Điểm danh 6 ‘UAV sát thủ’ lợi hại hàng đầu của Nga

Tin thế giới - Ngày đăng : 05:30, 08/01/2024

Máy bay không người lái (UAV), đặc biệt là các "UAV sát thủ" đã trở thành vũ khí lợi hại của quân đội Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Truyền thông phương Tây thời gian qua đã nhắc nhiều đến 2 loại UAV Lancet và Geran của quân đội Nga như những “hệ thống vũ khí chiến đấu không người lái hiệu quả”, gây ám ảnh cho binh lính Ukraine ở tiền tuyến.

Tuy nhiên, theo Sputnik, các lực lượng Moscow hiện còn sở hữu 6 loại UAV lợi hại khác, từng được tạp chí Mỹ National Interest năm 2021 bình chọn là các “UAV sát thủ” tốt nhất của Nga.

uav orion.jpg
Một chiếc UAV thuộc dòng Orion. Ảnh: kronstadtgroup

Orion-10 và Orion-3

Chuyên gia quân sự Nga Andrei Koshkin cho biết, Orion là dòng UAV do tập đoàn quân sự quốc phòng Kronstadt của nước này phát triển. Quân đội Nga còn gọi Orion là “Inokhodets” (Kẻ dẫn tốc). Chúng thuộc nhóm UAV có độ bền trung bình.

Orion sở hữu sải cánh khá lớn, tới 16m và thân dài 8m. Máy bay có trọng lượng cất cánh khoảng 1000kg với trọng tải tối đa 450kg. Điều đó khiến UAV có thể mang theo 4 tên lửa hoặc bom điều chỉnh cỡ nòng nhỏ, được thiết kế đặc biệt là Kab20 và Kab50 hoặc bom bay lượn UPAB-50.

Theo ông Koshkin, binh lính Nga đã tích cực sử dụng loại UAV này trong các cuộc giao tranh với quân Kiev. Nhà chức trách Nga tuyên bố, trước đó, Orion-10 và Orion-3 đã chứng tỏ tính hiệu quả trong sứ mệnh ở Syria khi thực hiện hàng loạt vụ tấn công vào "các mục tiêu khủng bố" và làm nhiệm vụ trinh sát.

uav altius m.jpg
UAV Altius-U. Ảnh: militaryrussia.ru

Altius-U

Theo chuyên gia Koshkin, Altius-U là một UAV chiến đấu hạng nặng “đáng gờm”, do Cục thiết kế Sokol của Nga phát triển. Đây là mẫu UAV được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ trinh sát và có sải cánh là 28m, lớn hơn nhiều so với Orion.

Một trạm trinh sát quang - điện tử và một radar phụ đã được lắp đặt trên Altius-U, cho phép bao phủ khu vực cần do thám diện rộng. Phạm vi bay của UAV này đạt khoảng 7.000km. Hơn nữa, Altius-U có thể ở trên không suốt 48 giờ liên tục, với tốc độ bay lên tới 250 km/h. Tải trọng chiến đấu của UAV này cũng đạt tới 1 tấn, tức là gần gấp đôi so với Orion.

Các lực lượng Nga đang sử dụng Altius-U trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.

uav sirius.jpg
UAV Sirius. Ảnh: Sputnik

Sirius

Sirius là UAV tấn công của Nga, cũng do công ty Kronstadt của Nga chế tạo dựa trên nền tảng Orion.

“UAV Sirius là mẫu Orion tiên tiến hơn. Các mẫu UAV của chúng tôi liên tục được hiện đại hóa. Chúng tôi đang nghiên cứu nhu cầu của người điều khiển và sĩ quan chỉ huy trên chiến trường sử dụng UAV trong các hoạt động chiến đấu. Các cải tiến đang được triển khai nhằm nâng cao các đặc điểm kỹ thuật và chiến thuật của vũ khí. Đó là lý do Sirius xuất hiện”, ông Koshkin giải thích.

Theo chuyên gia này, Sirius là mẫu UAV tầm trung, hoạt động đường dài. Bán kính bay của Sirius đã tăng lên 1000km, trong khi tải trọng chiến đấu tăng lên 2 tấn, gấp đôi so với Orion. Ngoài ra, UAV này có thể bay 20 giờ liên tục ở độ cao 7.000m.

uav helios.jpg
Một nguyên mẫu UAV Helios. Ảnh: topwar.ru

Helios

Helios là UAV trinh sát, do tập đoàn Kronstadt phát triển nhằm phục vụ các mục đích tuần tra lâu dài trong một khu vực nhất định. Sải cánh của Helios hiện là 30m và đang không ngừng được tăng lên. Nhà sản xuất cũng đã cải tiến các đặc điểm kỹ, chiến thuật cho máy bay.

Trọng lượng khi cất cánh của Helios đạt 4 tấn, trong đó tải trọng trinh sát là 800kg. UAV này có tốc độ bay 350 - 450 km/h và có thể di chuyển lên độ cao 11.000m. Thời gian bay tối đa của Helios là 30 giờ và tầm bay là 3.000km.

Có thông tin cho rằng radar tích hợp của Helios có chức năng tìm kiếm và theo dõi mọi mục tiêu trên không, dưới mặt đất và trên mặt nước. UAV có thể được sử dụng cho một nhiệm vụ trinh sát riêng lẻ hoặc theo nhóm cùng các máy bay khác.

Ông Koshkin tiết lộ, Helios vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trên chiến trường.

uav grom.jpg
Một chiếc UAV Grom được trưng bài tại triển lãm quân sự Nga năm 2019. Ảnh: topwar.ru

Grom (Thần sấm)

UAV Grom có tải trọng chiến đấu 2 tấn và trọng lượng tối đa khi cất cánh lên tới 7 tấn. Đây là một trong những đặc điểm kỹ, chiến thuật khá ấn tượng.

Grom cũng là sản phẩm của tập đoàn Kronstadt. UAV có thiết kế máy bay kinh điển với đuôi hình chữ V, sải cánh 10m và chiều dài đạt gần 14m. Tốc độ khi di chuyển của UAV này là 800km/h và có thể đạt tối đa 1000 km/h.

Ông Koshkin nói, Grom có thể mang theo nhiều vũ khí, kể cả những loại cỡ lớn dùng cho máy bay ném bom như tên lửa có dẫn đường hay bom dẫn đường Kab250 và Kab500. Về mặt lý thuyết, UAV này thậm chí có thể mang tên lửa không đối đất X-38.

Đáng chú ý, Grom có thể điều khiển một nhóm khoảng 10 UAV Molniya cỡ nhỏ cùng lúc để tăng hiệu quả cho sứ mệnh.

uav okhotnik.jpg
UAV hạng nặng Okhotnik. Ảnh: militaryrussia.ru

Okhotnik (Thợ săn)

Okhotnik là mẫu UAV phản lực tấn công còn có tên gọi S-70, do Cục thiết kế Sukhoi phát triển trong thời gian dài cùng thế hệ tiêm kích thứ 5 của Nga (Su-57). Đây cũng là loại vũ khí phức tạp, liên tục được nhà sản xuất cải tiến và hiện đại hóa.

Một nguồn thạo tin tiết lộ, Okhotnik về cơ bản là UAV tấn công hạng nặng, sở hữu chiều dài 14m và sải cánh không quá lớn là 19m, nhưng có thể đạt tải trọng chiến đấu là 2,8 tấn.

Trong các cuộc thử nghiệm vào tháng 5/2022, Okhotnik đã oanh tạc các mục tiêu dưới mặt đất bằng tên lửa có dẫn đường, loại vũ khí cũng được trang bị cho tiêm kích Su-57. Sergei Chemezov, lãnh đạo tập đoàn Rostec tuyên bố vào thời điểm đó rằng, việc sản xuất hàng loạt UAV Okhotnik cho Bộ Quốc phòng Nga dự kiến bắt đầu vào năm 2023.

Hiện chưa có thêm thông tin về UAV tân tiến này.