Sau áp lực, giá vàng SJC sẽ xuống 65 triệu đồng/lượng?
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 14:51, 06/01/2024
Trong nước, giá vàng miếng SJC gần đây cũng chịu áp lực giảm mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên tiếng khẳng định sẽ sửa Nghị định 24 về độc quyền vàng trong tháng 1, sẵn sàng tăng cung vàng SJC và đánh giá lại vai trò của vàng miếng SJC.
Trước đó, ngày 28/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu không để vàng hóa nền kinh tế, đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC.
Trong cuộc họp đầu năm mới hôm 3/1, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới đến 20 triệu đồng là “không chấp nhận được”. Ông Tú khẳng định việc sửa Nghị định 24 (ban hành năm 2012) là thực sự cần thiết.
Ngày 4/1, NHNN ra Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung một quyết định hồi năm 2012 về việc tổ chức, quản lý sản xuất vàng miếng. Trong đó, có việc bổ sung một số thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng; bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc NHNN trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng.
Trước những động thái của NHNN, giá vàng hôm 29/12/2023 có lúc tụt giảm xuống 69,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74 triệu đồng/lượng (bán ra). Nếu người mua mua vào khi giá ở đỉnh cao 80,3 triệu đồng/lượng (giá bán ra) hôm 26/12/2023 có thể lỗ tới 10,8 triệu đồng/lượng nếu bán ra hôm 29/12/2023.
Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC những ngày qua ổn định ở mức 75 triệu đồng/lượng (giá bán) dù giá vàng thế giới quy đổi vào sáng 6/1 chỉ ở mức 61 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Mức chênh giá trong nước và thế giới vẫn 14 triệu đồng/lượng.
Nếu NHNN đấu thầu vàng, giá SJC sẽ xuống bao nhiêu?
Theo ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, ngoài tổng kết Nghị định 24, NHNN cũng sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC để bình ổn thị trường.
Nếu NHNN có biện pháp cụ thể, giá vàng miếng SJC có thể sẽ giảm. Dù vậy, mức độ giảm phụ thuộc vào số lượng vàng nhập về.
Nếu nguồn cung dồi dào, mức chênh với thế giới có thể về 1-2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua bán cũng được kéo về mức 500.000-1 triệu đồng/lượng (thay vì 3 triệu đồng/lượng như hiện tại). Khi đó, giá vàng miếng SJC sẽ chỉ khoảng 64-65 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, liệu NHNN có cho phép nhập vàng với khối lượng lớn hay không vẫn là một ẩn số khi nhiệm vụ chính của cơ quan này là giữ ổn định tỷ giá và lạm phát.
Cuối năm 2023, dự trữ ngoại hối của Việt Nam theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể đạt 100 tỷ USD, mức tương đối an toàn, tương đương khoảng 17-18 tuần nhập khẩu. Đây là yếu tố có thể giúp NHNN có dư địa để cho nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu nhất định.
Lật lại lịch sử, sau khi Nghị định 24 được ban hành, trong năm 2013, NHNN liên tục tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng (phiên đầu tiên hôm 28/3/2013), tổng cộng bán gần 70 tấn vàng, thu về cho ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng chênh lệch, qua đó ổn định tương đối thị trường vàng. Sau vài tháng đấu giá, giá vàng từ mức 43 triệu đồng/lượng có lúc về 36 triệu đồng/lượng.
Dù vậy, như cách đây 10 năm, thị trường vàng năm 2024 có thể cũng cần một vài tháng sau khi đấu thầu giá mới hạ nhiệt. Hiện, giá vàng SJC chênh với thế giới 14 triệu đồng/lượng. Giá có thể giảm nếu đấu thầu vàng, nhưng mức chênh còn lại bao nhiêu vẫn khó dự đoán. Nó liên quan tới việc NHNN nhập khẩu bao nhiêu vàng, đem đấu thầu ở mức giá nào và liệu SJC có còn là thương hiệu độc quyền hay không?
Nếu nhập khẩu trở lại, với mỗi tấn vàng nguyên liệu, NHNN sẽ bỏ ra khoảng 66 triệu USD. Nếu cũng nhập 70 tấn như năm 2013, NHNN sẽ chi khoảng 4,5 tỷ USD.
Ước tính của Hội đồng vàng thế giới, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100 tấn vàng qua kênh chính thức và nhập lậu.
Áp lực gia tăng
Ngày 5/1, Bộ Lao động Mỹ bất ngờ cho biết thị trường lao động nước này cuối năm 2023 có tốc độ tuyển dụng mạnh hơn dự kiến. Trong tháng 12, có thêm 216.000 việc làm mới, cao hơn con số 173.000 việc làm trong tháng 11. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 3,7%.
Thông tin này lập tức được đánh giá là tín hiệu tích cực. Nỗi lo nền kinh tế số 1 thế giới sẽ suy thoái trong năm 2024 lắng dịu. Đồng USD vụt tăng trở lại và khiến thị trường tài chính thế giới lung lay về dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm đảo chiều hạ lãi suất.
Nhiều tổ chức nhanh chóng đề cập về khả năng Fed trì hoãn hạ lãi suất lần đầu.
Nếu như ngày 3/1, tín hiệu thị trường từ công cụ CME FedWatch cho thấy có 86% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3, thì tới ngày 6/1 tỷ lệ này giảm xuống còn 64%.
Trong cuộc họp gần nhất vào cuối năm 2023, Fed phát đi tín hiệu có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 với tổng mức giảm là 75 điểm phần trăm.
Cùng với thông tin thị trường lao động Mỹ tốt bất ngờ được công bố hôm 5/1, đồng USD đã nhanh chóng đi lên. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt - có lúc lên trên ngưỡng 103 điểm, so với mức dưới 101 điểm hôm 27/12/2023.
Đây là những thông tin bất lợi cho thị trường vàng dù mặt hàng kim loại quý này đang trong xu hướng tăng trong dài hạn, với dự báo nước Mỹ sẽ bắt đầu một chuỗi cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang có dấu hiệu đi xuống.
Thêm nữa, giá vàng thế giới được dự báo vẫn trong xu hướng uptrend do khả năng USD giảm rất cao, nhất là khi tới đây Fed sẽ hạ lãi suất.
Nhiều dự báo cho rằng giá vàng thế giới sẽ lên 2.200-2.400 USD/ounce trong năm 2024, thay vì 2.050 USD/ounce (quy đổi 61 triệu đồng/lượng) như hiện tại.