học, đứa nhỏ không gửi được ai nên phải mang theo", anh H. (42 tuổi) lúng túng nói.
Nghiện ma túy từ năm 1999, trông anh H., già nua, tiều tụy và khắc khổ hơn tuổi. Vợ chồng anh H. đều nghiện ma túy.
Hồi tháng 8/2023, vợ anh H. bị công an bắt giữ khi đang vận chuyển ma túy, để lại cho chồng 3 đứa con, đứa bé nhất mới gần 3 tuổi. Nghiện thì chẳng có sức mà làm việc, cũng chẳng kiếm được công việc gì để làm, ông chủ quán cà phê một thời đi nhặt phế liệu. Ba đứa con nhỏ bữa no, bữa đói, tùy theo số tiền bán phế liệu và cữ nghiện của bố.
"Chị Loan đến thuyết phục đi uống thuốc cai nghiện. Có cai nghiện được thì mới khỏe, mới thay vợ nuôi con được. Vợ tôi chưa bị xử nhưng nghe nói sẽ phải đi tù lâu...", anh H. bỏ lửng câu nói ở đó.
Hôm nay anh H. quyết định đi Trung tâm Y tế uống thuốc Methadol nhưng đến nơi thì phát hiện không có giấy tờ tùy thân. Thực ra không phải là không có, mà căn cước đã bị anh cầm cố trong một lần lên cơn nghiện nhưng không có tiền mua ma túy.
Sau khi hội ý với nhóm, chị Loan chở anh H. đi chuộc giấy tờ để kịp làm thủ tục cho anh điều trị Methadol và xét nghiệm tầm soát HIV. Kinh phí chuộc giấy tờ chị Loan ứng ra trước, nhóm sẽ đề xuất với SCDI hoặc tìm kiếm nguồn sau chứ thực ra, với hoàn cảnh của anh H. bây giờ khó có tiền để trả.
"Thôi cứ lấy cho kịp để anh H. uống thuốc, xét nghiệm đã. Bằng không, coi như em cho các cháu", chị Loan quả quyết.
Chị Loan là nữ thành viên duy nhất của nhóm Sao Va, cũng là người trẻ nhất nhóm. Cuộc đời cô cũng nhiều thăng trầm, biến cố như những thành viên còn lại.
Không may mắn có được mái ấm gia đình đúng nghĩa, chị Loan lao ra đời sớm để mưu sinh rồi trượt dài theo ma túy, rồi dấn thân vào cái nghề mà cô không muốn nhắc tới nữa. Khi chị Loan có đủ can đảm và quyết tâm làm lại cuộc đời thì cô lại bị kết luận nhiễm HIV. Năm đó, Loan mới 21 tuổi.
Loan còn trẻ, Loan muốn sống, sống một cuộc đời bình thường và ý nghĩa. Cô quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy và kiên trì uống ARV. Rồi chị Loan lấy chồng, có một mái ấm đúng nghĩa cho riêng mình.
"Chúng tôi quen nhau khi đi uống Methadol, anh ấy cũng nhiễm HIV. Nhờ điều trị tốt, tải lượng virus HIV của 2 vợ chồng đã ở dưới ngưỡng, nôm na là chúng tôi gần như những người bình thường khác. Mẹ chồng cũng thương và động viên tôi nhiều lắm", cô khoe. Hạnh phúc đã đến với cô gái miền sơn cước, dù hơi muộn.
Tháng 9/2022, chị Loan tham gia nhóm Sao Va và "cảm thấy cuộc đời ý nghĩa hơn" khi có thể giúp được những người cùng cảnh ngộ. Là thành viên nữ duy nhất, chị Loan được ưu tiên phụ trách địa bàn xã Tiền Phong cùng thành viên giàu kinh nghiệm nhất - anh Ngân Văn Un.
Đây là địa bàn thuận lợi xét về mặt địa lý nhưng lại là "điểm nóng" về số lượng người nhiễm HIV. Là phụ nữ nên chị Loan mềm dẻo, linh hoạt và dễ tạo được sự tin cậy hơn từ khách hàng, đặc biệt khách hàng nữ - vốn ít chịu chia sẻ bệnh tật của mình.
Thân gái dặm trường, không phải bao giờ công việc của chị Loan cũng thuận lợi, nhất là những khi thời tiết bất lợi, xe cộ gặp sự cố hay khách hàng không hợp tác.
"Có khách hàng khi mình tiếp cận, tuyên truyền về việc uống thuốc Methadol, ARV miễn phí, họ còn tưởng mình lừa, đuổi ra khỏi nhà. Họ chưa hiểu hoặc cảnh giác quá thì mình phải kiên trì giải thích, có khi phải nhờ người quen dẫn đến. Nhiều khi cũng thấy vất vả, chạnh lòng, tủi thân lắm, nhưng cứ nghĩ mình giúp thêm được một người lại thấy vui", chị Loan tâm sự.